Đổi mới sáng tạo vì một châu Á - Thái Bình Dương kỹ thuật số

Diễn đàn - Ngày đăng : 05:03, 20/05/2022

Việc phát triển kỹ thuật số mạnh mẽ và bền vững hay không tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) phụ thuộc vào chính sách vĩ mô về kế hoạch và chiến lược chuyển đổi số (CĐS) của các quốc gia trong khu vực.

Hướng tới một APAC xanh và số hóa

Hội nghị Đổi mới kỹ thuật số Huawei APAC 2022 do Huawei và ASEAN Foundation đồng tổ chức, vừa chính thức khai mạc ngày 19/5. Sự kiện quy tụ hơn 1.500 quan chức chính phủ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đối tác và nhà phân tích từ hơn 10 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đến để khám phá về tương lai đổi mới kỹ thuật số và nền kinh tế số.

Các chủ đề nổi bật bao gồm loạt tiến bộ liên tục trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT), tăng tốc CĐS giữa các ngành công nghiệp, cũng như phát triển xanh và carbon thấp.

Ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc: "Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có nền văn hóa và kinh tế năng động trên thế giới. Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, và bây giờ, khu vực còn đóng một vai trò quan trọng không kém trong công cuộc đổi mới số".

Ông cũng chỉ ra thực tế rằng, nhiều nước APAC đã chú trọng áp dụng CĐS lên cấp độ chính sách chiến lược quốc gia và đang tích cực theo đuổi định hướng phát triển xanh.

Đổi mới sáng tạo vì một châu Á - Thái Bình Dương Kỹ thuật số - Ảnh 1.

Ông Ken Hu: nhiều nước APAC đã chú trọng áp dụng CĐS lên cấp độ chính sách chiến lược quốc gia và đang tích cực theo đuổi định hướng phát triển xanh

"Năm 2022, chúng tôi sẽ tăng cường đổi mới vì một APAC xanh và số hóa bằng cách thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, carbon thấp và hội nhập số", Chủ tịch Ken Hu cho biết thêm.

Phát biểu tại sự kiện, bà Yang Mee Eng, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN, cũng cho rằng: "Chỉ có đội ngũ tài năng số hùng mạnh mới có thể chinh phục được mục tiêu xây dựng APAC số hóa toàn diện và bền vững. Hội nghị đổi mới kỹ thuật số lần này chính là cột mốc quan trọng đánh dấu quan hệ đối tác giữa Quỹ ASEAN và Huawei trong việc kiến tạo nên hệ sinh thái đào tạo tập trung vào phát triển nhân tài số, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng số trong khu vực".

Những chiến lược thúc đẩy đổi mới số và nền kinh tế số tại APAC

Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã vạch ra tiến trình hướng tới Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025.

Chia sẻ quan điểm về cách đại dịch đã tăng tốc CĐS, ông cho hay: "Kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, ASEAN đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng số mới, trở thành "cứ địa" Internet lớn thứ ba thế giới với gần 400 triệu người. Doanh thu kỹ thuật số của ASEAN dự kiến sẽ đạt 363 tỷ USD vào năm 2025. CĐS đòi hỏi các hành động phối hợp mạnh mẽ hơn từ nhiều bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân để thấy rõ toàn bộ tiềm năng chuyển đổi số trong ASEAN".

Bà Ajarin Pattanapanchai, Thư ký thường trực Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan bày tỏ việc quốc gia này hoàn toàn ủng hộ thực hiện Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025. Bà nhấn mạnh đây là cách tiếp cận chiến lược đặt ưu tiên phục hồi kinh tế hậu COVID-19 lên hàng đầu, tối đa hóa tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số và CNTT để tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ công lẫn tư, đồng thời xây dựng nền kinh tế số lớn mạnh của ASEAN.

Đổi mới sáng tạo vì một châu Á - Thái Bình Dương Kỹ thuật số - Ảnh 2.

TS. H. Sandiaga Salahuddin Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia cũng nói về cách đổi mới đã tạo nên một Indonesia số hóa hơn. "Công nghệ tiên tiến có thể trở thành động lực để các lĩnh vực hồi phục và hồi sinh. Các giao thức về môi trường, an ninh, sức khỏe và độ sạch được địa phương hóa, cá nhân hóa và tùy chỉnh sẽ là cần thiết để phát triển du lịch và ngành công nghiệp sáng tạo...".

TS. Dato' Sri Adham Bin Baba, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Đổi mới của Malaysia, chia sẻ về các ứng dụng số hóa ngày càng quan trọng đến nỗi đó không chỉ là giấc mơ xa vời, mà là nhu cầu trước mắt. Malaysia gần đây đã khởi động Kế hoạch Tổng thể Kinh tế số Malaysia (MyDIGITAL) nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa nền kinh tế số phát triển bền vững, bằng cách cung cấp nền tảng hợp tác và nhu cầu thị trường cho các giải pháp số do các startup công nghệ số địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phát triển. 

Các giải pháp này được triển khai dưới dạng hệ thống, thiết bị lẫn phần mềm chứa các chương trình và trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ giúp Malaysia bắt kịp lộ trình trở thành quốc gia sản xuất công nghệ cao.

Ông Mustafa Jabbar, Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Bangladesh bổ sung thêm về hiệu quả của Chiến lược số hóa Bangladesh đề xuất năm 2008 tác động đến tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành truyền thông nước này. Cụ thể, phạm vi phủ sóng di động băng thông rộng đã tăng vọt từ 0% lên 98,5% và số lượng thuê bao đã mở rộng từ 40 triệu vào năm 2018 lên 180 triệu đến nay.

"Điều này đã thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân Bangladesh. Đất nước này sẽ không thể hiện thực hóa được những điều này nếu không có sự hỗ trợ của tất cả các đối tác trong ngành và trong hệ sinh thái", ông nhấn mạnh.

Xu hướng phát triển nền kinh tế số APAC

Theo ông Simon Lin, Chủ tịch Khu vực APAC của Huawei, Huawei đã cung cấp kết nối cho hơn 90 triệu hộ gia đình và 01 tỷ người dùng di động ở APAC. Thị phần cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) của Huawei hiện đứng thứ 4 tại thị trường APAC mới nổi; và Huawei đang tích hợp các công nghệ điện tử lẫn kỹ thuật số vào số hóa năng lượng, vì một tương lai xanh hơn.

Đổi mới sáng tạo vì một châu Á - Thái Bình Dương Kỹ thuật số - Ảnh 3.

Ông Simon Lin chia sẻ về hàng loạt cơ hội kỹ thuật số tại APAC

Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và đi đến kết luận rằng: châu Á - Thái Bình Dương có phát triển kỹ thuật số mạnh mẽ và bền vững hay không, phụ thuộc vào việc lập kế hoạch chiến lược cấp cao hiệu quả, các chính sách công nghiệp thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững chắc, các ứng dụng kỹ thuật số áp dụng rộng rãi và hệ sinh thái tài năng số lớn mạnh./.

Minh Thiện