Startup và SME cần nắm cơ hội sau dịch COVID-19 để hoá "kỳ lân"

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:18, 12/05/2022

SME cần bắt lấy cơ hội chuyển đổi số (CĐS) và thay đổi mô hình kinh doanh để có cơ hội sống còn sau COVID-19, để có cơ hội vươn tầm và trở thành kỳ lân nếu được đầu tư với mô hình kinh doanh đột phá.

3 xu hướng đổi mới sáng tạo đối với startup

Theo báo cáo toàn cảnh Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có 3 xu hướng ĐMST đang định hình sự phát triển của doanh nghiệp (DN) bao gồm: ĐMST dựa trên lý tưởng tồn tại; ĐMST lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm; ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ cốt lõi. 

Chia sẻ trong Chương trình Góc nhìn chuyên gia của dự án Báo cáo toàn cảnh ĐMST mở 2021, theo bà Lê Mỹ Nga, Đồng sáng lập kiêm CEO của Hermes Management - công ty chuyên về cố vấn và đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp công nghệ, đồng thời là tác giả cuốn sách "Chat với Startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công", đây là những xu hướng rất tốt cho các startup khi các nhà sáng lập đang loay hoay không biết mình đang và sẽ phải làm gì.

Đồng thời, việc kết hợp cả 3 xu hướng này cũng giúp tạo ra chiến lược tốt nhất cho các startup, bằng cách buộc các startup phải liên tục ĐMST, lấy khách hàng làm trung tâm và đổi mới về công nghệ. Từ đó tạo ra sự đột phá, chiến lược và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với lĩnh vực công nghệ, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều startup và các startup Việt Nam thường yếu thế hơn so với các nước khác.

Có thể kết hợp 3 xu hướng này để ra chiến lược mà tốt nhất cho startup. Từ đó buộc startup phải ĐMST, lấy khách hàng làm trung tâm và đổi mới về công nghệ, tạo ra sự đột phá, chiến lược, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường đặc biệt với startup công nghệ. Bởi startup có quá nhiều và các startup Việt Nam yếu thế hơn. Nếu chỉ nhìn theo góc nhìn của mình mà không có số liệu cụ thể của thị trường toàn cầu, mất nhiều thời gian công sức tiền bạc, khó đột phá. Khi có báo cáo tập hợp từ nhiều người để ra kết quả tổng hợp xu hướng và đưa ra lời khuyên giúp cho các start up. 

Cũng theo bà Nga, ĐMST là bài toán không chỉ cho startup mà còn cho cả các quốc gia trên thế giới, khi họ đều hỗ trợ startup công nghệ và CĐS các DN truyền thống, các DN nhỏ và vừa (SME). Đối với Việt Nam, CĐS là thay đổi tư duy và ứng dụng công nghệ để tạo ra mô hình kinh doanh có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Đây là chiến lược toàn cầu và Việt Nam đang đứng trước cơ hội cực lớn, để có thể bắt lấy cơ hội từ CMCN 4.0, nhất là khi nhân lực của Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới rất nhanh, rất tối.

Việt Nam đứng thứ 3 trong Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong khu vực Đông Nam Á, vì các bạn trẻ tiếp cận công nghệ nhanh. Chính vì vậy, startup và SME Việt Nam cần bắt lấy cơ hội CĐS và thay đổi mô hình kinh doanh để có cơ hội sống còn sau COVID-19. Từ đó có cơ hội vươn tầm, cạnh tranh đối thủ cạnh tranh mới từ Việt Nam và thế giới, để trở thành startup kỳ lân định giá một tỉ đô (unicorn) nếu được đầu tư với mô hình kinh doanh đột phá. 

"Đây là cơ hội, thách thức và nhiệm vụ sống còn dành cho tất cả DN lớn, SME, startup", bà Nga khẳng định.

Startup và doanh nghiệp SME cần nắm bắt lấy cơ hội sau dịch COVID-19 để hoá

Bà Lê Mỹ Nga: Startup và doanh nghiệp SME cần bắt lấy cơ hội CĐS và thay đổi mô hình kinh doanh để có cơ hội sống còn sau COVID-19.

Thời cơ "vàng" cho startup và SME

Cũng theo bà Nga, tiến trình CĐS thành công phụ thuộc nhiều yếu tố như Chính phủ; truyền thông hay từ chính DN. Như với yếu tố Chính phủ, cơ quan quản lý có thể ban hành chính sách mở và thoáng, giúp DN CĐS. Như đối với những mô hình kinh doanh mới, chưa bao giờ có trong danh sách đăng ký kinh doanh ngành nghề hay khung pháp lý chưa có đối với các DN có sự đột phá sáng tạo. 

Trong trường hợp này, cần mở ra khung pháp lý để các mô hình kinh doanh mới có thể tồn tại, từ đó điều chỉnh quy định pháp luật, để DN có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, để kiểm nghiệm của mô hình mới, chính phủ có thể có các biện pháp giảm sát và bảo đảm DN không làm sai quy định.

Đối với yếu tố còn lại, bà Nga đặt ra câu hỏi, tại sao đến giờ nhiều DN vẫn sợ CĐS hay cho rằng không liên quan đến mình. Như một số lĩnh vực như gym, spa…, họ không thấy CĐS là cần thiết. Vì vậy, truyền thông rất quan trọng. Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mặc dù đã nói rất nhiều về CĐS, nhưng đâu đó đang gây ra sự hiểu lầm đang tiếc, khiến DN hiểu rằng, CĐS chính là việc số hoá, từ việc làm thủ công bằng tay sang làm với máy tính. 

"Đó mới chỉ là CMCN 3.0, còn cách mạng 4.0 là chuyển đổi tư duy, cách thức của toàn bộ bộ máy, từ chủ tịch HĐQT cho đến bảo vệ, chứ không chỉ ứng dụng công nghệ là xong", bà Nga nói.

