Cải cách TTHC dịch vụ công cấp lý lịch tư pháp trực tuyến
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:37, 01/06/2022
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện nay có hơn 80 TTHC yêu cầu phải có Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) trong hồ sơ. Quá trình triển khai thực hiện thủ tục DVCTT cấp LLTP đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải có sự sửa đổi đáp ứng với nhu cầu thay đổi không ngừng của công nghệ thông tin (CNTT) và các yêu cầu của Chính phủ số.
Hiện trạng cải cách TTHC hướng đến chính phủ số năm 2025
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong giai đoạn từ 2020 - 2025 các Bộ, ngành sẽ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025). Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nếu cắt giảm thực chất sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Theo đó, từ cuối năm 2020 đến hết năm 2021, các Bộ, ngành đã lập phương án cắt giảm các chi phí tuân thủ của DN.
Tại Báo cáo “Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, các phương án chủ yếu tập trung vào: bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Chứng minh thư nhân dân (CMTND)/Căn cước công dân (CCCD), bỏ yêu cầu phải cung cấp một số giấy tờ, tài liệu; chuyển phương thức thực hiện thủ tục lên cổng DVCTT, hoặc trên phương tiện điện tử....
Ngoài ra, các đề xuất đơn giản hóa TTHC theo hướng giảm số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho DN khi thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, nhìn nhận các đề xuất này sẽ tác động lớn, có tính cải cách trong hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN thì vẫn còn khiên cưỡng.
Một vấn đề nữa là tính đồng nhất trong các đề xuất giữa các ngành, lĩnh vực có tình trạng không thống nhất. Ví dụ, yêu cầu bỏ “giấy chứng nhận đăng ký DN” trong hồ sơ xin cấp giấy phép ở ngành nghề này, nhưng lại giữ nguyên ở các ngành nghề khác. Tính chính xác trong cách tính chi phí tuân thủ quy định cũng có vấn đề giữa cách tính của cơ quan quản lý và DN.
Có một nghịch lý là các cơ quan Nhà nước (CQNN) đang lập phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho DN. Điều này khiến việc cải thiện môi trường kinh doanh thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả. DN vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có” và còn rất nhiều quy định gây khó chưa được xử lý.
Mặt khác, lại xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Tính đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế, cũng như tính hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh vẫn là một thách thức đang ngăn cản hoạt động xây dựng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo của VCCI cho thấy, hàng năm có hàng trăm thông tư hướng dẫn luật được ban hành, nhưng chất lượng và tính minh bạch còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, tính từ 01/1/2016 đến 20/7/2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng Văn bản pháp luật ban hành. Trung bình, mỗi luật ban ra có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 25,8 thông tư... hướng dẫn. Với số lượng áp đảo so với các văn bản pháp luật khác, thông tư đang giữ vai trò vô cùng quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của nhà làm luật và tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Quy trình ban hành, thông tư chủ yếu thực hiện bởi các đơn vị chuyên môn thuộc cấp Bộ. Nếu so với quy trình ban hành nghị định, luật, pháp lệnh thì mức độ kiểm soát về chất lượng và tính minh bạch hạn chế hơn. Theo quy định tại Luật DN năm 2005, thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh. Quy định này được tiếp tục duy trì trong Luật Đầu tư năm 2014 và 2020. Còn theo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, thông tư không được ban hành TTHC, trừ trường hợp được ủy quyền trong luật.
Bình quân mỗi năm, Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật, nhưng có 150 nghị định và 500 -600 thông tư hướng dẫn. Có nghĩa là, nhánh lập pháp đang dành quá nhiều dư địa cho nhánh hành pháp ban hành quy định. Một luật không sửa nhưng có thể áp dụng nhiều cách. Tùy ý áp dụng, giải thích dành cho công chức là rất lớn. Điều này gây ra nhiều rủi ro, khiến người kinh doanh ngại ngần, đứng trước nguy cơ lúc nào cũng sai. Môi trường kinh doanh cần có mấy từ khóa là “tự do”, “an toàn”, “chi phí thấp”, song với cách làm thế này thì không thể có được.
