PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 16:56, 18/05/2022

Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã ký thoả thuận hợp tác phát triển hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Nhân ngày Khoa học công công nghệ (KHCN) Việt Nam, chiều 18/5/2022, tại Hà Nội, Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) thuộc Bộ TT&TT đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - Ảnh 1.

PGS. TS. Đặng Hoài Bắc: Học viện Công nghệ BCVT có đội ngũ sinh viên năng động, giảng viên được đào tạo bài bản và các nguồn lực khác để thúc đẩy ĐMST

Phát biểu tại lễ ký kết, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết Học viện có số sinh viên theo học các ngành công nghệ, ICT lớn với hai cơ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Học viện có 13 ngành đào tạo, trong đó 2/3 ngành học liên quan đến công nghệ. Học viện đã có hợp tác lâu dài với các các DN ICT lớn toàn cầu như Samsung, Motorola, Qualcomm, Ericsson, Naver… Hội đồng nhà trường cũng có các thành viên là các lãnh đạo DN như Viettel, VNPT… Trong 25 năm thành lập, Học viện đã có gắn kết chặt chẽ với các DN ICT. Học viện cũng có 3 viện nghiên cứu lớn về kinh tế, CNTT, khoa học kỹ thuật Bưu điện.

PGS. TS. Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh KHCN bắt đầu từ ĐMST và tin tưởng Học viện với đội ngũ sinh viên năng động, cán bộ, giảng viên được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước, cùng với việc hợp tác với NIC, sẽ thúc đẩy ĐMST mạnh mẽ hơn nữa.

PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - Ảnh 2.

Ông Vũ Quốc Huy khẳng định hợp tác giữa PTIT và NIC là một hợp tác quan trọng để thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam

Chia sẻ về hợp tác ý nghĩa này, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết NIC mới thành lập và phát triển 2,5 năm và nhận được sự quan tâm của Chính phủ khi là trung tâm duy nhất của quốc gia được thành lập để thúc đẩy ĐMST, trong đó có chức năng nhiệm vụ quan trọng là phát triển nguồn nhân lực KHCN, ĐMST. NIC đã và đang cố gắng hợp tác với các trường lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy hợp tác ĐMST, đào tạo nhân lực.

Ông Vũ Quốc Huy cũng khẳng định hợp tác giữa NIC và PTIT là một hợp tác quan trọng để thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam. Hai bên đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác và tiếp tục hợp tác sâu rộng trong quá trình triển khai các công việc.

PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - Ảnh 3.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC ký kết hợp tác

3 nội dung hợp tác trọng tâm

Theo biên bản thỏa thuận, PTIT và NIC sẽ tập trung vào các nội dung hợp tác: phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, hỗ trợ DN, phát triển nguồn nhân lực và một số nội dung khác. Thỏa thuận có hiệu lực 5 năm.

Cụ thể, đối với nội dung phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, hai bên phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động để góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp;

NIC kết nối PTIT với mạng lưới ĐMST Việt Nam để khai thác trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài nhằm tạo mối liên kết, trao đổi, hỗ trợ các dự án, đề tài, nhiệm vụ cụ thể mà PTIT quan tâm.

Hai bên phối hợp xây dựng cơ chế hoạt động hợp tác giữa PTIT, NIC và các DN trong hệ sinh ĐMST của NIC nhằm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hỗ trợ giải quyết các vấn đề công nghệ; tư vấn phát triển thị trường sản phẩm mà DN quan tâm; tư vấn về pháp lý, quản trị DN.

Hai bên xem xét đồng tổ chức các hoạt động, các sự kiện về ĐMST và chuyển đổi số (CĐS).

PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - Ảnh 4.

GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Về hoạt động hỗ trợ DN, hai bên phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ DN trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng của mỗi bên; phối hợp hỗ trợ DN sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, thu hút vốn đầu tư và thương mại hóa sản phẩm;

Hai bên sẽ phối hợp khai thác, sử dụng không gian làm việc chung, khu đào tạo, tập huấn, không gian trình diễn, triển lãm, phòng thí nghiệm phù hợp với khả năng của mỗi bên; phối hợp giới thiệu, đề xuất các ý tưởng ĐMST, các sản phẩm nghiên cứu phát triển để tổ chức vườn ươm tạo trên cơ sở khai thác các nguồn lực của hai bên như cơ sở hạ tầng, cơ chế hỗ trợ, vốn đầu tư, tư vấn và đào tạo; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân do mỗi bên giới thiệu tham gia các chương trình, các dự án hỗ trợ ĐMST do mỗi bên chủ trì.

Hai bên cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân do mỗi bên giới thiệu để sử dụng hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ của mỗi bên; phối hợp trong các hoạt động thúc đẩy CĐS đối với các DN và địa phương.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, hai bên phối hợp tìm kiếm các cơ hội tài trợ từ các tổ chức, cá nhân dành cho các nghiên cứu khoa học và sáng tạo của sinh viên PTIT; hỗ trợ các đơn vị, cán bộ và đối tác của mỗi bên tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của mỗi bên;

Hai bên cũng hợp tác xây dựng chương trình đào tạo và triển khai đào tạo nhằm cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức về ĐMST cho các giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh tại các trường đại học, cao đẳng và phổ thông (ĐH-CĐ-PT); hợp tác xây dựng, tổ chức chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo cho giảng viên của PTIT và một số trường ĐH-CĐ-PT có nhu cầu để có thể giảng dạy chương trình nâng cao kiến thức về ĐMST tại các trường ĐH-CĐ-PT; hợp tác tổ chức các khóa đào tạo và trải nghiệm về các lĩnh vực ĐMST cũng như CĐS: công nghệ, báo chí, kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên...

Ngoài ra, hai bên còn thực hiện một số nội dung khác như PTIT phối hợp, hỗ trợ NIC trong quá trình NIC nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; NIC phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Khởi nghiệp và ĐMST của PTIT triển khai các chương trình, hoạt động cụ thể.

PTIT và NIC hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - Ảnh 5.

Các đại biểu đi thăm cơ sở của PTIT

Trong 2 năm đầu 2022 - 2023, hai bên tập trung phối hợp một số hoạt động như: NIC cung cấp tài khoản học trực tuyến miễn phí hoặc phí ưu đãi trên hệ thống LMS của NIC cho giáo viên, sinh viên các trường về các chủ đề ĐMST, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, kỹ năng mềm; tổ chức các hội thảo, chuyên đề về các chủ đề liên quan đến ĐMST; kết nối với các chuyên gia trong mạng lưới ĐMST Việt Nam trên toàn cầu (Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…) để giúp các nhóm nghiên cứu của các trường trong việc triển khai các đề tài nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau theo nhu cầu của từng trường.

Hai bên cũng hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong nhà trường thông qua các hoạt động cố vấn, đào tạo, cung cấp dịch vụ miễn phí, kết nối thị trường, thương mai hóa sản phẩm, hướng dẫn quy trình thủ tục đăng ký kinh doanh... Tổ chức các chuyến tham quan, thực tế, kiến tập, thực tập tại NIC (cơ sở tại Hà Nội và cơ sở tại Khu công nghệ Hòa Lạc); mời giảng viên, sinh viên của PTIT tham gia các hoạt động do Google tài trợ như: Chương trình phát triển nhân lực số (Google Career Certificate Program), Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Google for Start up)./.

Hoàng Linh