Microsoft tăng cường hợp tác với Việt Nam CĐS, đảm bảo an ninh mạng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:47, 18/05/2022
Microsoft muốn góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, số, phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Microsoft đạt nhiều thành công trong thời gian vừa qua và đang thúc đẩy, hỗ trợ nhiều nước triển khai chương trình chuyển đổi số (CĐS), trong đó có Việt Nam; mong muốn Microsoft triển khai có hiệu quả các chương trình tại Việt Nam và đóng góp các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS, xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Ông Sandy Gupta và các cộng sự cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của châu Á và Việt Nam là nước có đóng góp lớn. Hiện, Microsoft đang đầu tư lớn, triển khai các chương trình lớn như phát triển công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển mã nguồn mở, xây dựng các ứng dụng tạo điều kiện cho mọi tổ chức có thể tiếp cận hệ sinh thái để sáng tạo, chương trình hỗ trợ các startup; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng...
Lãnh đạo Microsoft cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ, đất nước năng động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam. Hiện, Microsoft đang phối hợp với Bộ TT&TT Việt Nam triển khai các chương trình này, trong đó có công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch và tin cậy, phòng, chống tham nhũng.
Microsoft mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam CĐS; đảm bảo an ninh mạng; giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050; góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Microsoft phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện, quá trình phát triển của Việt Nam; góp phần phát triển Microsoft và thúc đẩy quá trình CĐS của Việt Nam; xây dựng quan hệ hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.
Đề nghị ĐH Stanford hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu lớn
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp GS. TS. Ruth O’Hara, Chủ tịch hội đồng giáo sư ĐH Stanford, Phó Chủ tịch ĐH Y Stanford và các giáo sư của ĐH Stanford.
Tại buổi tiếp xúc, GS. TS. Ruth O'Hara và các giáo sư của ĐH Stanford chúc mừng, đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam và Việt Nam là điểm sáng trong phòng, chống dịch của thế giới; chính ĐH Stanford đã tìm hiểu, học tập.
GS. Ruth O'Hara và các cộng sự cho biết, ĐH Stanford là trung tâm khoa học, đào tạo có nhiều nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam. ĐH có thế mạnh, với nhiều thành tựu nghiên cứu về AI, nhất là AI trong y khoa.
Ngoài ra, nhà trường có các trung tâm và đang tập trung nghiên cứu các phương pháp và y dược để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trong tương lai.
Hiện ĐH Stanford đã và đang hợp tác với một số tổ chức, ĐH của Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, trong phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã hoàn thiện và áp dụng công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân". Qua đó cho thấy công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh rất khó lường, do đó Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội để tăng cường dự báo, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Thủ tướng mong muốn ĐH Stanford và cá nhân các giáo sư, nhà khoa học của trường tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và triển khai thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, nhất là các thỏa thuận vừa được lãnh đạo hai nước thống nhất trong chuyến thăm này.
Trong đó, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế; kinh nghiệm phòng, chống dịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hợp tác để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm phục vụ khám, chữa bệnh; tìm nguồn tài chính thích hợp; tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ...
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ĐH Stanford giúp Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, triển khai các hoạt động đào tạo về AI.
GS. Ruth O'Hara và các cộng sự cho rằng, những vấn đề của Thủ tướng chia sẻ, cũng là những lĩnh vực mà trường có thế mạnh và sứ mệnh; cho thấy giữa ĐH Stanford và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác.
Trước mắt có thể triển khai một số dự án cụ thể như "Chương trình bảo vệ bộ não Việt"; "Phòng, chống ung thư gan do siêu vi"; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo kỹ sư AI với mong muốn ghi tên Việt Nam lên bản đồ AI thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ghi nhận, hoan nghênh các ý tưởng hết sức có ý nghĩa của Đại học Stanford; đề nghị Stanford phối hợp với các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam; kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm; bàn bạc xây dựng, triển khai, biến các ý tưởng thành các dự án thiết thực và hiệu quả./.