Nhờ ĐMST, DN có thể tăng 3 lần năng suất, đầu tư giảm hơn 20%
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:09, 15/05/2022
Ý thức ĐMST của DN trỗi dậy mạnh mẽ hơn
Chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức mới đây về các giải pháp ĐMST với chủ đề "Chuyển đổi số (CĐS), ĐMST - Bắt đầu từ đâu?", bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP cho biết, trong 2 năm qua, có thể thấy rằng các DN đang rất cởi mở đón nhận các ý kiến về các giải pháp của các startup. Đây chính là tiền đề rất tốt để Việt Nam hướng đến CĐS và ĐMST.
Trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 cũng chính là khoảng thời gian rất cần thiết cho các ý thức liên quan đến CĐS của DN trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi vì, những thiên tai, dịch bệnh hay những biến cố trong kinh doanh có thể làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất, nên nếu không có những giải pháp CĐS kịp thời thì có thể làm gián đoạn kinh doanh, từ đó suy giảm hiệu quả về năng suất sản xuất thì có thể làm ảnh hưởng đến DN hay nền kinh tế nói chung.
"Vậy CĐS và ĐMST sẽ đến từ đâu?", bà Hằng đặt câu hỏi
Trước đây, các DN đều có bộ phận R&D - bộ phận có nhiệm vụ tìm kiếm và tìm hiểu các giải pháp mới, từ đó đề xuất với ban lãnh đạo của DN. Thông thường quy trình này xuất phát từ nội bộ của DN nhưng như vậy là chưa đủ. Khi mà, trong báo cáo tổng hợp từ các nguồn trên thế giới đã chỉ ra, các bộ phận R&D, động lực ĐMST bên trong DN cũng đã giảm dần tỷ trọng, từ 69% trong năm 2020 giảm xuống còn 29% trong năm 2025. Thay vào đó, các nguồn nghiên cứu mở, kết hợp các đơn vị, tổ chức, DN khác đang là động lực mới cho sự ĐMST, thay đổi của các DN.
"Những nguồn mới này của DN được dự báo sẽ chiếm đến 71% vào năm 2025, trong đó từ các startup tăng đến 44%", bà Hằng nói.
Điều đó có thể thấy, đã có một sự dịch chuyển về ĐMST, từ nội tại DN sang các sáng kiến, ý tưởng bên ngoài để làm giàu cho nguồn tài nguyên của DN. Với ứng dụng ĐMST, DN có thể tăng gấp 5 lần tốc độ, tăng gấp 3 lần năng suất lao động trong khi tiết kiệm từ 20% - 30% mức đầu tư.
"Đây chính là lợi thế mà ĐMST mở mang lại so với ĐMST truyền thống", bà Hằng nhấn mạnh.
Mức độ đầu tư cho ĐMST ở các nước đang phát triển còn thấp
Cũng theo bà Hằng, về mức độ đầu tư cho R&D tại các DN, nếu các nước đang phát triển chỉ dành ở mức dưới 1% thì con số này tại quốc gia phát triển là trên 3%. Vì vậy, tại các nước đang phát triển, mặt bằng chung đầu tư cho ĐMST và R&D chưa tương xứng với giá trị mà nó đem lại. Do đó, lãnh đạo các DN cần chú trọng hơn nữa mức đầu tư ĐMST cho tổ chức của mình.
Bà Hằng đã dẫn chứng hệ sinh thái ĐMST tại Singapore, quốc gia được coi là một trong 10 hệ sinh thái tốt nhất thế giới. Các kỳ lân tại Singapore đều có mối liên hệ chặt chẽ và cung ứng các dịch vụ ĐMST cho chính DN truyền thống tại Singapore. Tiêu biểu như nền tảng Trax chuyên phân tích dữ liệu cho các mảng bán lẻ, bằng cách đưa ra các ứng dụng công nghệ giúp quản lý hàng hóa trong siêu thị, điểm bán lẻ một cách tự động. Từ đó tiết kiệm được chi phí nhân sự, chi phí quản trị cho các DN. Kỳ lân công nghệ này có mức định giá 1,3 tỷ USD cho lần gọi vốn gần nhất trong năm 2021.
Hay Patsnap - kỳ lân công nghệ phát triển và lưu trữ dữ liệu về bằng sáng chế, nơi các DN trao đổi bằng sáng chế để từ đó đưa về khai thác dịch vụ của mình.
"Ở những quốc gia đi trước như Singapore, họ đã đẩy mạnh ĐMST mở thông qua mối liên hệ giữa các startup và các DN truyền thống", bà Hằng nhận định.
Bên cạnh đó, ngoài tư duy ĐMST mở và không trông chờ vào nội tại của DN, các tổ chức cần cởi mở đón nhận ý tưởng từ môi trường bên ngoài, từ các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ. Đồng thời, có 3 xu hướng ĐMST đang định hình sự phát triển của DN bao gồm: ĐMST dựa trên lý tưởng tồn tại; ĐMST lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm; ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ cốt lõi.
