Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và cũng là thách thức

Diễn đàn - Ngày đăng : 12:16, 09/05/2022

Hiện nay, công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh đang là xu hướng tất yếu. Công nghệ kỹ thuật số có thể giúp nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về thời gian và cây trồng. Công nghệ mới có thể giúp bón phân đúng thời điểm, lượng cần thiết vừa đủ cho cây, tiết kiệm chi phí.

Để phát triển bền vững trong tương lai, các HTX nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chứ không thể dừng lại ở canh tác, sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn.

Động lực phát triển kinh tế hợp tác

Cuối năm 2020, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Cục Kinh tế Hợp tác và Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chọn là đơn vị được hỗ trợ chuyển giao bộ phần mềm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2020-2021 trên vùng sản xuất VietGap, HTX đã quy tụ thiết lập 19 lô sản xuất lúa nguyên liệu ST24, ST25 tương ứng cho 19 mã lô thành phẩm của Gạo Sạch Thăng Bình HTB.

Triển khai sản xuất theo đúng quy trình ứng dụng công nghệ, mỗi hộ thành viên được thiết lập sổ nhật ký nông hộ, cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh từng công đoạn sản xuất theo từng thời điểm của mùa vụ.

HTX có bộ phận giám sát, kiểm tra và tổng hợp thông tin từ nhật ký nông hộ để cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Gạo thành phẩm được sản xuất ra sẽ mang mã lô và tem truy xuất nguồn gốc tương ứng.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX chia sẻ, việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của HTX được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho HTX bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay. Việc truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của thành viên và bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Nhờ công nghệ số mà sản phẩm gạo HTB đã được giới thiệu và có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An và tiến tới xuất khẩu.

Tại Lâm Đồng, sau khi xây dựng 40 ha rau nhà kính công nghệ cao, sản xuất các loại cây rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, phường 12, TP Đà Lạt tiếp tục mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông minh để tự động hóa các khâu chăm sóc cây trồng.

Giám đốc Mai Văn Khẩn chia sẻ, trước đây, HTX trồng rau thủy canh theo phương pháp thủ công, công nhân phải trực tiếp pha, tưới chất dinh dưỡng nên tốn công chăm sóc. Qua giới thiệu, HTX mạnh dạn phối hợp thử nghiệm triển khai dự án sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất.

Dự án ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông minh như: hệ thống thuỷ canh, tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, quạt đối lưu không khí, phun sương trong nhà, tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm...

"Với công nghệ mới này, mọi thứ được tự động hoá, người lao động có thể điều chỉnh, giám sát lượng phân, nước tưới, theo dõi cây trồng qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Nhờ chất lượng và an toàn, hiện tại, toàn bộ sản phẩm rau, quả từ mô hình đều được kết nối tiêu thụ thuận lợi. Hiện, thị trường tiêu thụ rau sản xuất tại HTX Tân Tiến đã và đang phát triển tại các hệ thống siêu thị như Mega Market, KFC, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối ở các đô thị lớn trong nước.

Những kỳ vọng khả quan

Ông Lưu Đình Anh, Viện ứng dụng công nghệ VIPTAM, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, IoT đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả để phục vụ các hoạt động theo dõi thông tin, hình ảnh về cây trồng, vật nuôi. Tại Việt Nam, tuy rằng IoT chưa được áp dụng nhiều nhưng đây sẽ là xu hướng mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và cũng là thách thức - Ảnh 1.

Chuyển đổi số được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho HTX bứt phá.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Còn theo ông ông Kohei Sakata, Giám đốc bộ phận Nông nghiệp kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Một số HTX đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực.

Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản, công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Tuy nhiên, ông Kohei Sakata nhìn nhận, thoạt nhìn, các điểm sáng ứng dụng công nghệ số nêu trên gây ấn tượng tốt, nhưng thực tế đó vẫn là kết quả thực hành còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít HTX, địa phương và dường như vẫn làm theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số. Các bước đi đó chưa dựa trên 4 nền tảng chính của chuyển đổi số là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực.

Để chuyển đổi số phát triển được như kỳ vọng, ông Kohei Sakata đánh giá, yếu tố tiên quyết đem lại thành công ở đây chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các cơ quan Nhà nước, các HTX.

Nhà nước cần tập trung và lồng ghép nguồn lực, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp cấp thiết, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thẩm quyền được giao, như: Đổi mới quản lý ngành theo hướng hiện đại, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất, gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, HTX.

Đồng thời, đổi mới, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy HTX khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hoàng Hằng