Báo chí cần chọn cho mình chiến lược để sinh tồn
Truyền thông - Ngày đăng : 13:45, 03/05/2022
Đây là những nội dung đặt ra tại tọa đàm “Ngành kinh doanh báo chí ở Việt Nam - Những vấn đề và xu hướng sau đại dịch COVID-19” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức. Tọa đàm nhằm thảo luận về các vấn đề xoay quanh hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số (CĐS), đồng thời đưa ra khuyến nghị về cách tiếp cận chính sách hoạt động quản lý báo chí, đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Báo chí năm 2023 - 2024.
Cần một chiến lược tổng thể về kinh tế báo chí
Trong các năm gần đây, hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới (The NewYork Times, World Street Journal, Nikkei Asia, the Economist,..) đều ưu tiên coi đăng ký đọc tin là nguồn thu chính. Năm 2021, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19, “gã khổng lồ” ngành báo chí The New York Times đạt doanh thu 1,7 tỷ USD, chỉ qua hình thức đăng ký đọc tin tức trực tuyến (subscription).
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay nhiều tờ báo, cơ quan báo chí gặp khó khăn trong vấn đề bảo đảm nguồn thu và bảo đảm đời sống cho những người làm báo. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số và bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, báo chí cũng đang đứng trước sức ép, áp lực rất lớn khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ tài chính. Một số cơ quan báo chí bắt đầu thảo luận và thí điểm mô hình “Đăng ký đọc tin” như một nguồn thu bổ sung và chuẩn bị cho sự chuyển hướng về lâu dài.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đây có thật sự là mô hình hay, hiệu quả để các cơ quan báo chí áp dụng? Đó còn chưa nói đến hệ lụy, nếu không giải quyết cơ bản và thấu đáo vấn đề kinh tế báo chí thì báo chí rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, rất khó giữ được sự nghiêm ngặt trong hoạt động báo chí. Điều này đòi hỏi cần có một chiến lược tổng thể về kinh tế báo chí, đề cập một cách xác thực về các loại hình báo chí, các nhóm báo chí khác nhau.
Sửa đổi Luật Báo chí nhằm tạo cơ chế phù hợp để các cơ quan báo chí hoạt động
Theo ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch thường trực VDCA, nguồn tài chính cho hoạt động báo chí là vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ cho lãnh đạo các tờ báo mà còn cho các nhà quản lý báo chí. Thậm chí, quan trọng ngay cả khi tờ báo bắt đầu làm thủ tục xin cấp phép. Vì vậy, kinh doanh báo chí đã được đặt ra từ lâu. Thế giới, coi hoạt động kinh doanh báo chí là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, báo chí thế giới nói chung, đặc biệt là báo chí Việt Nam nói riêng đang đứng trước cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt đối với MXH cả về nội dung thông tin lẫn tài chính. Về kinh doanh dịch vụ quảng cáo, truyền thông các hoạt động báo chí thì MXH như Facebook, Youtube, Google chiếm thị phần rất lớn, vấn đề này ở Việt Nam càng gay gắt hơn (chiếm tới 80% quảng cáo). Trên MXH thông tin rất đa dạng, đưa nhanh, mặc dù có thể không chính xác nhưng thu hút bạn đọc rất lớn. Vì vậy, việc cạnh tranh với báo chí là cuộc đua không cân sức.
Cũng theo ông Lê Đức Sảo, ở Việt Nam, hiện đã có một số đơn vị bắt đầu thực hiện các dịch vụ, hoạt động xung quanh tờ báo như: Tổ chức các sự kiện, làm các dịch vụ truyền thông, tổ chức hội đàm, hội thảo, bán các thông tin trên báo chí. Nhưng làm thế nào để bán được là vấn đề các cơ quan báo chí hết sức trăn trở. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động. Tuy nhiên, báo chí cần hỗ trợ của Nhà nước hay báo chí cần có một cơ chế hoạt động cho tốt?
“Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất đối với báo chí Việt Nam hiện nay là tạo ra một cơ chế để các nhà báo làm được các bài báo hay. Đồng thời, tạo ra một cơ chế bảo vệ quyền lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiền đầu tư vào báo chí. Đây là hướng mở rất tốt”, ông Sảo nhấn mạnh.
Từ những vấn đề nêu trên, ông Sảo mong muốn làm sao để Luật Báo chí sửa đổi sắp tới mở ra những cơ hội vừa quản lý tốt, vừa tạo ra cơ chế thuận lợi nhất để các cơ quan báo chí hoạt động, thúc đẩy kinh tế báo chí phát triển. Nếu không làm được như vậy thì báo chí Việt Nam hiện nay sẽ rất khó khăn.
