Thanh Hóa phấn đấu năm 2025 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS

Xã hội số - Ngày đăng : 05:28, 25/05/2022

Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số (CĐS) cho các doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa" nhằm giúp các DN trên địa bàn tỉnh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng về CĐS, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị được Ban Chỉ đạo CĐS UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Vụ Quản lý DN - Bộ TT&TT, Hiệp hội DN tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức ngày 24/5 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 27 điểm cầu cấp huyện của tỉnh Thanh Hoá.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia sẽ giúp DN tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để CĐS, đưa công nghệ số trở thành một trong những yếu tố quan trọng, sống còn của DN trong thời đại ngày nay.

"Trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các DN phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí. CĐS là chiến lược tất yếu, là lựa chọn tối ưu giúp DN phục hồi", Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định.

Theo ông Mai Xuân Liêm, CĐS không chỉ giúp DN nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.

Thanh Hóa:  Chuyển đổi số là chiến lược tất yếu giúp doanh nghiệp phục hồi - Ảnh 1.

Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy CĐS cho các DN tỉnh Thanh Hóa"

Khó khăn lớn nhất trong CĐS của các DN là không muốn thay đổi thói quen

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hoạt động CĐS trong DN ở Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, nhận thức về CĐS trong DN còn hạn chế do tâm lý không muốn thay đổi thói quen cũ, sợ rủi ro. Bên cạnh đó, công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, thói quen của mọi người trong sử dụng các dịch vụ CĐS còn hạn chế; nhiều DN còn lúng túng không biết phải CĐS như thế nào, bắt đầu từ đâu và ưu tiên cái gì trước; nhiều DN khó khăn trong tìm kiếm giải pháp và sản phẩm CĐS....

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN cùng các chuyên gia đại diện các DN nền tảng số đã trình bày các nội dung cơ bản, quan trọng liên quan đến vấn đề CĐS cho DN, cũng như các khó khăn, thách thức mà DN sẽ gặp phải trong kỷ nguyên số. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội DN tỉnh cũng đã gửi đến các DN trên địa bàn tỉnh thông điệp quan trọng về CĐS. Sở TT&TT đã phối hợp với các DN tổ chức trưng bày, giới thiệu các nền tảng, giải pháp phục vụ CĐS cho các DN đã được các đại biểu hết sức quan tâm.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hoá cho rằng để thay đổi thói quen cũ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một DN phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu.

"Thách thức lớn nhất của CĐS trong DN là có nhận thức đúng. CĐS là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm, dám thay đổi thói quen, cách làm mới hay không dám làm của người lãnh đạo. Như vậy, CĐS có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc với người lãnh đạo DN", Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa nói.

Ông Quyết đề nghị các DN cần chủ động phối hợp với các DN có các phần mềm, giải pháp công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ứng dụng CNTT, CĐS trong DN mình cho phù hợp với điều kiện thực tế, hiệu quả trong hoạt động. Hiện nay Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng CĐS để phục vụ CĐS cho các cơ quan, tổ chức, DN, các DN nên ưu tiên lựa chọn các nền tảng đã được Bộ TT&TT công bố để ứng dụng, CĐS trong DN. Sở TT&TT sẽ là cầu nối để các DN trên địa bàn tỉnh kết nối với các DN có các nền tảng, giải pháp CĐS.

Thanh Hóa phấn đấu năm 2025 là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS

Với quan điểm lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương đặt quyết tâm đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; DN CĐS chiếm 50% trở lên trong tổng số DN có phát sinh thuế; 06 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS, theo bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên.

Tính đến nay toàn tỉnh có 28.512 DN đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 190,4 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỷ đồng/DN. Hiện nay, 100% DN của tỉnh đã thực hiện ký số, thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế như kê khai thuế, nộp thuế, gia hạn thuế và hoàn thuế; 85% DN đã sử dụng hóa đơn điện tử trên tổng số 14.998 DN, tổ chức đang hoạt động, đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử; 50% các DN cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hoá, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Năm 2021, Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Kết quả về chỉ số CĐS cấp tỉnh, Thanh Hóa xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng thứ hai sau Quảng Ninh trong tứ giác phát triển phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), và cũng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên - Huế trong các tỉnh Bắc Trung bộ./.

Đỗ Thêu