Phenikaa đồng hành cùng giải thưởng tôn vinh trí tuệ Việt

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:28, 18/05/2022

Ngày 18/5, với mong muốn góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển, Tập đoàn Phenikaa tự hào cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh 02 nhà khoa học thuộc lĩnh vực toán học và hóa học tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 với tổng giá trị giải thưởng là 400 triệu đồng.

Năm 2022 là năm thứ chín Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh những nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng đã tiếp nhận 48 hồ sơ đề cử. Đây cũng là năm thứ tư Tập đoàn Phenikaa đồng hành cùng Giải thưởng Tạ Quang Bửu với tư cách nhà tài trợ chính.

Sau hơn nửa năm thực hiện các hoạt động đánh giá chuyên môn, Hội đồng Giải thưởng đã chọn ra 02 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực toán học, hóa học để trao giải là: GS. TSKH. Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành toán học), và PGS. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ngành hóa học).

Đại diện Phenikaa chia sẻ: "Được tham gia động viên và hỗ trợ, tạo động lực cho các nhà khoa học Việt sáng tạo và đổi mới là vinh dự và trách nhiệm. Muốn phát triển bền vững và tự chủ phải đẩy mạnh và phát triển công tác nghiên cứu khoa học cả cơ bản và ứng dụng".

Phenikaa và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ

Phenikaa đặt mục tiêu phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái Phenikaa với ba trụ cột doanh nghiệp - nghiên cứu khoa học - giáo dục và đào tạo nhằm từng bước trở thành doanh nghiệp công nghệ - công nghiệp hàng đầu về vật liệu sinh thái, sản phẩm và giải pháp thông minh. Với sự đầu tư mạnh mẽ, Phenikaa kì vọng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, mang đến kết quả đột phá, cũng như gia tăng sức mạnh cộng hưởng của hệ sinh thái Phenikaa và lợi thế cạnh tranh.

Để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, Tập đoàn Phenikaa đã thu hút, kết nối các nhà khoa học đam mê nghiên cứu, thiết lập môi trường nghiên cứu hiện đại, đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong môi trường Phenikaa, các nhà khoa học, tài năng trẻ được khuyến khích sáng tạo, xây dựng những ý tưởng mới mang tính đột phá thông qua nghiên cứu thử nghiệm thực tế, từ đó mang lại một số thành tựu đáng tự hào cho Tập đoàn và góp phần khẳng định trí tuệ người Việt.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Phenikaa đã liên tục giới thiệu các giải pháp, sản phẩm công nghệ mới "Made in Viet Nam" thực hiện bởi chính con người Phenikaa. Các giải pháp, sản phẩm công nghệ này được giới chuyên môn đánh giá cao, đã và đang được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Các sản phẩm công nghệ do con người Phenikaa tự nghiên cứu, phát triển bao gồm công nghệ chiếu sáng thông minh Phenikaa Natural CirCardian (ra mắt đầu tháng 4/2022) cho phép tạo ra những sản phẩm đèn LED thông minh lấy con người làm trung tâm (HCL) với giá cạnh tranh; công nghệ tự hành cho xe ô tô, robot vận chuyển, robot khử khuẩn…; công nghệ lõi về bản đồ ứng dụng trong bản đồ dịch tễ CovidMap, xe buýt thông minh BusMap và gói giải pháp trường học thông minh PHX Smart School, thành phố thông minh…

"Trong những năm tới, trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu về sản xuất và giải pháp thông minh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ là định hướng chiến lược để Tập đoàn nỗ lực hiện thực hóa mọi cam kết với các bên liên quan và phát huy giá trị của doanh nghiệp có trách nhiệm và nhân văn", đại diện Phenikaa chia sẻ thêm.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 được trao cho hai nhà khoa học, gồm: GS. TSKH. Ngô Việt Trung, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lĩnh vực toán học với công trình: "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals" và PGS. TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực hóa học với công trình: "Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature".

- Công trình của GS. TSKH. Ngô Việt Trung và TS. Nguyễn Đăng Hợp nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của Idean là độ sâu, giải quyết được 3 bài toán mở liên quan đến tính tăng của hàm độ sâu, tính hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn cho trước của hàm độ sâu. Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae, nằm trong số ít tạp chí toán học hàng đầu thế giới.

- Công trình của PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan mới - polyme tự lành với cấu trúc chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm của polyuretan. Vật liệu có thể "tự lành" khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chất thải. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới "tự lành" ở Việt Nam./.


PV