Hiện trạng thực hiện việc cấp LLTP qua DVCTT
Tính riêng trong lĩnh vực cấp LLTP, theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện nay có hơn 80 TTHC yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ. Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện cấp LLTP, riêng tại Hà Nội đã có hơn 230.000 hồ sơ xin cấp LLTP được tiếp nhận xử lý. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật LLTP năm 2009 đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng mà không xuất phát từ yêu cầu muốn biết về nội dung LLTP của mình mà do xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài; xin việc làm, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Thứ hai, Luật LLTP chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan có liên quan trong cung cấp, cập nhật, xác minh thông tin về “thực hiện hành vi phạm tội mới” để xem xét điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án. Điều này gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin về việc đương nhiên xóa án tích của người bị kết án một cách chính xác, kịp thời vì CSDL hiện nay chỉ có thông tin khi một người bị kết án bởi một bản án có hiệu lực, không có thông tin về hành vi phạm tội cũng như quá trình tố tụng liên quan.
Thứ ba, Luật LLTP hiện nay chưa quy định về cấp phiếu LLTP (xóa án tích) cho Pháp nhân thương mại. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tại Chương XI (Những quy định đối với Pháp nhân thương mại phạm tội). Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác.
Thứ tư, theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện nay có hơn 80 TTHC yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ. Trong số đó, một số lĩnh vực quy định cụ thể về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP trong hồ sơ, thông thường là 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày cấp; một số thủ tục chỉ quy định phải có Phiếu LLTP, không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP.
Luật LLTP chưa quy định về thời hạn sử dụng Phiếu LLTP mà phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tình trạng án tích của đương sự. Điều này, dẫn đến bất cập là việc áp dụng pháp luật không thống nhất, vai trò của phiếu LLTP trong việc giúp các cơ quan, tổ chức trong việc nắm bắt được chính xác, kịp thời tình trạng án tích của cá nhân không được phát huy cao và không phản ánh chính xác tình trạng án tích của họ.
Thứ năm, Luật LLTP hiện nay không có quy định ngoại lệ áp dụng cho một số đối tượng như người chưa đủ 14 tuổi: Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, ngoài Tờ khai còn phải kèm theo bản sao một số giấy tờ như CMTND, Hộ chiếu, hộ khẩu, giấy xác nhận tạm trú... mà không có quy định ngoại lệ áp dụng cho một số đối tượng như người chưa đủ 14, quy định này không chỉ gây khó khăn cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP mà còn gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc Bộ Công an triển khai cấp lại CCCD có gắn chip với các thông tin cụ thể hơn thay thế cho CMTND/CCCD cũ, bỏ sổ HKTT tại nhiều địa phương nhưng việc yêu cầu người xin cấp phải nộp bản sao chứng thực sổ HKTT/Giấy chứng nhận tạm trú hoặc tải bản gốc khi nộp hồ sơ online là gây nhiều khó khăn cho người xin cấp LLTP.
Thứ bảy, hiện nhiều cơ quan, tổ chức, DN khi tuyển dụng hay kiểm tra thông tin nhân sự của mình (cho việc tuyển dụng, phê duyệt chức danh quản lý....) thường yêu cầu có phiếu LLTP nhưng Luật LLTP không có quy định riêng đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, DN khi tuyển dụng nhân sự vào làm việc (sau khi vượt qua các vòng phỏng vấn và trước khi ký hợp đồng/quyết định chính thức) hay khi phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mà có yêu cầu người ứng tuyển phải cung cấp phiếu LLTP thì các cơ quan, tổ chức DN này phải tự liên hệ với nơi cấp phiếu LLTP và tự trả phí (vì đây là yêu cầu riêng của các cơ quan, DN, tổ chức này) sau khi có được thông tin cơ bản của nhân sự theo biểu mẫu hoặc điền online (theo hướng dẫn của cơ quan xin cấp LLTP) gửi trực tiếp đến email của cơ quan, tổ chức, DN nhằm thực hiện nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân cũng như bảo vệ quyền công dân.
