Phía sau sự phát triển bùng nổ nội dung số ở Malaysia
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:38, 08/05/2022
Vào năm 2020, thị trường game của Malaysia đạt 786 triệu USD và trở thành thị trường lớn thứ ba ở Đông Nam Á. Ngành công nghiệp hoạt hình của Malaysia được định giá hơn 1,6 tỷ USD trong cùng năm, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 285 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2014.
Các studio phim hoạt hình trong nước cũng sản xuất hơn 65 tác phẩm, tạo ra gần 40,5 triệu USD về giá trị xuất khẩu và mở rộng sự hiện diện của mình đến hơn 120 quốc gia.
Các sản phẩm của ngành công nghiệp sáng tạo số của Malaysia cũng đã nhận được sự công nhận trên khắp thế giới. Các tác phẩm như Upin và Ipin, khám phá cuộc phiêu lưu của hai anh em sinh đôi, và Mechamato, xoay quanh một cậu bé và người bạn đồng hành là người máy của cậu, đã đến với khán giả toàn cầu.
Trong khi đó, các game như đại chiến đấu trường nhiều người chơi GigaBash và tựa game hành động phiêu lưu No Straight Roads cũng đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế.
Không có gì ngạc nhiên khi ngành sáng tạo nội dung số đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế số đang phát triển của Malaysia.
Giá trị của nội dung sáng tạo số
Ông Mahadhir Aziz, CEO của Malaysia Digital Economy Corporation (MDEC), một cơ quan chính phủ hỗ trợ các ngành công nghiệp số của Malaysia, cho biết: "Nội dung số có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của Malaysia". Theo quan điểm của ông, có một số lý do giải thích điều này.
Thứ nhất, ngành công nghiệp sáng tạo số đã được coi là động lực chính của nền kinh tế hậu đại dịch ở Đông Nam Á. Đây là kết quả của quá trình số hóa nhanh chóng và số người dùng thế hệ millennial và Z ngày càng tăng, những người coi trọng trải nghiệm và giải trí, cùng với nhu cầu lớn hơn về nội dung số trên toàn cầu.
Thứ hai, nội dung sáng tạo số là cách để ứng dụng nhiều kỹ năng quan trọng.
Aziz giải thích: "Nội dung số dựa trên các kỹ năng và công nghệ sáng tạo số đã có, chẳng hạn như lập trình, thiết kế, nghệ thuật và xây dựng tường thuật. Nó không chỉ giúp đào tạo các kỹ năng cơ bản thiết yếu, mà còn cho phép đổi mới và tạo cơ hội để khám phá các ứng dụng công nghệ mới, chẳng hạn như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và chuỗi khối blockchain".
Ngoài ra, nó còn mang lại cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các startup của Malaysia trên thị trường nội dung số dành cho giải trí của người Hồi giáo.
Vào năm 2019, người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu đã chi 222 tỷ USD cho truyền thông và giải trí, tăng so với mức 214 tỷ USD của năm trước đó. Đại dịch đã chứng kiến mức "tiêu thụ" nội dung Hồi giáo tăng lên mức chưa từng có và chi tiêu của người tiêu dùng Hồi giáo cho truyền thông dự kiến sẽ đạt 270 tỷ USD vào năm 2024.
Xây dựng nền kinh tế sáng tạo số
Với tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung sáng tạo số trong thúc đẩy nền kinh tế của Malaysia, quốc gia này đã đưa ra một số sáng kiến để hỗ trợ tăng trưởng của ngành này.
MDEC đang dẫn đầu các nỗ lực của chính phủ Malaysia thông qua chính sách hệ sinh thái nội dung kỹ thuật số (DICE) của Bộ Truyền thông và Đa phương tiện, tập trung vào việc thu hút đầu tư, phát triển nhân tài và công ty địa phương, đồng thời củng cố hệ sinh thái thông qua quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân.
Theo Aziz, sự hỗ trợ của MDEC đối với chính sách DICE của chính phủ sẽ hình thành trên 4 lĩnh vực, đó là phát triển kinh doanh, kỹ năng sáng tạo và tài năng, số hóa, nghiên cứu và quan hệ đối tác. Theo đó, các cuộc thi và cơ hội kết hợp kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận một số khoản đầu tư và tài trợ chiến lược được thúc đẩy để hỗ trợ sự phát triển của các công ty địa phương.
Một startup của Malaysia đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của MDEC là công ty phát triển nội dung R&D Studio.
Vào năm 2017, startup này đã tham gia của thi Intellectual Property Creators của MDEC (nay được gọi là Digital Content Creators Challenge) và giành chiến thắng trong cuộc thi. Nhờ vậy, R&D Studio đã nhận được khoản hỗ trợ 75.000 ringgit (17.800 USD) để sản xuất phim ngắn Batik Girl, được công chiếu tại 17 quốc gia, được 28 liên hoan phim quốc tế lựa chọn chính thức, và giành được các giải thưởng ở Chile, Nhật Bản và Mỹ.
Bên cạnh sự hỗ trợ trong nước, R&D Studio còn có thể tận dụng các cơ hội mà MDEC dành cho các công ty hoạt hình trong nước có mục tiêu đi ra toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường mới.
Cùng với hai startup khác là Zappy và Durioo, R&D Studio đã hiện diện tại khu trưng bày Malaysia Pavilion trong khuôn khổ Expo 2020 Dubai, được tổ chức vào tháng 1 năm nay. Thông qua sự kiện này, công ty đã có thể giới thiệu bộ phim Batik Girl cho nhiều đối tượng hơn nữa, đồng thời kết nối với các khách hàng tiềm năng ở Trung Đông.
Expo 2020 Dubai cũng mở ra cơ hội cho Zappy và Durioo. Zappy đã làm việc với một chính quyền địa phương ở Trung Đông về một dự án phim hoạt hình và đang đàm phán với một số công ty ở Dubai. Trong khi đó, Durioo đã kết nối với các đài truyền hình ở Trung Đông và Bắc Phi để đưa nội dung về trẻ em Hồi giáo của mình đến với nhiều đối tượng hơn.
Aziz cho biết: "Việc các startup này tham gia Expo 2020 Dubai cho phép chúng tôi giúp họ tiếp xúc với thị trường toàn cầu, cũng như mang thương hiệu của không gian nội dung số Malaysia đến với nhiều đối tượng hơn".
Malaysia tiếnra thế giới
CEO Aziz lạc quan về tương lai của nền kinh tế nội dung sáng tạo số của Malaysia. Ông chia sẻ: "Tương lai có vẻ tốt đẹp, các startup cho thấy sự thành công trong lĩnh vực này. Những startup này đại diện cho những người sáng tạo mới tham gia vào không gian và là mạch máu của sự sáng tạo, và các studio trước đó đã mở đường cho những người mới tham gia vào lĩnh vực này".
MDEC sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo số của đất nước Malaysia, thông qua việc hỗ trợ các startup và phát triển các tài năng cần cho việc duy trì sự phát triển của lĩnh vực này.
Aziz giải thích: "Với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, các sáng kiến và hỗ trợ ổn định của chính phủ, ngành công nghiệp game và hoạt hình sẽ có thể không chỉ thu lợi nhuận mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của Malaysia".
Khi nội dung của Malaysia tiếp tục vượt qua biên giới, Aziz tin tưởng các startup của quốc gia này sẽ có thể tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Theo Aziz, Malaysia với dân số đa dạng và giàu văn hóa sẽ có thể cung cấp nội dung khác biệt và độc đáo cho khán giả toàn cầu./.