Phân loại các nhóm báo chí để thiết kế các gói chính sách phù hợp
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, số lượng ấn phẩm phát hành ngày càng giảm đi, quy mô ngành kinh doanh báo chí ngày càng thu hẹp. Có thể thấy, ngành báo chí đang đối mặt với những khó khăn trên toàn cầu.
Ông Đồng nêu dẫn chứng, số liệu về mặt nhân sự làm việc trực tiếp tại toà soạn báo chí Mỹ suy giảm suốt từ giai đoạn 2004 đến nay, số lượng lao động giai đoạn đỉnh cao nhất là gần 70.000, đến năm 2020 số lượng làm việc trực tiếp tại toà soạn báo giảm chỉ còn khoảng 30.000. Điều này cho thấy xu hướng thị trường ở thế giới đều suy giảm.
Tại Việt Nam, theo số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông năm 2019, xu thế lượng phát hành báo in cũng đạt được giai đoạn đỉnh cao, hoàng kim vào năm 2005. Nhưng từ đó đến năm 2015 suy giảm liên tục. Thị trường đang rất khó khăn và đang thu hẹp.
Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, ông Đồng đưa ra một số khuyến nghị chính sách hướng tới sửa Luật Báo chí: “Ngành kinh doanh báo chí ở Việt Nam có thể là một ngành kinh doanh có điều kiện. Luật Báo chí khi sửa đổi tới đây cần hướng tới mô hình kinh doanh cho báo chí, tạo cơ sở pháp lý mạnh hơn để bảo vệ cho đầu tư vào ngành báo chí”.
Ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho rằng, khi thiết kế thị trường như vậy cần phải có sự phân loại các nhóm báo chí để thiết kế các gói chính sách phù hợp. Thị trường báo chí Việt Nam hiện đang tồn tại ba nhóm chính: Một là, liên quan đến nhóm gắn các trách nhiệm cung cấp về mặt dịch vụ công ích về thông tin như: VTV, VOV, Quân Đội Nhân Dân... là kênh được bao cấp ngân sách, cần tiếp tục coi đây là nhóm doanh nghiệp bao cấp ngân sách hoàn toàn. Hai là, nhóm hỗn hợp vừa nhận ngân sách, đồng thời vừa là đơn vị sự nghiệp tự chủ, hoạt động theo mô hình có cơ chế thị trường. Ba là, nhóm thuần túy báo chí có mô hình hoạt động như doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có sự phân loại để tiến tới xác lập các vị trí pháp lý của ngành báo chí.
Thị trường báo chí Việt Nam song hành với thế giới. Do vậy, đổi mới về chính sách và sự phát triển của từng đơn vị cần có sự tham khảo bài học bên ngoài. Trong đó, công nghệ số là trọng tâm cho đổi mới mô hình kinh doanh và vận hành của tòa soạn.
“Đằng sau tòa soạn thành công là doanh nghiệp công nghệ lớn, nhưng cơ quan báo chí chưa có nguồn lực như vậy. Bộ TT&TT cần thúc đẩy sự hợp tác báo chí và công nghệ, đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các tòa soạn. Các cơ quan báo chí phải “đi bằng 2 chân”: Thu hút độc giả và quảng cáo. Mặc khác, cần tăng cường bảo vệ bản quyền cho hoạt động báo chí, bởi vi phạm bản quyền sẽ khiến báo chí khó tạo nội dung hay và thu hút độc giả...”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.
Báo chí cần chọn cho mình chiến lược để sinh tồn
Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Trí Vĩnh - một chuyên gia truyền thông thừa nhận, ngành báo chí đã và đang phải cạnh tranh với MXH ở mọi phương diện như: Sản xuất, sản lượng, tốc độ phân phối, độ phủ người xem, độ sáng tạo và đổi mới cũng như mô hình kinh doanh... Đến nay, mô hình kinh doanh của báo điện tử cơ bản là bán media nhưng đây lại là lợi thế tuyệt đối của MXH với lưu lượng (traffic) lớn. Ngành báo chí đang thua về sức cạnh tranh với MXH.
Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, lợi nhuận và doanh thu của báo chí đều giảm dần. Điều đó dẫn đến hệ quả của bức tranh toàn cảnh ngành báo chí là ngành công nghiệp đang bị thu hẹp. Vì vậy báo chí cần chọn cho mình chiến lược để sinh tồn. Vậy chiến lược sinh tồn trong tương lai của các cơ quan báo chí là gì? Đó là những đơn vị báo chí nhanh chóng đổi mới, trở nên đặc sắc, có khả năng thích nghi kịp thời, có mô hình doanh thu và chi phí đầu tư hiệu quả...
