Logistics vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất của TMĐT ở khu vực nông thôn
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:08, 18/05/2022
Nông thôn Việt Nam là vùng đất "màu mỡ" cho thị trường số
Theo báo cáo "Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá" do Công ty Adsota phát hành vào giữa năm 2021, chiếm hơn một nửa dân số cả nước, khu vực nông thôn Việt Nam đang là thị trường tiềm năng với tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng mạnh mẽ. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là sự phổ biến của smartphone và gói dữ liệu có chi phí hợp lý từ các nhà mạng. Nền tảng số đã trở thành cầu nối cung cấp và đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân tại đây.
Bên cạnh đó, khoảng 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng các công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin về sản phẩm và đưa ra quyết định mua sắm.
Có thể thấy, Internet đã trở thành cầu nối giúp người tiêu dùng tại những khu vực bên ngoài các thành phố lớn tiếp cận dễ dàng hơn với những mặt hàng phù hợp với nhu cầu và đưa ra mong muốn của họ. Vì vậy, nếu muốn khai thác tiềm năng của tập khách hàng này, cần phải đưa ra những thông điệp phù hợp bằng cách xác định rõ thói quen chi tiêu, hành vi khách hàng ở cả cấp độ cá nhân và hộ gia đình. Những nội dung được đưa ra cần phải khiến người tiêu dùng cảm thấy hữu ích, phù hợp và tạo ra được kết nối về mặt cảm xúc.
Ngoài ra, các thương hiệu cũng nên điều chỉnh kênh và phương thức truyền thông riêng biệt cho đối tượng ở nông thôn để tăng tỷ lệ chuyến đổi mua hàng.
Năm 2021, nền tảng quảng cáo trực tuyến của Cốc Cốc phối hợp cùng MMA Vietnam phát hành "Báo cáo hành vi người dùng nông thôn Việt Nam" với mục đích cung cấp tới các nhà tiếp thị những thông tin tổng quan về thị trường tiềm năng này. Theo báo cáo, 60% dân số Việt Nam đang ở khu vực nông thôn và công nghệ hoá ngày càng nhanh chóng. Về mức độ thâm nhập của các kênh truyền thông tại nông thôn từ năm 2018 đến nay cho thấy, kênh truyền thống như tivi đang giảm trong khi phổ cập Internet đang khá tốt, với thời gian truy cập 2,7 giờ/ngày.
Mặc dù số lượng thiết bị điện tử lên đến 1,48/1 người nhưng 65% cho biết họ chỉ sử dụng duy nhất smartphone. Do đó, smartphone là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để truy cập mạng (chiếm 99%), theo sau đó với một khoảng cách rất xa lần lượt là tivi thông minh (18%), laptop (12%) và máy tính để bàn (7%).
"Việc sử dụng những thiết bị khác để truy cập Internet có tỉ lệ sử dụng giảm đáng kể so với điện thoại bởi khả năng chi trả hạn chế của người dân nơi đây", báo cáo của Cốc Cốc và MMA Vietnam lý giải.
Do sự thâm nhập của Internet vào vùng nông thôn Việt Nam ngày càng cao nên 77% người có thể truy cập Internet, trong đó có đến 91% truy cập Internet hằng ngày, trong đó họ tìm kiếm nhiều nhất là về giải trí (79%), sức khoẻ và giáo dục (76%), mua sắm trực tuyến (70%).
Tuy nhiên, nếu như các dịch vụ trực tuyến (online) khác có thể dễ dàng tiếp cận nông thôn thì TMĐT vẫn là một bài toán khó đối với khu vực này. Khi mà theo báo cáo của Cốc Cốc và MMA Vietnam cũng khẳng định tiềm năng phát triển TMĐT của khu vực này nhờ sự phát triển của thiết bị điện tử, mạng lưới viễn thông và hệ thống thanh toán (thẻ, ví điện tử). Những rào cản bao gồm cơ sở hạ tầng yếu để hỗ trợ trong cả quy trình số và cơ sở vận tải cũng như vận chuyển vật lý để hoàn thành đơn hàng.