Trong báo cáo toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng đã đưa ra những ví dụ (case study) rất sinh động trong việc các DN lớn có thể ứng dụng các giải pháp từ startup. Tiêu biểu có thể kể đến như Samsung, Tập đoàn này đã áp dụng một mô hình đổi mới mở toàn diện thông qua chương trình Samsung Accelerator. Sáng kiến này nhằm mục đích xây dựng sự hợp tác giữa các nhà thiết kế, nhà đổi mới và nhà tư tưởng để tập trung vào các giải pháp khác nhau. Chương trình cung cấp không gian văn phòng, vốn và hỗ trợ sản phẩm cho các doanh nhân và startup để giúp họ xây dựng phần mềm và dịch vụ.
Chương trình Samsung Accelerator sẽ cung cấp cho startup một môi trường sáng tạo để thúc đẩy Startup tạo ra các sản phẩm mới. Samsung cung cấp một khoản đầu tư ban đầu, cơ sở vật chất để làm việc cũng như nguồn lực của họ. Ý tưởng có thể trở thành một phần trong danh mục sản phẩm của Samsung
Làm thế nào để tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mở?
Về ĐMST mở, theo bà Hằng, thuật ngữ này còn khá mới mẻ tại Việt Nam. ĐMST mở không đơn giản phản ánh nội tại của tổ chức hay cá nhân đang vươn tới sự đổi mới, mà còn là sự "mở" hệ sinh thái của tổ chức để đón nhận, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp sáng tạo mới để hoạt động hiệu quả và năng động hơn. Theo đó, DN có thể tiết kiệm nguồn lực đầu tư vào R&D cũng như ĐMST.
ĐMST mở còn là cách thức giúp cho những DN, dù đã lớn hay còn ở giai đoạn khởi nghiệp, hoà cùng với dòng chảy xu hướng ĐMST. Như Kodak và Nokia đã phải trả giá đắt khi lưỡng lự hay chậm chân trong các bước đi ĐMST, đặc biệt là không sẵn sàng thực hiện các ý tưởng ĐMST đột phá - thường được cho là thế mạnh của startup. Như Lifting The Lid On Corporate Innovation In The Digital Age năm 2020 của MIT và Capgemini chỉ ra đến năm 2025, khoảng 40% các ĐMST trong DN sẽ do các startup, công ty công nghệ cung cấp chứ không đến từ nội bộ DN nữa. Còn đối với các startup, hợp tác với DN lớn sẽ giúp trợ lực để vượt qua "thung lũng chết" và tăng tốc phát triển.
"Như vậy, mở cửa hoạt động ĐMST sẽ là chìa khoá thành công cho các DN để cùng nhau đạt được lý tưởng tồn tại, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên nhiều thị trường mà vẫn có thể vượt qua tốc độ phát triển ngày càng nhanh của công nghệ", bà Hằng nói.
Khi triển khai ĐMST mở, sáng tạo, DN sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn: Khám phá; Hoàn thiện; Triển khai. 3 giai đoạn này tương ứng với mức độ thâm nhập của DN vào thị trường ĐMST mở.
Trong đó, ở giai đoạn khám phá, bao gồm những hoạt động có mức độ đầu tư thấp, mang tính chất tìm kiếm thông tin và giải pháp, cởi mở hơn trong tư duy của người lãnh đạo
Giai đoạn tiếp theo sẽ có sự thâm nhập và hiểu biết cao hơn, DN có thể tổ chức các chương trình tăng tốc, các vườn ươm hay triển khai hợp tác chiến lược với một số công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp đã khoanh vùng được ở các giai đoạn trước. Giai đoạn cuối cùng sẽ là giai đoạn tiến hành mua lại (M&A) hoặc đầu tư mạo hiểm.
Thông qua các nền tảng kết nối ĐMST mở như BambuUP, các đơn vị sẽ được cung cấp các nguồn thông tin đa dạng về các ý tưởng/giải pháp/sản phẩm ĐMST mới nhất và được tuyển chọn trên khắp thế giới để giúp các DN luôn cập nhật và đẩy nhanh hành trình đổi mới của DN.
Đồng thời tạo kết nối giữa bên cung cấp ĐMST và bên có nhu cầu tìm kiếm ĐMST. Qua đó, có thể hỗ trợ các công ty khởi nghiệp/công nghệ quảng bá rộng rãi ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng, mở rộng kinh doanh, tiếp cận với các khách hàng tiềm năng và các nhà đầu tư. Hay hợp tác với DN trong hành trình ĐMST như đổi mới/tìm kiếm công nghệ, thiết kế và tạo điều kiện thực hiện đổi mới/sáng kiến, thiết lập trung tâm đổi mới ảo./.