Việt Nam chủ động, chung tay cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu
Truyền thông - Ngày đăng : 09:09, 26/05/2022
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Theo các chuyên gia, tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng Sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam, với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê năm 2018 trung bình cho giai đoạn 2011-2016 khoảng 66,1%. Riêng năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 527,7 nghìn ha lúa bị thiệt hại, trong đó khoảng 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.
Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…
Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, theo nghiên cứu của kịch bản biến đổi khí hậu nếu mực nước biển dâng cao 1m có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng Sông Hồng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Nghiên cứu tổng thể cho thấy khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng… và nhiều hoạt động kinh tế khác, kể cả trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Là một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất cũng như thực hiện nghĩa vụ của một Bên nước đang phát triển tham gia UNFCCC, Việt Nam đã sớm gửi Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) vào năm 2015 cho UNFCCC và sau đó đã gửi bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào năm 2020.
Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật NDC, đồng thời đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 của đất nước. Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 (bằng tổng phát thải quốc gia của Việt Nam năm 2014) khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương và đầu tư của doanh nghiệp.
So với bản NDC nộp năm 2015, NDC cập nhật của Việt Nam đã tăng nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thêm 2%, phù hợp với mức tăng chung của 75 quốc gia đã nộp NDC cập nhật đến tháng 12/2020 là 2,8%.
Mới đây, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Việt Nam coi giảm nhẹ phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho biết, thế giới đánh giá rất cao Việt Nam khi đưa bất kỳ một chiến lược hay chương trình gì đều có sự tham gia rất tích cực.
GS Trần Thục cho rằng, Việt Nam có thể chế chính trị mạnh cho nên sự huy động các bộ, ngành, địa phương tham gia vào nỗ lực chung rất thuận lợi và nhất quán. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, về môi trường hay phòng, chống thiên tai từ trước đến nay được Việt Nam thực hiện khá tốt. Với những kinh nghiệm đã có, Việt Nam có thể vận dụng tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Với những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cả về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính", GS Trần Thục nhấn mạnh.