Funding Societies chọn Việt Nam làm thị trường phát triển mới
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 08:09, 11/05/2022
Sự kiện ra mắt này đánh dấu lần mở rộng thị trường thứ 5 của Funding Societies. Những SME tại Việt Nam có tiềm lực kinh tế lớn và đang trên đà phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, nên sự có mặt của Funding Societies đem đến hy vọng tháo gỡ những rào cản trong vấn đề tài chính, giúp họ giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn khi hoạt động.
Việc mở rộng hoạt động ở Việt Nam được xem là một bước tiến quan trọng của Funding Societies tại thị trường Đông Nam Á.
Nền tảng để cấp vốn cho SME sử dụng AI
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 98% DN đang hoạt động trên cả nước vào năm 2020 là các SME. Những DN này cung cấp đến hơn 5,6 triệu cơ hội việc làm cho thị trường lao động, cũng như chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam (ước tính khoảng 241 tỷ USD).
Tuy nhiên, tỉ lệ chênh lệch giữa số lượng SME đã đăng ký kinh doanh và số lượng DN thực sự đang hoạt động ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ vỏn vẹn 54% số SME đã đăng ký kinh doanh có hoạt động trong năm 2019. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc phát triển của những SME tại Việt Nam chính là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Và vấn đề khó khăn này càng được khắc họa rõ nét hơn trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Là công ty cho vay vốn số dành cho các SME ở Đông Nam Á, Funding Societies đóng vai trò như một nền tảng để cấp vốn cho SME thông qua mô hình tín dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Thông qua đó, nền tảng số này có thể cung cấp các khoản vay truyền thống có kỳ hạn, cùng với những lựa chọn liên quan đến tài chính khác chẳng hạn như tài trợ hóa đơn. Trong 7 năm hoạt động, công ty đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ kinh doanh thông qua hơn 5 triệu khoản vay trên toàn khu vực.
Ông Kelvin Teo, Đồng sáng lập và Tổng Giám đốc của tập đoàn Funding Societies, cho biết: "Kể từ khi thành lập vào năm 2015, tầm nhìn của Funding Societies hướng đến việc cải thiện cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Việt Nam luôn nằm trong lộ trình đó. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường lớn nhất của Funding Societies với nhiều tiềm năng".
Trong khi đó, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc tại VNG cho biết: "Các SME đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng vẫn tồn tại những thách thức đối với các DN này trong việc tiếp cận nguồn vốn và các khoản hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng".
Tập đoàn công nghệ Việt Nam đầu tư vào nền tảng tài trợ số
Đầu năm nay, tập đoàn công nghệ VNG của Việt Nam đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies trong vòng gọi vốn chủ sở hữu Series C+ có tổng trị giá 294 triệu USD, trong đó có 144 triệu USD vốn chủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay.
Vẫn theo ông Kelly Wong: "Khoản đầu tư vào Funding Societies phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của chúng tôi, nhằm giải quyết những thách thức để các DN có thể tập trung kinh doanh và phát triển. Là công ty công nghệ của Việt Nam, chúng tôi có đủ khả năng để hỗ trợ Funding Societies trong việc phát triển tại Việt Nam".
Funding Societies cũng nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư đáng chú ý khác trong vòng gọi vốn, bao gồm SoftBank Vision Fund 2, Rapyd Ventures, EDBI, Indies Capital, Ascend Vietnam Ventures và K3 Ventures... VNG sẽ giúp Funding Societies nhanh chóng thích ứng với thị trường trong nước để có thể cung cấp các giải pháp phù hợp cho từng nhu cầu riêng của các DN Việt Nam.
Ryan Galloway, Giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam, cho biết: "Các SME của Việt Nam không có cơ hội tiếp cận thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và thị trường vốn giai đoạn đầu (venture and early-stage capital markets) như các thị trường khác tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, và các chủ DN Việt Nam được đào tạo để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh dù sở hữu ít lợi thế hơn".
"Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam và chúng tôi phấn khởi khi được hỗ trợ những SME đang phát triển, cũng như đem đến giải pháp cho nhu cầu tài chính của hàng triệu SME trên khắp Đông Nam Á", ông Ryan Galloway cho biết thêm.
Funding Societies hỗ trợ các SME trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, bán lẻ, công nghệ và FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh), thông qua việc cung cấp các sản phẩm như tài trợ thương mại, tài trợ hàng tồn kho, tài trợ cho các khoản phải thu (AR) và các khoản phải trả (AP) trong và xung quanh khu vực TP.HCM và Hà Nội. Hợp tác với các ngân hàng địa phương, Funding Societies đang có định hướng sẽ ứng dụng việc cấp vốn kỹ thuật số bằng nội tệ trên toàn quốc trong nửa cuối năm nay.
Ông Galloway chia sẻ thêm: "Từ những thành công của Funding Societies ở các thị trường khác, chúng tôi sẽ cải thiện thời gian quay vòng vốn bằng cách tự động hóa việc khởi tạo và bảo lãnh phát hành để hỗ trợ các SME tại Việt Nam một cách hiệu quả hơn."
Kể từ đợt chạy thử tại Việt Nam vào tháng 12/2021, Funding Societies đã giải ngân hơn 20 triệu USD và đang đặt mục tiêu tăng con số này lên hơn 90 triệu USD trong năm nay. Để hiện thực hóa tham vọng này tại Việt Nam, tổ chức đang nỗ lực trong việc hợp tác với các nền tảng công nghệ và các đối tác ngân hàng nhằm hỗ trợ các kế hoạch trung và dài hạn.
Định hướng này cũng giống với cách mà Funding Societies đã hợp tác với các ngân hàng khi mới đây đã đầu tư vào Bank Index tại Indonesia. Trên toàn khu vực, Funding Societies sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại 5 quốc gia mà tổ chức này hoạt động, với các sản phẩm tài chính và neobank (ngân hàng số hoàn toàn trực tuyến) mới.
Funding Societies | Modalku là nền tảng tài trợ số SME lớn ở Đông Nam Á, hoạt động tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nền tảng này cung cấp tài chính kinh doanh cho các SME. Cho đến nay đã giải ngân hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các DN thông qua hơn 5 triệu giao dịch cho vay.
Funding Societies được hỗ trợ bởi SoftBank Vision Fund 2, VNG, SoftBank Ventures Asia, Sequoia Capital India, Alpha JWC Ventures, SMBC Bank, Samsung Ventures, BRI Ventures, Endeavour, SGInnovate, Qualgro và Golden Gate Ventures...