Hiện tại quy trình đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến được thực hiện theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và pháp luật về LLTP. Cá nhân thực hiện đăng ký tài khoản, đăng nhập tài khoản và nộp hồ sơ điện tử theo Quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử quy định tại Chương II Nghị định số 45/2020/NĐ-CP. Phiếu LLTP cấp cho cá nhân dưới hình thức văn bản giấy theo quy định của pháp luật về LLTP (Phiếu LLTP được in trên phôi có hoa văn theo mẫu, được dán tem chống giả) và được trả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Phiếu LLTP.
Trường hợp các giấy tờ, tài liệu điện tử đăng tải kèm theo Tờ khai điện tử không được chứng thực bản sao điện tử từ bản chính hoặc dẫn nguồn tài liệu từ Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân thì Phiếu LLTP được trả trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Phiếu LLTP. Khi đến nhận Phiếu LLTP, cá nhân xuất trình bản chính các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đã gửi trực tuyến để đối chiếu.
Theo Quyết định số 1050/QĐ-BTP ngày 23/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố TTHC sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực LLTP thì từ 1/7/2021, hồ sơ (số lượng 1 bộ) thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam được thực hiện như sau: Nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp (STP) nơi thường trú hoặc tạm trú hoặc nơi cứ trú cuối cùng trước khi xuất cảnh. Thành phần hồ sơ gồm: (i) Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo mẫu quy định (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP; Mẫu số 04/2013/TT-LLTP); (ii) Bản chụp CMTND hoặc thẻ CCCD hoặc Hộ chiếu của người được cấp Phiếu LLTP; (iii) Văn bản ủy quyền (nếu có, trừ phiếu LLTP số 2). Thời hạn giải quyết hồ sơ là thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày. Phí cung cấp thông tin LLTP: 100.000- 200.000 đồng/lần/người tuỳ đối tượng (có miễn, giảm)
Thực tế thực hiện tại Hà Nội thông qua cho thấy còn nhiều bất cập về TTHC cụ thể như sau:
Một là, về thành phần hồ sơ: Nếu thực hiện online, ngoài việc điền tờ khai online (mẫu số 03 hoặc 04 tuỳ mục đích xin cấp LLTP số 1 hoặc LLTP số 2) qua Cổng TTHC của STP Hà Nội, công dân được yêu cầu gửi bản scan HKTT, CMTND/ CCCD bản gốc và nộp lên hệ thống dưới định dạng file là PDF. Sau đó phải tự in ra tờ khai yêu cầu ra để nộp kèm hồ sơ cho nhân viên Bưu chính đến địa chỉ thu hoặc khi nộp trực tiếp tại STP. Thủ tục này vừa thừa vừa gây tốn kém cho công dân, nhất là những ai không thạo CNTT.
Hai là, yêu cầu nộp bản sao có chứng thực là thêm tốn kém cho công dân. Theo quy định, nếu nộp bản chụp khi thu hồ sơ thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật. Thực tế nhân viên bưu chính khi thu hồ sơ tại nhà của khách hàng thực hiện yêu cầu của STP là yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực vẫn còn trong thời hạn 6 tháng mặc dù công dân đã trình bản chính cho nhân viên bưu chính đối chiếu. Chưa hết, việc công dân đi chứng thực bản sao này tại UBND Phường cũng gây thêm tốn kém cho người xin cấp LLTP.
Ba là, mặc dù là TTHC công trực tuyến, nhưng lại không có phần thanh toán online khi tiến hành hoàn thiện kê khai (liên kết tài khoản của STP với cổng thanh toán quốc gia NAPAS - nơi tất cả các ngân hàng là thành viên) hoặc qua dịch vụ Ví điện tử khiến cho việc hoàn thành nhập tờ khai chỉ là thao tác dịch vụ công LLTP kiểu nửa vời. Còn lại việc nộp tiền vẫn là thủ công.
Trong khi việc liên kết thanh toán này hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng với sự trợ giúp của CNTT và ngân hàng nơi STP mở tài khoản hoặc có thể liên kết với các dịch vụ trung gian thanh toán khác đang được triển khai và người dân vốn đang quen thuộc như dịch vụ Mobile Money của các doanh nghiệp viễn thông (hiện có hơn 1,3 triệu tài khoản mobile money được mở); ví điện tử...
