Hệ sinh thái số là "lực đẩy" tăng trưởng nền kinh tế đất nước
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:08, 27/05/2022
Cần chủ động tạo hệ thống nền tảng số "lõi" Make in Viet Nam
Tập trung quan điểm phân tích về vai trò, tầm quan trọng của hệ sinh thái số, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), tại cuộc Tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái tài chính số Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá" do IDG Việt Nam vừa tổ chức, cho rằng hệ sinh thái số nhất thiết cần phải được tạo dựng, hình thành dựa trên các ứng dụng, hệ thống nền tảng, công nghệ số. Đồng thời, hệ sinh thái số còn góp phần hình thành một nền tài chính số và mở ra các cơ hội tiên phong, đi trước cho các ngân hàng, công ty tài chính, DN.
"Đây cũng chính là sự dẫn dắt thị trường chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, tác động trở lại đến hệ thống sinh thái tài chính số, trong đó có sự phát triển, kết nối liên thông, thông suốt đa lĩnh vực: Tài chính, thanh toán, cho vay, logistics, thương mại điện tử….", ông Thắng phân tích.
Đặc biệt, theo ông Thắng, khi chúng ta đảm bảo tạo ra hệ sinh thái số, đây sẽ là "công cụ", "lực đẩy" thúc đẩy sự tăng trưởng, bứt phá nền kinh tế đất nước; làm tròn nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia mạnh mẽ, bền vững.
Đánh giá khái quát chung về thực trạng, sự chủ động khi tham gia hệ sinh thái số đối với lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng hiện nay, ông Thắng cho rằng, lĩnh vực chứng khoán đã và đang ứng dụng các công nghệ số mới và đây chính là quá trình số hóa đang dẫn dắt.
Thể hiện dễ nhận thấy chính là việc các đơn vị chứng khoán đã có ứng dụng (app), web chuyên biệt và điều này giúp các hoạt động giao dịch được đảm bảo tương tác mọi thông tin; tăng thêm quyền quản lý minh bạch; bảo vệ lợi ích cho các khách hàng.
"Các công ty chứng khoán ứng dụng các công nghệ số sớm chính là sự chuyển dịch mạnh mẽ trong công cuộc CĐS để thay đổi, phát triển", ông Thắng nêu luận điểm.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, bên cạnh yếu tố tiềm năng, thế mạnh, lĩnh vực chứng khoán hiện nay cũng đang tồn tại những hạn chế: Chưa tối ưu hệ thống giao dịch trực tuyến thông minh; ứng dụng phân tích kỹ thuật mã cổ phiếu chứng khoán chưa nhiều; ứng dụng giúp gia tăng hiệu quả giao dịch và đầu tư vẫn ít, thiếu… Chính điều này đang hạn chế các nhu cầu, tần xuất giao dịch của khách hàng, có khi dẫn đến tình trạng tắc, nghẽn hệ thống.
Bên cạnh đó, tồn tại còn thể hiện trong ở việc an toàn các tài khoản còn thấp, quản lý các tài khoản, khách hàng còn chưa tốt, chưa được đảm bảo; cá thể hóa lợi ích cho khách hàng vẫn chưa được ưu tiên.
Nói đến thực trạng ngân hàng, Phó chủ tịch VDCA cho rằng, việc thích ứng trong hệ sinh thái số nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở các công nghệ hợp kênh 2.0 và các ứng dụng các hàm lượng công nghệ chất lượng cao (blockchain, AI…) vẫn đang chỉ dừng lại ở bước đầu mạnh mẽ triển khai chờ kết quả kiểm nghiệm.
Hơn nữa, các ngân hàng đang gặp khó khăn về việc xử lý thông tin cá nhân khách hàng, bởi lẽ khi ngân hàng muốn cho khách hàng vay rất khó xác định được các thông tin nhân thân, khả năng trả nợ. Do đó muốn có thông tin chuẩn khách hàng cần có nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia chuẩn và phải được chia sẻ, liên thông dữ liệu qua hệ sinh thái tài chính số an toàn.
Cũng theo Phó Chủ tịch VDCA, cấu trúc, mô hình ngân hàng hiện nay không chỉ có ngân hàng mẹ (tổng) mà còn có các ngân hàng con, ngân hàng số, ngân hàng nhúng, ngân hàng mở.
Nổi bật trong cấu trúc này, ngân hàng "nhúng" (ngân hàng hợp tác với các công nghệ tài chính (fintech) nhằm đem lại tiện ích đa dạng cho khách hàng); ngân hàng "mở" (dữ liệu được trao đổi trong hệ sinh thái tài chính, đặt khách hàng làm trung tâm, trao quyền kiểm soát dữ liệu).
