Doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:07, 27/04/2022
Phiên họp được trực tuyến tới 63 tỉnh, thành, bộ, ngành để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới.
CĐS là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm", có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác CĐS, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia với 3 mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của CĐS.
"CĐS là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại", Thủ tướng nhấnmạnh.
Đầutư CĐS phải có trọng tâm, trọng điểm
Thủ tướngcũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về CĐS là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế- xã hội hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung như rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí…
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho CĐS phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.
Doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD
Thaymặt cơ quan thường trực của Uỷ ban, báo cáo tình hình triển khai CĐS quý I năm 2022, Thứ trưởng Bộ TT&TTNguyễnHuy Dũng cho biếtđóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ TT&TT, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó, kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 DN, tăng 487 DN so với năm 2021.
Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 03 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý I/2022, đều đã hoàn thành đúng hạn.
Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 14 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong tháng 3, 4/2022. Do Kế hoạch mới được ban hành ngày 15/3/2022 nên 14 nhiệm vụ này đều đang trong quá trình thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4/2022.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo CĐS do người đứng đầu làm trưởng ban.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về CĐS, trong đó có phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai CSDL quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, như gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).
CSDL quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư. Các CSDL quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký DN đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.
CSDL quốc gia về đăng ký DN chứa thông tin đăng ký DN theo thời gian thực của hơn 01 triệu DN và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký DN đạt 100%.
Dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng DVC quốc gia đã tích hợp 3.552 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, DN (Triển khai Quyết định 06 - đã tích hợp thêm 11/25 DVC trực tuyến mức độ 3, 4). Trong quý I/2022, Cổng đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng.
Một số địa phương đã có cách làm hay để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, khuyến khích người dân nhằm cung cấp, sử dụng hiệu quả DVCTT, cụ thể nhưTP. Hồ Chí Minh giảm 50% lệ phí đối với 06 nhóm dịch vụ thiết yếu khi người dân, DN thực hiện qua hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỉnh Bình Phước thực hiện chính sách chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến; tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện, tỉnh Khánh Hòa giao chỉ tiêu hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đến tận cấp xã, phường.
Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trong quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.
Đào tạo nhân lực cho CĐS tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về CĐS.
Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng.
Tốc độ truy cập mạng băng rộng quý I/2022 được cải thiện
Về hạ tầng số, Thứtrưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26% (từ 26,92 Mbps lên 33,90 Mbps), ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44% (từ 44,18 Mbps lên 67,96 Mbps).
Cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các DN viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022; 118 thôn chưa có điện, 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau.
Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.
Chương trình Sóng và máy tính cho em đến nay đã có 381.092 máy được thực hiện từ nguồn đóng góp của các DN và ngân hàng (chưa bao gồm 100.000 máy do TP. Hồ Chí Minh chủ động triển khai). Dự kiến sẽ có 400.000 máy từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích được cung cấp từ tháng 6/2022. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thống nhất địa phương để thêm 64.000 máy. Tổng cộngsẽ có945.092 máy./.