Muốn phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đừng để cộng đồng startup Việt “bơ vơ”
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 09:25, 02/05/2022
Kỷ nguyên của ĐMST mở
Chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP cho biết, theo số liệu thu thập được về mức độ đầu tư cho R&D tại các quốc gia trên thế giới, các nước phát triển sẽ dành khoảng 3% GDP cho các phương pháp đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Trong khi mức đầu tư cho KHCN tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Indonesia chỉ chiếm dưới 0,5% GDP.
Bên cạnh đó, trong quá trình theo dõi số lượng nhà nghiên cứu về KHCN, ĐMST trên tổng số dân tại các quốc gia, có thể thấy một số đất nước tại khu vực châu Á, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, đang tích cực thúc đẩy việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển KHCN, bao gồm việc xây dựng nguồn lực các nhà khoa học và nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, hiện quá trình ứng dụng KHCN, ĐMST cũng đang chứng kiến sự biến đổi đáng kể. Trước đây, nguồn lực ĐMST chính là các DN lớn thông qua việc xây dựng nguồn nhân lực R&D và nguồn ngân sách lớn, khi trong năm 2020, 69% các ý tưởng ĐMST đến từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển nội bộ, 49% đến từ các bộ phận trong doanh nghiệp (DN).
Nhưng hiện nay, theo bà Quỳnh, dự kiến đến năm 2025, các nguồn lực giúp đẩy nhanh quá trình ĐMST trong nền kinh tế đến từ 2 nguồn chính là sự hợp tác với các phòng nghiên cứu (chiếm đến 71%) và nguồn giải pháp từ các startup công nghệ (chiếm 44%). Bên cạnh đó, việc hợp tác với nguồn lực bên ngoài cũng sẽ giúp các DN đẩy nhanh gấp 3-5 lần tốc độ ứng dụng công nghệ và giảm đến 23% mức đầu tư để triển khai ĐMST.
ĐMST là nền tảng cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế
Cũng theo bà Quỳnh, hiện nay, những quốc gia nhận định ĐMST là nền tảng cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế đều đã ghi nhận quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhanh chóng.
Tiêu biểu như Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 3 về số lượng startup kỳ lân sau Mỹ và Trung Quốc, trong khi cơ sở hạ tầng và tốc độ Internet tại quốc gia này còn thua kém Việt Nam. Cụ thể, ngay từ năm 2015, chính phủ Ấn Độ quyết định đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Để rồi, đến năm 2016, chính phủ nước này đã ban hành rất nhiều chính sách về thuế để hỗ trợ các startup. "Đây cũng chính là động lực để quốc gia Nam Á này xuất hiện nhiều kỳ lân hàng năm", bà Quỳnh nói.
Hay với Singapore, do là một quốc gia Đông Nam Á chỉ với hơn 5 triệu dân và nguồn tài nguyên hạn chế, nên gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình phát triển. Do đó với điểm mạnh duy nhất là chất xám, chính phủ nước này đã đầu tư rất nhiều cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, giúp Singapore trở thành hệ sinh thái ĐMST toàn diện nhất trên thế giới.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Singapore được xây dựng dựa trên 5 trụ cột lớn: Startup công nghệ; Quỹ đầu tư; DN lớn; Viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan thẩm quyền. Hệ sinh thái này không chỉ đơn thuần là một bức tranh gồm 5 mảnh ghép mà còn là một vòng tuần hoàn được kết nối giữa các trụ cột hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp phát triển một cách toàn diện nhất.
"Đây cũng là một điều kiện kiên quyết để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST và Việt Nam đang thiếu những yếu tố này", bà Quỳnh khẳng định.
Vì vậy, cộng động khởi nghiệp tại Việt Nam rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các các nhân, tổ chức, DN trong hành trình xây dựng và phát triển một bản đồ ĐMST hoàn chỉnh và vững mạnh.
Cần sự chung tay góp sức để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam
Từ đó, bà Quỳnh cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có đầy đủ tiềm năng về nguồn lực và năng lực để xây dựng, phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động và toàn diện. Tuy nhiên, hệ sinh thái này còn gặp một số rào cản trong quá trình hình thành và thúc đẩy quá trình ĐMST trong nền kinh tế.
Đầu tiên là việc chưa có một cơ sở dữ liệu (CSDL) hoàn chỉnh cho các startup Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một CSDL hoàn chính để có thể giới thiệu toàn cảnh bức tranh khởi nghiệp và khẳng định vị trí của mình trên cộng đồng DN thế giới.
