Triển khai hệ thống IoT tại các bệnh viện Singapore để quản lý tài sản
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:36, 09/05/2022
Quản lý xe lăn hiệu quả hơn
Trong 12 năm qua, ông Sockalingam Ramalingam thường xuyên phải đi bộ trong khuôn viên Bệnh viện Khoo Teck Puat (KTPH) tại Singapore 2-3 lần mỗi ngày, với thời gian mỗi lần khoảng nửa giờ. Theo đó, ông sẽ kiểm tra bãi đậu xe ở tầng hầm, phòng khám chuyên khoa, khu khám bệnh và các khu vực chung khác trong 3 tòa tháp của bệnh viện, mỗi tòa cao 6 tầng, để lấy những chiếc xe lăn không sử dụng và đưa chúng trở lại sảnh chính của bệnh viện và các khu vực khác nơi bệnh nhân có thể cần.
Giờ đây, thay vì dựa vào khả năng và phán đoán của mình, ông Sockalingam có thể sử dụng bảng điều khiển trên điện thoại di động để biết chính xác nơi cần tìm xe lăn, giúp cắt giảm một nửa thời gian cần thiết cho công việc quan trọng này.
Vào tháng 4/2020, KTPH đã bắt đầu kế hoạch thí điểm gắn thẻ 150 xe lăn với các đèn hiệu sử dụng tần số vô tuyến điện tầm xa giúp nhân viên xác định vị trí và tìm thấy chúng dễ dàng hơn. Đến nay, 300 trong số 371 xe lăn của bệnh viện đã được gắn thẻ theo hệ thống theo dõi thông minh này.
Hệ thống sử dụng một mạng lưới các bộ định tuyến được đặt tại các vị trí đã biết trong toàn bệnh viện để báo cáo số lượng xe lăn ở các khu vực khác nhau, bao gồm số lượng xe lăn trong một phòng cụ thể hoặc trên một tầng nhất định. Có thể phát hiện đèn hiệu khi xe lăn cách bộ định tuyến gần nhất trong khoảng 30m.
Một ứng dụng web, có thể được truy cập trên thiết bị di động, sẽ thông báo cho nhân viên bệnh viện khi các khu vực chỉ định sắp xe lăn và nơi tìm xe lăn thừa. Do đó, nhân viên bệnh viện có thể đảm bảo cung cấp xe lăn kịp thời cho những bệnh nhân cần chúng.
Ông Sockalingam cho biết hệ thống mới đã giúp ông tiết kiệm rất nhiều công sức và thời gian.
"Là một nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với bệnh nhân, tôi không thể đơn giản nói với họ, xin lỗi, không có đủ xe lăn. Tôi phải giải quyết vấn đề", ông Sockalingam nói về vai trò của mình.
Giám đốc điều hành của KTPH Yen Tan cho biết phần lớn bệnh nhân của bệnh viện cần xe lăn để di chuyển trong khuôn viên. KTPH đã sớm nhận ra rằng không đảm bảo đủ xe lăn là một lỗ hổng trong chất lượng dịch vụ của bệnh viện. Vì vậy, bệnh viện đã làm việc với Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (A*Star) để hỗ trợ thương mại hóa các công nghệ mới.
A*Star và công ty khởi nghiệp trong nước I.O.T. Workz đã phát triển mạng lưới không dây công suất thấp cho dự án dựa trên tiêu chuẩn Zigbee.
Giám đốc điều hành của I.O.T Workz Shawn Koh cho biết công nghệ Zigbee, cũng có thể được tìm thấy trong nhiều thiết bị IoT trong nhà thông minh, có chi phí thấp hơn và triển khai đơn giản hơn so với các hệ thống theo dõi tương tự sử dụng Wi-Fi, Bluetooth hoặc nhận dạng tần số vô tuyến thụ động (RFID). Đó là do hệ thống không yêu cầu mọi thiết bị phải được kết nối với Internet hoặc mạng nội bộ của các tổ chức, doanh nghiệp, vì vậy không yêu cầu lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng mạng như điểm truy cập Wi-Fi.
Mỗi đèn hiệu và bộ định tuyến Zigbee hoạt động giống như một liên kết trong một chuỗi, mang dữ liệu trở lại một trung tâm chính để cập nhật bảng điều khiển trong ứng dụng Web.
