Cần chính sách dài hơi để phát triển kinh tế số
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:07, 25/04/2022
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch” do báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức.
Kinh tế số là động lực để phục hồi và phát triển kinh tế
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Covid-19 là cú hích để TMĐT và các nền tảng số phát triển. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT hấp dẫn nhất tại khu vực với mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm.
Sau 2 năm Covid-19, đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường, trong đó 55% đến từ các khu vực ngoài thành phố lớn và 99% những người dùng cho biết sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.
“Các nền tảng số đã kết nối cung cầu, giúp phân phối, lưu thông hàng hóa trong đại dịch và chúng tôi tin tưởng những mô hình này còn phát triển hơn. Những hành vi của người tiêu dùng đã được định hình suốt 2 năm qua sẽ hình thành nên thói quen tiêu dùng và các mô hình kinh doanh mới trong tương lai”, bà Việt Anh nói.
Bà Việt Anh dẫn số liệu từ Amazon cho thấy, nền tảng này đã hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam đưa 7,2 triệu sản phẩm ra thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp có thể bán thẳng đến người tiêu dùng ở thị trường châu Âu. “Đây là một tiềm năng vô tận mà TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời mang lại cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận được với nhiều hàng hóa chất lượng”, bà Việt Anh cho hay.
Nói thêm về tầm quan trọng của các nền tảng số, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam hiện có 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70.000 nhà máy sản xuất, hơn 40.000 trường học, hàng chục nghìn cơ sở y tế… cần phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng phục vụ cho nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của từng lĩnh vực. “Hỗ trợ cho các lĩnh vực này chuyển đổi số, từ đó phát triển kinh tế số, hình thành xã hội số làm nền tảng thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế, xã hội số cũng như Chương trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Đường nói.
Cần chính sách dài hơi để phát triển kinh tế số
Đánh giá cao những triển vọng của kinh tế số song các chuyên gia cho rằng lĩnh vực này đang có không ít rào cản.
Theo bà Lại Việt Anh, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ những hạn chế khi tiếp cận, sử dụng các nguồn lực. Họ gặp khó khăn về chi phí, cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. "Các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn có thể dễ dàng đầu tư xây dựng web, app điện thoại, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đầu tư này là quá sức, chưa kể đến hiệu quả sử dụng do hạn chế về khả năng tiếp cận khách hàng", bà Việt Anh chia sẻ.
Tiếp cận dưới góc độ pháp lý, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật thì cho rằng, vấn đề pháp lý trên nền tảng số đặt ra những thách thức, trong đó lớn nhất là dữ liệu. Vị này cho rằng dù đã có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng chúng ta vẫn chưa có chuẩn về việc thu thập, xử lý dữ liệu. “Rõ ràng, đã đến lúc phải có luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt hơn để bảo đảm rằng việc thu thập đó được sự đồng thuận của người sở hữu, khi xử lý cũng phải được sự chấp nhận của chủ sở hữu”, ông Dương nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng cần rà soát lại những vấn đề về pháp lý, trong đó có chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng để họ giảm bớt được khoản chi không cần thiết. Xem xét sự kết nối của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, thống kê... để khai thác dữ liệu, xử lý thủ tục hành chính đơn giản hơn mà không cần tăng thêm nhân công.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, rào cản lớn nhất là khi chuyển đổi số và ứng dụng nền tảng số là sự xuất hiện của các cơ chế tự động thông minh trong quy trình sản xuất, từ quan hệ khách hàng đến văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động... có cả những hoạt động thiếu luật hướng dẫn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tại Việt Nam, Chính phủ đã có chương trình thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Tuy vậy, nhìn chung sự hỗ trợ còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, các chính sách cần được nghiên cứu cụ thể và tiến hành dài hơi, bài bản hơn để phát triển kinh tế số./.