Hậu Giang: Chính quyền điện tử, CĐS góp phần nâng cao chất lượng hành chính công
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:55, 11/05/2022
Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, từ năm 2021 đến nay, HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch và văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng CQĐT, đô thị thông minh (ĐTTM) và CĐS trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hàng loạt các Nghị quyết, Kế hoạch đã được ban hành. Cụ thể như: Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 11/05/2021 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐNT tỉnh Hậu Giang về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng CQĐT và ĐTTM tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 của HĐND tỉnh Hậu Giang quy định mức chi hỗ trợ đối với cán bô, công chức, viên chức phụ trách CNTT trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 19/QÐ-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT, cải cách hành chính và CĐS tỉnh Hậu Giang; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27/4/2021 của UBND tỉnh về xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS giai đoạn 2021 - 2025…
Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn. 100% các cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN). 100% cán bộ, công chức (CBCC) tại CQNN cấp tỉnh và cấp huyện được trang bị máy tính; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp xã được trang bị máy tính đạt 98%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước tại Hậu Giang đã triển khai đến các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã được sử dụng để đảm bảo hoạt động của trung tâm dữ liệu, Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến và các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành…
Nhờ đó, phần mềm Quản lý văn bản được triển khai đến tất cả các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn với hơn 458 đơn vị sử dụng. Số lượng người sử dụng là gần 6.000 tài khoản. Hệ thống đã liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Tỷ lệ văn bản đi/đến chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 100%; Hệ thống tích hợp chữ ký số tạo điều kiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các CQNN. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng.
Các đơn vị đã khai thác có hiệu quả các tính năng của phần mềm như ký số trực tuyến, tìm kiếm, tiếp nhận xử lý văn bản đến, tạo lập, phát hành văn bản đi, gửi nhận văn bản liên thông với Văn phòng Chính phủ … giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan, góp phần cải cách hành chính (CCHC).
Cùng với đó, các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được xây dựng và hoàn thiện. Điển hình là cổng thông tin điện tử tỉnh được xây dựng mới và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 15/7/2020, gồm 55 cổng thành phần của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và 5 cổng, trang độc lập của các đơn vị.
Cổng được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước và theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của trung ương và địa phương, các hoạt động, sự kiện của của tỉnh, của ngành cũng được đăng tải kịp thời và 6 chính xác, thể hiện được vai trò cung cấp thông tin chính thống của các CQNN trên môi trường mạng; đồng thời, từng bước đẩy mạnh quá trình minh bạch thông tin, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến và Hệ thống Một cửa điện tử đã được triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; hệ thống triển khai tập trung, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu theo hướng dẫn tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và các quy định của Bộ TT&TT về việc cung cấp DVC trực tuyến của CQNN.
Cổng đã cập nhật 1.889 TTHC thuộc danh mục TTHC của các đơn vị trong tỉnh, trong đó, cung cấp 459 dịch vụ mức 2, 161 mức 3 và 1.269 mức 4. Hệ thống đã liên thông và cập nhật 1.681 TTHC lên Cổng DVC quốc gia; Đã thực hiện việc đồng bộ số liệu thống kê xử lý hồ sơ cho Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp, dùng chung hệ thống xác thực (SSO) của Cổng DVC quốc gia; Tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 916 thủ tục mức độ 3, 4. Tính đến tháng 12/2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC là 158.911 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,1%. Trong đó, TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ là 727 thủ tục, đạt 51%. Tổng số hồ sơ mức 3, 4 được giải quyết trong năm là 105.858, trong đó, có 24.014 hồ sơ giải quyết trực tuyến, đạt 23%. - 100% văn bản của các đơn vị được ký số và chuyển hoàn toàn qua hệ thống quản lý văn bản…
Đánh giá về hiệu quả của công tác xây dựng CQĐT, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang khẳng định: Với sự vào cuộc quyết liệt, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng CQĐT. Đến nay, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh. Hạ tầng CNTT từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các DVC hướng đến người dân và DN được chú trọng phát triển và ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng…/.