Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các startup
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:14, 18/05/2022
Ngày 17/5 tại San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm ĐMST và khởi nghiệp do Asia Society tổ chức.
Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả, mạnh mẽ hơn
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ quan điểm về tình hình thế giới, tình hình và đường lối, chiến lược phát triển của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ASEAN - Hoa Kỳ cũng như các ưu tiên chính sách của Việt Nam đối với vấn đề ĐMST.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam xác định khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, khởi nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Cả 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam xác định (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đều liên quan đến khởi nghiệp, KHCN, ĐMST.
Thủ tướng mong muốn các đối tác Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác nói chung, khởi nghiệp ĐMST nói riêng. Hợp tác khởi nghiệp giữa hai bên cần tập trung các vấn đề mà thế giới đang quan tâm và hai nước đang thúc đẩy hợp tác, như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi công nghệ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng…
"Nhất là ĐMST, khởi nghiệp với sinh viên, thanh niên, tất nhiên khởi nghiệp thì không giới hạn tuổi, giới tính hay biên giới. Rất mong các đối tác Hoa Kỳ phối hợp với chúng tôi phát động, chung tay tạo ra phong trào khởi nghiệp toàn dân, giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm… Đề nghị quý vị có mặt tại đây mang tinh thần và kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, phát huy những kết quả của hội thảo hôm nay để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả, mạnh mẽ hơn những gì mà Việt Nam đã làm được", Thủ tướng nói.
Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các startup
Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn năng lượng - tài chính Chervron mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.
Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng công nghệ Silicon cho biết, quỹ này vừa hợp tác để làm pin ô tô điện cùng Vinfast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách Chính phủ trong khuyến khích các doanh nghiệp (DN) từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các starup. Cùng với đó, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật như CNTT, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
"Chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực cần đầu tư sớm. Cũng như tăng cường năng lực y tế, giáo dục để hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, lâu dài", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) nhất thế giới với khoảng 60 nước tham gia, độ mở nền kinh tế tới 200% GDP.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về vốn rất lớn giải quyết các vấn đề mới như chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu… và rất mong muốn có sự chung tay của các định chế tài chính lớn.
Trả lời câu hỏi của Giám đốc khối Đông Nam Á và Nam Á của Tập đoàn Meta về đề nghị có nhóm hợp tác đặc trách với Việt Nam về CĐS, nhất là trong các quy định liên quan ngành công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh rằng "tài nguyên con người là quý giá nhất" và đề nghị được hợp tác trong nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, CĐS, ĐMST.
Bên cạnh đó, hạ tầng liên quan phát triển KHCN cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung. Chúng tôi rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư. Những nước đang phát triển như Việt Nam cần sự ưu tiên nguồn lực từ các nước phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh./.