"Việt Nam hiện tại có nhiều vùng nông thôn và đồi núi mà những nhà cung cấp TMĐT chưa thể tiếp cận, điều này dẫn đến giá logistics cao đối với những người bán hàng online tiếp cận đến các khu vực này", báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo chuyên về mới đây của Bộ TT&TT về TMĐT cũng cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng tại các địa phương trong cả nước. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy chỉ chiếm hơn 16% dân số toàn quốc, nhưng chiếm khoảng 70% quy mô TMĐT cả nước. Trong khi đó 61 tỉnh, thành phố còn lại chiếm tới hơn 83% dân số nhưng chỉ chiếm khoảng 30% quy mô TMĐT. Chỉ số TMĐT tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với điểm số lần lượt là 67,6 và 55,7 điểm. Trong khi điểm trung bình chỉ số của cả nước là 8,5 điểm, phản ánh khoảng cách giữa 02 thành phố với 61 tỉnh, thành phố còn lại là rất lớn.
Điều đó cho thấy các sàn giao dịch TMĐT lớn hiện nay vẫn chỉ chú trọng phát triển thị trường ở thành phố lớn mà chậm mở rộng kinh doanh ra các địa phương khác, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, càng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Bởi vậy, các vùng nông thôn còn rất nhiều dư địa để phát triển TMĐT.
Điều này được cho là vì 3 nguyên nhân chính: đầu tiên hạ tầng bưu chính chưa đủ đáp ứng phát triển TMĐT. Các DN chưa mạnh dạn đầu tư phát triển mạng lưới vận chuyển, kho bãi bảo quản tại các địa phương, vùng nông thôn do chi phí đầu tư rất lớn.
Nguyên nhân thứ hai là do người dân tại các khu vực nông thôn chưa có đủ nhận thức và kỹ năng số đáp ứng phát triển TMĐT. Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) năm 2020 về đào tạo và phát triển nhân lực cho thấy có đến 38 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 3 và 4 (dưới 0,325 điểm) trên cả 3 trụ cột về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cuối cùng, mặc dù hạ tầng số tại khu vực nông thôn cơ bản đã phủ sóng băng rộng di động 3G, 4G tại phần lớn các thôn bản nhưng tỷ lệ sở hữu smartphone còn thấp, việc đưa cáp quang đến các hộ gia đình ở thôn bản còn nhiều khó khăn do địa hình phức tạp.
Lời giải nào cho bài toán TMĐT ở khu vực nông thôn?
Theo ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade, cách đây 3 năm, Bộ Công thương và Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) mà ông Hưng tham gia trong ban chấp hành, có nghiên cứu và thấy rằng, tỷ lệ tập trung về TMĐT ở Hà Nội và TP.HCM đã gần ở mức độ bão hoà, khi mà đa số người dùng đã thực hiện việc mua bán online, trong khi 2 địa phương này chỉ chiếm khoảng 20% dân số. 80% còn lại là các địa phương khác, đặc biệt các khu công nghiệp ở những tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… khi nhu cầu của công nhân là rất lớn hay xa hơn là các khu vực nông thôn.
"Đối với TMĐT, vùng nông thôn là một đại dương xanh. Gần đây, các sàn TMĐT cũng đã nhận ra được điều này nên đã tiến hành nhiều hoạt động tại các địa phương, tỉnh thành khác", ông Hưng cho biết thêm.
Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, việc giải quyết bài toán đó như thế nào lại là một vấn đề nan giải với các vấn đề như hàng hoá, logistics…. Cụ thể, khi muốn giao vận tại địa phương thì các sàn TMĐT phải có kho hàng tại tỉnh, thành đó với lượng hàng đủ nhiều, rồi phải xe cộ để vận chuyển từ kho hàng đến người dân, dẫn đến chi phí sản phẩm quá cao so với giá trị thực của sản phẩm.
Vì vậy, TMĐT mới chỉ có thể tiếp cận đến các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chứ đến tận các khu vực xa hơn thì chưa thể giải quyết bài toán này ngay được trong "một sớm, một chiều". Do đó, khu vực nông thôn hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng TMĐT, 50-60% vẫn tập trung tại các thành phố lớn, còn lại là trung tâm của các tỉnh thành khác.
"Chỉ khi nào giải quyết được vấn đề hậu cần của TMĐT, vấn đề thanh toán, vấn đề lòng tin người tiêu dùng…thì mới nâng được tỷ lệ mua hàng trực tuyến của người dân ở khu vực nông thôn", ông Hưng nhấn mạnh.