“Muốn làm được vậy, các lãnh đạo báo chí sẽ phải tư duy như doanh nghiệp với những câu hỏi cơ bản như: Sản xuất cái gì, bán cho ai, bán ở đâu, với chi phí bán hàng thế nào?...”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Vĩnh cũng chia sẻ, hình thức đăng ký đọc tin tức trực tuyến (subscription) đã được dự báo sẽ tăng mạnh và đã được chứng minh. Từ kinh nghiệm thành công của các tờ báo như The NewYork Times..., khi xây dựng subscription, điều đầu tiên nghĩ đến không phải là thu tiền mà là tạo ra một kênh phân phối chuyên biệt, phục vụ độc giả hiệu quả hơn... Tuy nhiên, các tờ báo hiện nay khi nói đến subscription đều xoay quanh vấn đề thu tiền. Rất nhiều tờ báo hiện nay theo mô hình kinh doanh sản xuất và lấy nhiều traffic để bán quảng cáo.
Khách hàng thực sự của tờ báo sẽ phải là các độc giả. Khách hàng của đội ngũ kinh doanh là các nhà quảng cáo nhưng nhà quảng cáo đến với tờ báo vì độc giả. Tất cả các tờ báo thành công đều quay lại với độc giả, lấy độc giả làm trung tâm. Khi nắm được độc giả, các tờ báo có thể bán được media và các nhà quảng cáo sẵn sàng mua một tờ báo có uy tín, được độc giả tin tưởng. Đây mới là yếu tố cốt lõi, và traffic chỉ là thước đo. Sau tất cả thì cốt lõi vẫn là chất lượng nội dung bởi nếu không có bài báo tốt khiến người đọc trả tiền thì không thể triển khai được bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt, phải đặt độc giả làm trung tâm và khi giữ được độc giả thì có thể triển khai được các mô hình kinh doanh.
“Vấn đề đặt ra hiện nay với các cơ quan báo chí là làm thế nào để bán được thông tin và có nguồn thu từ độc giả. Một tờ báo có nguồn thu kinh tế, có thu hút người đọc chấp nhận và bỏ tiền mua hay không phụ thuộc chủ yếu vào thông tin cung cấp cho độc giả quan tâm”, Ông Vĩnh khẳng định.
Ông Trương Trí Vĩnh cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất và cơ bản nhất với báo chí, không đến từ vấn đề sản xuất nội dung mà là nguồn đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc, báo chí phải tiến tới việc thu phí nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc triển khai sẽ chưa hiệu quả, và rất khó thực hiện.
Sáng tạo số đã tái định hình ngành báo chí
Theo bà Dương Nguyễn, chuyên gia từ Chương trình Google News Initiative, Google: Khủng hoảng báo chí đang diễn ra trên thế giới. Khủng hoảng khác nhau ở các thị trường khác nhau, nhưng có những điểm chung: Người dùng khó khăn trong phân biệt tin tức đáng tin - không đáng tin; người dùng trên MXH có thể là nhà cung cấp tin tức; doanh thu quảng cáo chưa đủ nhanh, nhiều để bù cho doanh thu in ấn, bán báo truyền thống...
Bên cạnh đó, công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, xu hướng người dùng thay đổi cũng đặt ra thách thức đòi hỏi tòa soạn phải bắt kịp và tận dụng để thay đổi, chuyển mình.
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều tờ báo nhạy bén thay đổi theo xu hướng, điều chỉnh chiến lược. Họ nghiên cứu nhu cầu của người dùng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng dài hạn, bền vững hơn trong tương lai. Nhiều đơn vị cũng giữ chân độc giả bằng các hình thức đăng ký đọc tin trực tuyến, đăng ký thành viên... Nhiều tờ báo dịch chuyển sang mô hình “bức tường phí” và dịch chuyển thành công.
Việc hợp tác và khai thác thế mạnh lẫn nhau để đưa đến cho người dùng gói dữ liệu họ cần cũng đang được đẩy mạnh. Sau đại dịch, người đọc quan tâm tới nguồn thông tin chính thống tăng lên là cơ hội cho báo chí toàn cầu.
Ông Steve Taylor, Trưởng ban Chính trị Nội bộ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của Vương quốc Anh về vấn đề phát triển báo chí: “Ngày nay, sáng tạo số đã tái định hình ngành báo chí. Vì vậy, nhiều người cho rằng báo chí truyền thống sẽ sớm trở thành của quá khứ. Các cơ quan báo chí cũng đang sớm xây dựng các mô hình mới để định hình lại sự phát triển như đăng ký trả phí trên báo điện tử chẳng hạn...”, ông Steve Taylor chia sẻ./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)