Tiếp theo, Việt Nam cũng chưa có định hướng cụ thể trong một số lĩnh vực tiềm năng như blockchain, game. "Chúng ta có cơ hội để đứng ở các thứ hạng rất cao trên thế giới ở những lĩnh vực này nhưng nhiều DN khởi nghiệp chưa có định hướng cụ thể cho lộ trình phát triển sản phẩm của mình trên thị trường. Thậm chí hiện nay nhiều dự án của startup Việt bị phớt lờ và nhiều DN lớn trên thế giới đang rất ngần ngại về các dự án xuất phát điểm tại Việt Nam. Đây là khía cạnh rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và chính phủ", bà Quỳnh khẳng định.
Rào cản thứ 3 đến từ việc chưa có nhiều không gian để phát triển các lĩnh vực sản xuất như deeptech (công nghệ lõi), nhà máy thông minh… Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực tiềm năng như thương mại điện tử hay fintech, Việt Nam cần tạo cơ hội và hỗ trợ cho các startup có những giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực sản xuất - vốn là cốt lõi cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Rào cản cuối cùng, Quỳnh cho rằng, hiện vẫn chưa có nhiều sự hỗ trợ từ các DN tại Việt Nam như tạo cơ hội và cùng sáng tạo cùng các startup trong hành trình phát triển các giải pháp, sản phẩm. Chính vì vậy, cần lắm sự chung tay góp sức để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển.
Cuối cùng, đại diện của BambuUP khẳng định: "Ước mơ của BambuUP là Việt Nam sẽ trở thành trung tâm ĐMST với những ý tưởng và giải pháp sẽ vươn xa và tiếp cận với các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi cần sự chung tay đồng lòng của tất cả thành viên trong hệ sinh thái ĐMST".
Cuối năm 2021, BambuUP đã tiến hành cuộc khảo sát nhằm đánh giá: Điểm yếu và thách thức mà các startup Việt đang phải đối mặt trong việc thực hiện các hoạt động ĐMST; Những nhu cầu mà startup về sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng. Đối tượng tham gia là các nhà sáng lập, CEO hoặc người đang nắm giữ những vai trò lãnh đạo trong các startup ở Việt Nam. Qua hơn 3 tuần thực hiện khảo sát, BambuUP nhận được 89 câu trả lời.
Trong đó, với câu hỏi, đâu là những thách thức lớn nhất mà startup đang phải đối mặt khi thực hiện ĐMST, hơn một nửa startup tham gia khảo sát cho rằng "Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ (trực tiếp và gián tiếp) trên thị trường" hiện tại là mối quan tâm lớn nhất của họ khi hoạt động (51,7% bình chọn). Tiếp theo đó, "Sự thay đổi nhanh của thị trường", "Khả năng tiếp cận nguồn vốn và hưởng ưu đãi về lãi suất là thấp" và "Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao" cùng đứng ở vị trí thứ 2 với 47.1% lượt bình chọn.
Về lời khuyên cho ĐMST, đặc biệt là các startup khi tiến hành ĐMST, bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch BambuUP cho biết, các đơn vị cần xem ĐMST là hoạt động hằng ngày chứ không phải là hoạt động mang tính chất định kỳ. ĐMST phải gắn liền với chiến lược kinh doanh của DN, và được thực hiện bởi từng phòng ban. Còn ban lãnh đạo có vai trò khởi xướng, thúc đẩy mọi người ĐMST trong từng công việc và hoạt động thường ngày trong DN.
"Có như vậy, DN mới thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của thị trường, giữ vững và phát huy vị thế của mình trên thương trường", bà Hằng nói.
Còn những startup có thể tìm kiếm khoảng trống thị trường thông qua 21 bản đồ ngành trong 11 lĩnh vực (Ngành hàng tiêu dùng, ngành bán lẻ, ngành tài chính công nghệ, ngành công nghệ tiếp thị và bán hàng...). Theo bà Hằng, startup nên nghiên cứu và tìm cơ hội phát triển ở những lĩnh vực mới, chưa nhiều người tham gia. Bởi việc "nhảy" vào những mảng có tính cạnh tranh cao sẽ khiến startup gặp khó khăn để "đối đầu" với những startup với hơn 10 năm kinh nghiệm./.