Đó là lý do tại sao trong thời gian qua, nông sản vẫn chưa được bán nhiều trên các sàn TMĐT mặc dù họ rất muốn và các địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, ông Hưng cũng kỳ vọng, 5-10 năm tới, khi Chính phủ có sự đầu tư thoả đáng cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp liên quan thì bài toán này mới có thể giải quyết được.
Khi được hỏi làm thế nào để giải quyết bài toán này, ông Hưng cho rằng, điều này không dễ dàng vì bản thân VECOM đã từng thử nhưng chưa thành công. Ví dụ như việc bán vải thiểu Lục Ngạn (Bắc Giang) vào TP.HCM, mặc dù nhận được lượng đặt hàng rất nhiều. Dù đi máy bay để có thể vận chuyển nhanh nhất có thể, nhưng 10 tấn hàng vải thiểu thì mất đến 3 tấn vải bị hỏng. Để rồi, các đơn vị tham gia đều bị thua lỗ và gần như không ai dám tiếp tục việc bán nông sản này thêm.
"Vấn đề nằm ở khâu vận tải như logistics, kho lạnh… và các hộ tiểu thương, DN không đủ khả năng để giải quyết", ông Hưng chia sẻ.
Vì vậy, theo ông Hưng, tại sao bài toán bán trực tuyến nông sản Việt không hướng đến thị trường quốc tế, thay vì chỉ bán ở thị trường trong nước, thông qua các nền tảng như Amazon, Alibaba giống như việc "Apple bán iPhone ở thị trường Việt Nam".
Bộ Công Thương, VECOM đã tính đến câu chuyện này thông qua ký kết với các nền tảng như Alibaba, JD.com... Trước đây, Thái Lan đã từng live stream bán 3 tấn sấu riêng cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải giải quyết bài toán logistics để làm sao "trong 3 ngày có thể đến tay khách hàng Mỹ" cũng như có đơn vị đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
"Để giải quyết những bài toán lớn, chúng ta cần đến những DN lớn đứng ra giải quyết toàn bộ chuỗi từ lúc phát trực tiếp (livestream) bán hàng, lấy hàng cho đến khi giao tận tay người dùng. Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương kết quả thu về chưa thực sự hiệu quả", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, bài toán đưa TMĐT về khu vực nông thôn cũng có những dấu hiệu tích cực với mô hình D2C (Direct to customer - hình thức bán hàng trực tiếp từ người bán đến người mua thông qua website, cửa hàng chính hãng, mà không cần qua các kênh trung gian) nở rộ trong thời gian gần đây. Tiêu biểu có thể kể đến như Thegioididong, Yody hay Concung, khi mà họ liên tục mở các cửa hàng truyền thống tại các khu vực nông thôn, để từ đó tạo thành các kho cho việc bán hàng TMĐT. Để rồi, khi đặt hàng trên website, người dùng có thể ra cửa hàng gần mình nhất để nhận hàng hoặc để nhân viên cửa hàng giao đến tận nhà.
"Đấy là lý do tại sao trang web của thegioididong lọt vào top 5 trang web TMĐT có lượng truy cập nhiều nhất khu vực Đông Nam Á dù không phải là sàn mà là DN bán lẻ", ông Hưng dẫn chứng.
Hay như Yody, họ không tập trung phát triển tại các thành phố lớn, thay vào đó liên tục mở cửa hàng tại khu vực nông thôn, các huyện…., để người dân tại địa phương đó lên trang web đặt hàng rồi đến cửa hàng để trải nghiệm trực tiếp.
Mặc dù vậy, ông Hưng cho rằng, khu vực nông thôn sẽ là nơi diễn ra trận chiến TMĐT khốc liệt trong 3-4 năm tới, khi 2 khu vực lớn là Hà Nội và TP.HCM đã bão hoà.
Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade là thành viên Ban cố vấn Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021 lĩnh vực Công nghệ tiếp thị & bán hàng (Martech & Saletech).
Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC). Báo cáo Toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021 là báo cáo toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt, cung cấp bức tranh đa chiều với điểm nhấn là 11 lĩnh vực nổi bật: Ngành hàng tiêu dùng nhanh, Bán lẻ, Giáo dục, Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Martech & Salestech, Logistics & Chuỗi cung ứng, Phát triển bền vững, Nông nghiệp, Du lịch và Lữ hành, Blockchain & Crypto./.