Bốn là, việc giải quyết hồ sơ kéo dài từ 10-15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ giấy hợp lệ tùy theo trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP (Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA- BQP) là quá dài và phải đẩy nhanh việc liên kết TTHC và chia sẻ dữ liệu của công dân giữa các cơ quan nhằm rút ngắn thời gian giải quyết. Nếu như không liên thông được thông tin thì cần quy rõ về một đầu mối hoặc chuyển giao cho một cơ quan khác (ví dụ Bộ Công an) sẽ hợp lý hơn. Đây cũng là mô hình phổ biến ở các nước trên thế giới.
Năm là, việc triển khai thu, nộp hồ sơ, chuyển phát kết quả qua dịch vụ Bưu chính do hạn chế về cơ sở vật chất đầu tư cũng như mức độ thành thạo CNTT của khách hàng và phần mềm kê khai mà việc thực hiện vẫn còn sự trục trặc, mất thời gian cho nhân viên bưu chính cũng như khách hàng trong khi Bưu chính lại chỉ được hưởng mỗi phí dịch vụ chuyển phát hồ sơ tài liệu (57.000 đồng/bộ hồ sơ) và thiếu nhân lực hỗ trợ kê khai này do phải thực hiện nhiều đầu công việc chuyên môn khác.
Kinh nghiệm từ Úc với việc cấp LLTP (National Police Check)
Thực tế kinh nghiệm của các nước cho thấy, thủ tục cấp LLTP là hết sức nhanh gọn và đơn giản hóa thủ tục tới mức tối đa cho công dân. Tại Úc, cơ quan cấp LLTP (gọi là National Police Check -NPC) là Cơ quan cảnh sát liên bang Úc (Australian Federal Police- AFP). Theo đó, AFP cung cấp phiếu LLTP với chi phí 42 đô la Úc được in trên giấy an toàn. NPC của Úc có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp.
Phương thức nộp đơn: Có hai tùy chọn để gửi đơn đăng ký của mình: Trực tuyến và Biểu mẫu (Form) có thể tải xuống để điền thủ công và gửi qua đường bưu điện. Các ứng dụng được gửi qua email sẽ không được chấp nhận. Có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng (Visa, MasterCard hoặc American Express).
Ngoài ra, đối với đơn đăng ký được điền thủ công, có thể thanh toán bằng séc ngân hàng, phải bằng đô la Úc hoặc lệnh chuyển tiền có thể nhận được từ Bưu chính Úc (Australia Post). Đơn nộp phải cung cấp bản sao của các giấy tờ tùy thân đạt 100 điểm. Có khoảng 30 loại giấy tờ cá nhân (chính và phụ) được tính điểm với khung điểm giao động từ 20 - 70 điểm/giấy tờ cung cấp. Với người xin cấp dưới 18 tuổi thì cần có sự đồng ý của cha hoặc mẹ nếu người nộp đơn dưới 18 tuổi.
Đối với các đơn được điền và nộp hoàn thành thủ công qua Bưu điện: phải gửi biểu mẫu không quá ba tháng sau khi ký tên; đánh dấu các ô thích hợp bằng dấu gạch chéo (X); đảm bảo người nộp đơn xin NPC phải bảo mật tất cả các thủ tục giấy tờ, biểu mẫu, thanh toán và giấy tờ tùy thân vào đơn đăng ký của mình; đảm bảo tất cả các chi tiết cần thiết đã được hoàn thành và biểu mẫu được ký tên và ghi ngày tháng; đơn đăng ký phải được hoàn thành bằng cách sử dụng các chữ cái khối (nghĩa là viết hoa).
Cấp phiếu LLTP (NPC) theo yêu cầu của công ty, tổ chức:
Theo yêu cầu, Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) có thể tiến hành cấp NPC đối với một công ty của Úc (“Company Check”) và cung cấp giấy chứng nhận nêu chi tiết bất kỳ kết án và/hoặc bất kỳ cáo buộc nào đang chờ tòa án chống lại công ty đó. AFP sẽ chỉ tiến hành một NPC đối với một công ty mà công ty đó đã cho phép thực hiện NPC (Company Check) và có yêu cầu hợp pháp đối với công ty để có được Company Check (ví dụ như Phê duyệt Chăm sóc Người cao tuổi, Giấy phép Bảo mật Chính ACT, v.v..).