Ông Koh ước tính rằng chi phí triển khai hệ thống Zigbee chỉ bằng một nửa so với chi phí triển khai và sử dụng một hệ thống tương tự dựa trên Wi-Fi với các công nghệ khác.
Ông cho biết một lợi thế khác là pin trong đèn hiệu có thể được sạc không dây khi các xe lăn cách bộ định tuyến (hoạt động như một điểm sạc) khoảng 5m. Điều này giúp cho việc bảo trì trở nên dễ dàng hơn và đèn hiệu luôn được cung cấp đủ năng lượng.
"Zigbee có mức tiêu thụ điện năng rất thấp - thấp hơn khoảng 5 lần so với Wi-Fi", Giám đốc điều hành của I.O.T Workz cho biết.
Giám đốc điều hành của KTPH cho biết hệ thống đã thành công và có thể được mở rộng để theo dõi các tài sản khác trong tương lai, chẳng hạn như giường đẩy.
Bà nói: "Chúng tôi cũng đang khám phá các lĩnh vực như ghi dữ liệu nhiệt độ, giám sát điều kiện ánh sáng hoặc điều khiển các thiết bị bên ngoài.
"Bằng cách tận dụng công nghệ hiện đại để cung cấp các giải pháp sáng tạo, chúng tôi có thể cải thiện hiệu quả và năng suất của các quy trình và hoạt động tổng thể của bệnh viện."
Bên cạnh việc theo dõi, giám sát các tài sản của bệnh viện, các ứng dụng tiềm năng của hệ thống trong tương lai bao gồm các ứng dụng IoT công nghiệp, tòa nhà thông minh và giám sát môi trường.
Ông Terence Gan, Giám đốc điều hành Viện Vi điện tử của A*Star, cho biết: "Công nghệ cảm biến không dây này sẽ hỗ trợ việc áp dụng IoT trên nhiều lĩnh vực khác nhau như giám sát sức khỏe máy móc trong các ngành công nghiệp nặng, cảm biến vi khí hậu trong nông nghiệp, các giải pháp nhà thông minh và trong các nhà máy sản xuất, nơi mà tiếp cận của con người bị hạn chế trong các điều kiện nguy hiểm".
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý tài sản, bệnh nhân tại các bệnh viện Singapore
Các bệnh viện khác cũng đã triển khai các hệ thống định vị thời gian thực để theo dõi tài sản di chuyển bao gồm Bệnh viện Đa khoa Sengkang (SKH) và Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong (NTFGH).
SKH cho biết họ sử dụng thẻ RFID để theo dõi hơn 200.000 bộ ga trải giường trong khuôn viên 288.000 m2 của mình. Mỗi bộ ga trải giường tại SKH đều được gắn thẻ RFID dài 7cm có thể giặt được với một số nhận dạng và dữ liệu duy nhất, chẳng hạn như loại vải dệt, kích thước và nơi dùng. Hệ thống giúp bạn có thể kiểm tra nơi chiếc ga giường bị mất đã được giao lần cuối và tăng cơ hội tìm lại nó. Bệnh viện cho biết tốn ít thời gian hơn và ít nhân lực hơn để thực hiện cùng một nhiệm vụ với hệ thống này, dẫn đến tiết kiệm đáng kể chi phí.
JurongHealth Campus, bao gồm NTFGH và Bệnh viện Cộng đồng Jurong (JCH), sử dụng hệ thống của mình để theo dõi bệnh nhân khi họ di chuyển xung quanh khuôn viên bệnh viện. Khi nhập viện, tất cả bệnh nhân được cấp thẻ RFID đeo ở cổ tay có chứa thông tin như tên, số NRIC, mã số khoa và địa chỉ. Họ được yêu cầu đeo nó mọi lúc trong thời gian nội trú tại bệnh viên. Điều này cho phép đăng ký tự động cho bệnh nhân tại khoa được chỉ định và khi họ được chuyển giữa các bệnh viện - NTFGH sang JCH, và ngược lại.
Hệ thống cũng được sử dụng như một tính năng đảm bảo an toàn đối với các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, như những người bị sa sút trí tuệ hoặc các bệnh về nhận thức khác, những người đôi khi có thể đi lang thang hoặc bị lạc./.