Bên cạnh đó, DN còn cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, phục vụ khách hàng thì mới có thể thành công. Dựa trên truyền thông, các DN hiểu được chính xác CĐS là gì, từ đó tìm kiếm các đối tác tư vấn, ứng dụng công nghệ, quy trình hoá CĐS.

Một vấn đề quan trọng khác khi CĐS mà DN còn đang đắn đo là chi phí. Ví dụ với một chuỗi spa, khi COVID-19 ập đến và không thể hoạt động được nữa, chủ DN sẽ cảm thấy rất loay hoay không biết mình cần phải làm gì. Họ sẽ rất cần được tư vấn, được hỗ trợ về nguồn tiền, nhân lực…

Trong trường hợp này, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần… sẽ phải năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm các DN đang đứng trước bờ vực phá sản, để có thể tiếp cận, hỗ trợ họ CĐS, chuyển đổi mô hình thông qua nguồn lực tài chính, nhân lực. Chỉ có như vậy thì mới có thể vực lại nền kinh tế, khi nhiều SME đang bên bờ vực phá sản sau COVID-19.

Còn với startup, sau COVID-19, sẽ càng phải năng động hơn trong việc tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, thử nghiệm thị trường… Nhiều startup chia sẻ với bà Nga về việc mô hình của họ chưa có ai làm ở Việt Nam nhưng thực tế, nó đã được phát triển rất mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc… Vì thế, để tìm kiếm mô hình kinh doanh, startup nên nghiên cứu cả thị trường quốc tế, xem đã có ai làm chưa và cải thiện các vấn đề của mô hình như thế nào, cải thiện để cạnh tranh với các đối thủ ra sao. Để từ đó có thể đưa ra các mô hình đột phá, có phản hồi, chỉnh sửa liên tục, linh hoạt.

"Startup cần phải làm việc chăm chỉ, nếu người bình thường làm 8 giờ/ngày thì các startup làm đến 10-12 giờ/ngày để có thể chạy đua với thời gian, công nghệ cũng như chạy đua CĐS với SME", bà Nga chia sẻ thêm.

Bởi vì, các SME nếu được bơm vốn, chuyển đổi công nghệ thì sẽ trở nên mạnh rất nhanh bởi có sẵn các quy trình, con người, nhất là khi có sự trợ giúp của các quỹ đầu tư.

"Startup liệu có đuổi kịp SME hay SME có cạnh tranh được với startup vốn linh hoạt không", bà Nga đặt ra câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, bà Nga cho rằng, cả 2 đối tượng này nên nhìn nhau, khi mà nhiều khi SME đang coi thường startup, tập đoàn lớn coi thường SME, để rồi một ngày nào đó lại nhận lấy thất bại vì chậm thay đổi. Vì vậy, tất cả các DN đều phải năng động và không được coi thường đối thủ của mình. Bởi vì, các quỹ đầu tư đang dòm ngó, đặc biệt của nước ngoài, đang muốn mua bán, sát nhập các DN bên bờ phá sản để chuyển đổi "thay da đổi thịt" và tăng trưởng quy mô nhanh chóng.

Nguyên nhân là do thị trường Việt Nam đang rất tốt và năng động, nhất là với một số ngành nghề. Ví dụ như Grab có thể không phát triển tốt ở một số nước nhưng lại rất phù hợp với thị trường Việt Nam vì mọi người có nhu cầu đi xe taxi nhiều.

"Tất cả DN lớn, SME, startup… cần hiểu đây là thời điểm nguy và cơ song hành đi cùng nhau, nếu bắt lấy cơ hội thì có khả năng trở thành DN lớn trên thị trường, với sự đầu tư của các quỹ đang rất năng động", bà Nga khẳng định.

Không CĐS, ĐMST sẽ thất bại

Về lời khuyên cho các DN, tập đoàn, bà Nga cho rằng, nếu không CĐS, ĐMST thì nguy cơ thất bại dưới tay startup trong và ngoài nước rất cao. Chưa kể, việc không CĐS sẽ khiến "ngủ quên trong chiến thắng", để rồi, các tập đoàn lớn có thể chết do các startup nước ngoài vào Việt Nam như cách mà Vinasun và Mai Linh đang bị đè bẹp bởi Grab.

Còn đối với các startup ở Việt Nam, chúng ta đã luôn đi sau thế giới và thường bị các startup nước ngoài dành thị phần ngay cả với thị trường trong nước. Do đó, startup Việt cần phải thường xuyên theo dõi thị trường để có được các lời chuông cảnh tình, các chỉ dần để thấy được xu hướng người dùng như sau COVID-19, họ sẽ chi tiêu như thế nào, có nhu cầu nào… Nếu không biết được các điểm chạm, hành trình của người dùng, đối tác mà tự làm theo ý mình thì sẽ rất khó thành công và giải quyết được "nỗi đau" của thị trường.

Mặc dù là trụ cột cơ bản nhưng CĐS không chỉ nói về yếu tố công nghệ. Bởi vì, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain)…là các yếu tố cơ bản như vật lý, hoá học, sinh học để ra giải pháp cho các ngành kinh tế, y tế, tài chính, nên để CĐS thành công phụ thuộc vào mức độ năng động của từng DN. Các DN cũng cần phải liên tục gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành để nhờ tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện giải pháp, xem có đáp ứng được với thị trường, để đỡ mất thời gian, công sức.

"Đây là điều buộc phải làm vì kinh doanh phải theo thị trường, thì mới có thể thành công trong thời gian ngắn mà không mất tiền bạc, công sức", bà Nga kết luận./.

Thế Phương