Để đăng ký Company Check sẽ cần được công ty ủy quyền để yêu cầu kiểm tra với Đơn yêu cầu Company Check với các Yêu cầu nhận dạng và Thông tin dành cho người nộp đơn.
Thủ tục cấp online được thực hiện với bước đầu là chứng minh 100 điểm xác thực cá nhân thông qua một loạt các giấy tờ (khoảng 30 loại giấy tờ xác thực danh tính cá nhân được công nhận) như: Hộ chiếu (70 điểm), các loại giấy tờ cá nhân - IDs (40-70 điểm) hoặc bằng lái xe (40 điểm)... Chỉ cần chọn 2 loại giấy tờ phổ biến nhất (Hộ chiếu/IDs hoặc bằng lái xe) là công dân đã có đủ 100 điểm xác thực cá nhân. Mẫu đơn điền cũng hết sức ngắn gọn và có hai câu trả lời đơn giản: Kiểu cấp và Mục đích xin cấp và gửi bản chụp giấy tờ chứng minh 100 điểm xác thực cá nhân (định dạng PDF, jpeg...) nói trên là có thể hoàn thành hồ sơ.
Khi bấm nút nộp hồ sơ trang web sẽ chuyển đến cổng thanh toán với nhiều phương thức thanh toán (qua thẻ tín dụng, qua tài khoản...), tuỳ theo mục đích xin cấp, phí cấp sẽ giao động từ 42 đô la Úc,99 đô la Úc đến 139 đô la Úc. Do thực hiện online và quy về một đầu mối duy nhất (AFP) nên thường công dân sẽ nhận thông báo cấp NPC qua email trong 24 - 48h và nhận bản gốc NPC gửi về địa chỉ nhà trong 3-5 ngày.
Như vậy, công dân Úc hay người nước ngoài sinh sống ở Úc muốn được cấp National Polic Check không phải nộp thêm bất cứ giấy tờ gì khác ngoài các yêu cầu nói trên. Không có gì ngạc nhiên khi Úc liên tục đứng TOP 5 các nước về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) với việc xếp hạng 5 thế giới năm 2020 và trên mục tiêu hạng 3 thế giới vào năm 2025.
Từ kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS) thành công của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng. Mục tiêu của việc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, Xã hội số, Quốc gia số. Việt Nam thực hiện CĐS với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số.
Người dân, DN cũng phải tham gia vào quá trình CĐS. Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Với những kinh nghiệm của Úc trong việc cấp NPC, thiết nghĩ đã đến thời điểm cần phải có cách làm và bước cải cách đột phá cho việc thực hiện thủ tục DVCTT cấp LLTP với những khắc phục triệt để các tồn tại của việc thực hiện thời gian qua và tiến tới phải sửa đổi lại luật và các quy định không phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Báo cáo tổng kết 10 thi hành Luật LLTP, Bộ Tư pháp
[2]. Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021". Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chi tiết www.vcci.com.vn
[3]. Đỗ Thị Thuý Lan, Thời hạn sử dụng Phiếu LLTP - có cần quy định cụ thể?. Chi tiết https://moj. gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2606
[4]. Phương Linh, Một số bất cập của Luật LLTP. Chi tiết https://stp.bacgiang.gov.vn/mot-so-iem- bat-cap-cua-luat-ly-lich-tu-phap
[5]. Trần Thuỷ, "Thông tư to hơn luật: Vấn nạn bao năm, cải cách mãi không xong". Chi tiết https://vietnamnet.vn/thong-tu-to-hon-luat-van-nan-bao-nam-cai-cach-mai-khong- xong-826403.html
[6]. Trần Thuỷ,"Cắt giảm chi phí cho DN:Hô rất to nhưngchỉ"làm cho có"".Chi tiết https:// vietnamnet.vn/cat-giam-chi-phi-cho-dn-ho-rat-to-nhung-chi-lam-cho-co-827164.html
7. Websites: Cơ quan cảnh sát Liên bang Úc www.afp.gov.au; https://afpnationalpolicechecks. converga.com.au
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)