Để phát triển ngân hàng "nhúng" và ngân hàng "mở" - một xu hướng thời đại ngân hàng số, nhất định cần sự tập trung áp dụng, sử dụng, ứng dụng các công nghệ số và cần đảm bảo các ngân hàng vận hành tuân thủ theo quy định hệ thống pháp lý. "Hệ thống pháp lý phải theo kịp sự phát triển của hệ thống các ngân hàng số", Phó chủ tịch VDCA nhấn mạnh.
Ở quan điểm đối với các công ty tài chính, theo ông Thắng lĩnh vực này đang phát triển theo xu thế thương mại điện tử trực tiếp giữa DN với DN (B2B). Để xu hướng này tạo giá trị, hiệu quả tăng trưởng cần cần khung thể chế, thử nghiệm (sandbox) của nhà nước sớm ban hành, áp dụng thực hiện.
Nhìn chung cả ở 03 lĩnh vực: Chứng khoán, ngân hàng, các công ty tài chính muốn phát triển hiệu quả nhanh, thực chất thì Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống nền tảng "lõi" mang thương hiệu Make in Viet Nam, bởi lẽ hiện nay phần lớn các đơn vị tài chính vẫn đan sử dụng các nền tảng "lõi" cung cấp từ các đơn vị, DN công nghệ nước ngoài.
"Chỉ khi nào chúng ta có hệ thống nền tảng số "lõi" Make in Viet Nam, chúng sẽ làm chủ được các công nghệ blockchain, AI… - đây chính là các các nhân tố công nghệ quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số hoàn chỉnh", Phó chủ tịch VDCA nhấn mạnh.
Công nghệ là "chìa khoá" mở mọi tắc nghẽn, kết nối thông tin liên thông
Trên quan điểm khác, ông Đặng Quốc Tiến, Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho rằng, khi nói đến hệ sinh thái tài chính số không thể không nhắc đến lĩnh vực ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm.
Đây là hai nhóm ngành quan trọng bước đầu thể hiện việc sử dụng, ứng dụng CNTT, công nghệ số mạnh mẽ để tăng sự trải nghiệm, phục vụ khách hàng.
Ngành bảo hiểm bước đầu số hóa các quy trình hai thác thông qua các sản phẩm bảo hiểm (quản trị rủi ro, bồi thường…). Tuy nhiên, ngành bảo hiểm, các công ty bảo hiểm muốn tạo ra các giá trị bền vững hơn nữa cần phải số hóa tối ưu mọi quy trình.
"Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược CĐS hoàn chỉnh, đầy đủ, dài hạn (5-10 năm), cần thiết có thể thuê các đơn vị giàu kinh nghiệm về CĐS để xây dựng, tư vấn, hỗ trợ", ông Tiến nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng muốn phát triển vững mạnh trong hệ sinh thái số cần tập trung vào: Phát triển sản phẩm, dịch vụ số mới; đưa ra giải pháp CĐS phù hợp với khả năng, năng lực thực tế của đơn vị mình; tạo lập kho dữ liệu số và quản lý quy trình chuyên nghiệp…
Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm khi xây dựng thành công chiến lược, tầm nhìn số, trong quá trình triển khai, thực hiện cần tập trung, ưu tiên các vấn đề như: Công nghệ số mới; đào tạo con người; mô hình tổ chức; quy trình thực hiện và vận hành.
Các đơn vị phải coi công nghệ là "chìa khoá" mở mọi tắc nghẽn, kết nối thông tin liên thông và phải "bước" đi trước, trong mỗi bước đi cần có sự chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo dài hạn, tự tin.
"Lợi ích của CĐS chính là việc hướng đến mục tiêu giải quyết những "mâu thuẫn", "hạn chế" , "tàn dư" của văn hóa quản lý truyền thống, hướng đến văn hóa quản lý số tăng năng suất, quản lý lao động chuyên nghiệp, hiện đại.", ông Tiến nhận định.
Cũng theo ông Tiến, muốn đánh giá chất lượng hệ sinh thái tài chính số điều không thể thiếu đó là việc khách hàng phản hồi chất lượng các dịch vụ được sử dụng thông qua thực tế. Điều này có nghĩa, khi các đơn vị muốn hoạt động hiệu quả trong hành trình thực hiện CĐS phải thông qua các sản phẩm số tối ưu của mình./.