Chọn giải pháp số nào để ''mở trang mới'' cho du lịch Việt Nam?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:51, 25/05/2022
Câu chuyện chuyển đổi số du lịch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để toàn ngành có thể “mở trang mới” cho chặng đường phục hồi và phát triển. Trên nhiều diễn đàn, hội nghị về du lịch thời gian qua, cụm từ "thống nhất và đồng bộ một hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn" được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất.
Đây chính là “nút thắt” và cũng là “chìa khóa” của nền kinh tế xanh Việt Nam hậu COVID-19. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quyết Tâm, thành viên Ủy ban chính phủ số của Hiệp hội Phần mềm Vinasa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Aizo.
Cần hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn
PV: Thưa ông, để có thể chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, du lịch Việt cần nỗ lực như thế nào?
Ông Nguyễn Quyết Tâm: Để chuyển đổi số thành công trong giai đoạn mới, tôi đặc biệt nhấn mạnh du lịch Việt Nam cần phải thành lập các trung tâm dữ liệu, đầu mối chính là Tổng cục Du lịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng như các trung tâm, hệ thống đào tạo về nhân lực phải làm sao để nhân lực có thể tiếp cận nhanh nhất kiến thức về công nghệ số. Bởi từ trước đến nay, ngành du lịch Việt vẫn quen làm theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, sau đại dịch chúng ta phải tăng tốc “chạy” nhanh hơn. Chỉ có điều khi chạy nhanh như vậy nguồn nhân lực lại bị thiếu và yếu.
Để khắc phục, chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực cũng như kết nối các hệ thống liên quan đến dữ liệu số trong ngành. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tham gia chuyển đổi số, song chúng ta cần có khung pháp lý hoàn chỉnh với hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn.
Bởi khi có hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn mới kết nối được thông tin từ điểm đến tới trung tâm các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch để tất cả cùng sử dụng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.
PV: Một số chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng như của ngành du lịch Việt đang bị manh mún, nhỏ lẻ. Vậy ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Quyết Tâm: Thực tế này rất chính xác, bởi như ở trên tôi đã nói hiện chúng ta không có hệ thống tiêu chuẩn. Chính vì không có hệ thống tiêu chuẩn nên mỗi doanh nghiệp lại có một tầm nhìn và cách đầu tư riêng lẻ.
Trước đây, các doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho số hóa dữ liệu nhưng cũng do không có hệ thống tiêu chuẩn dẫn đến họ số hóa theo cách mà doanh nghiệp nghĩ chứ không theo hệ chuẩn nào.
PV: Vậy theo ông đâu sẽ là giải pháp cốt lõi cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Quyết Tâm: Giải pháp cốt lõi là chắc chắn chúng ta sẽ phải xây dựng một hệ thống trung tâm dữ liệu. Ví dụ như Tổng cục Du lịch có thể chia sẻ một số dữ liệu của mình hoặc cùng các doanh nghiệp tạo nền tảng dữ liệu chung cùng khung hành lang pháp lý hoàn thiện và cố gắng triển khai thực tế trước năm 2025.
Chọn giải pháp nào?
PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực giải pháp số, ông có đề xuất cụ thể nào cho lãnh đạo ngành du lịch?
Ông Nguyễn Quyết Tâm: Theo tôi, hiện iTourism chính là giải pháp dành cho cấp Tổng cục Du lịch được thiết kế định hướng thành Trung tâm Dữ liệu IOC về các hoạt động du lịch trên cả nước, bao gồm: IOC DashBoard; Tài nguyên du lịch; Sự kiện-Xúc tiến; Thông báo-Quảng bá; Ý kiến-Góp ý từ Doanh nghiệp; Sở Du lịch; Doanh nghiệp du lịch-Lữ hành; Cơ sở lưu trú; Báo cáo kinh doanh; Hướng dẫn viên du lịch; Dịch vụ; Khách du lịch…
Giải pháp này giúp tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và doanh nghiệp du lịch trực thuộc, nâng cao chất lượng quản lý đồng thời dễ dàng tổng hợp, báo cáo để đưa ra đánh giá, chiến lược phát triển ngành dựa trên nền tảng số, dữ liệu số với thời gian thực.
iTourism tạo dựng môi trường kết nối liên dịch vụ, liên điểm đến giúp tối ưu quy trình tiếp cận và xử lý dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ tới khách du lịch thông qua Hệ thống EA (Engine Agent).
Cùng với đó là nền tảng quản lý sự kiện du lịch, bao gồm những sự kiện liên quan đến lĩnh vực du lịch như: Hội chợ du lịch, hội nghị về du lịch, lễ hội… Nền tảng iTourism cung cấp phân hệ quản lý và tổ chức sự kiện ở cả 2 loại hình sự kiện online và offline. Thông qua đó, quản lý sự kiện có thể tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực mà vẫn kiểm soát, truyền thông (Social) sự kiện được thành công.
PV: Hiện nay, mạng xã hội Facebook, Tiktok và một số mạng xã hội khác đã góp phần trở thành những kênh truyền thông rất tốt cho du lịch. Tới đây một số nền tảng xã hội còn phát triển công nghệ thực tế ảo. Ông đánh giá thế nào về xu hướng đó và ngành du lịch có thể tận dụng được gì từ nguồn tài nguyên này?
Ông Nguyễn Quyết Tâm: Chúng ta phải hiểu tham gia vào môi trường thực tế ảo là tham gia môi trường số hóa dữ liệu. Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên tục tạo ra các sản phẩm mới. Vì thế, mặt trái của số hóa dữ liệu trong du lịch là việc phải lưu giữ lại số liệu đó rất lâu sẽ không tốt cho phát triển sản phẩm mới.
Do đó, một mặt chúng ta vẫn dựa vào các trang mạng xã hội để truyền thông, nhưng mặt khác để mang đến nhiều trải nghiệm tốt hơn đồng thời rút ngắn thời gian cho khách hàng trong việc mua sản phẩm du lịch thì chúng ta phải đầu tư cả nền tảng quản trị doanh nghiệp, quản trị vận hành, điều hành để góp phần vào quá trình chăm sóc khách hàng chứ không đơn giản là câu chuyện truyền thông.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!