Phát triển, đồng bộ và thống nhất mạng lưới thông tin cơ sở trên toàn tỉnh Bắc Giang
Truyền thông - Ngày đăng : 09:03, 15/05/2022
Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin (CNTT) như hiện nay, việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số nơi chưa thấy hết được vai trò, hiệu quả của TTCS nên chưa quan tâm bố trí nguồn lực. Phương thức tổ chức hoạt động chủ yếu theo cách làm truyền thống, thông tin một chiều từ trên xuống; công nghệ, thiết bị kỹ thuật của hệ thống TTCS phần lớn là cũ, lạc hậu và ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế...
Mô hình truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT
Để phát triển, đồng bộ và thông nhất mạng lưới TTCS trên toàn tỉnh Bắc Giang theo hướng hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã trong hệ sinh thái đa ngành, đa lĩnh vực… Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS), hiện đại hóa TTCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh Bắc Giang đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS hiện đại
Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn thiết lập một hệ thống truyền thanh ứng dụng viễn thông (VT) - CNTT theo lộ trình mỗi năm từ 20 - 30% số đài truyền thanh có dây/không dây FM chuyển sang truyền thanh ứng dụng VT-CNTT, theo nguyên tắc ưu tiên chuyển đổi trước những đài truyền thanh hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao (trên 5 năm);
Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn một hệ thống truyền thanh ứng dụng VT-CNTT và một trang thông tin điện tử (TTĐT) - là một thành phần của cổng TTĐT của UBND cấp huyện, có chức năng cung cấp các thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn; Sử dụng nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách của địa phương và các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức chuyển đổi đài truyền thanh xã, phường, thị trấn;
Từ năm 2021 trở đi, các địa phương không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của cơ sở truyền thanh cấp huyện, chỉ duy trì hoạt động hệ thống truyền dẫn phát sóng hiện có cho đến khi xuống cấp, hết khấu hao…
Hai là, hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyềm
Các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung, lưu trữ và quản lý nội dung; tối ưu hoá hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung, tiết kiệm thời gian, giải bài toán thiếu nhân sự làm công tác TTCS theo hướng hiện đại hóa…
Phát triển nhân lực làm công tác TTCS, tổ chức nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về TTCS của cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn và phương châm mỗi công chức quản lý đảm đương nhiều việc, sử dụng thành thạo công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, thực thi pháp luật và có năng lực tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở; Tổ chức kết nối mạng lưới nhân lực làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ, sản xuất, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động TTCS.
Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của TTCS là thông tin thiết yếu và tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân. Công tác tuyên truyền cần triển khai một cách sâu rộng, với nhiều hình thức và nội dung sinh động, phong phú như: Thông tin trên báo chí, xuất bản phẩm, TTĐT, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động TTCS....
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao thực hiện những nhiệm vụ tại Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ TT&TT và Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực TTCS giai đoạn 2021- 2025./.