Chuyển đổi số tạo ra động lực mới cho phát triển
Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 11:01, 23/04/2022
Phát triển thì cần không gian mới
Chuyển đổi số (CĐS) tạo ra không gian mới cho phát triển. Trung Quốc năm 2020, kinh tế số (KTS) đã chiếm tới gần 40% GDP. Việt Nam năm 2021, KTS mới khoảng 11-12%. Không gian tăng trưởng ở đây là rất lớn. Mục tiêu về KTS Việt Nam là 20% GDP vào năm 2025, tức là phải tăng trưởng 20 - 25%/năm.
Phát triển thì cần tài nguyên mới
CĐS thì tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Dữ liệu số giống như đất đai, một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị.
CĐS tạo ra một loại đất đai mới, có người thì gọi là tài nguyên, có người thì gọi là dầu mỏ, có người thì gọi là yếu tố đầu vào của sản xuất tương tự như đất, như vốn. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên.
Phát triển thì cần hạ tầng mới
Kinh tế số thì cần hạ tầng số. Đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, phủ sóng rộng khắp, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Đó là hạ tầng điện toán đám mây, lưu trữ và xử lý dữ liệu của Việt Nam tại Việt Nam. Đó là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ. Đó là các nền tảng số quốc gia. Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số để giải quyết những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường.
Các địa phương lựa chọn các nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình. Có những nền tảng số có thể dùng được ngay, có nền tảng phải may đo thêm, có nền tảng phải phát triển mới, nhưng tất cả đều có thể làm được, vì các nền tảng này là Make In Vietnam, do người Việt Nam làm chủ.
Phát triển thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo (ĐMST)
Phát triển của nhân loại trong thế kỷ này sẽ dựa chủ yếu vào ĐMST. Chúng ta muốn phát triển thì cũng phải dựa vào ĐMST. Mà ĐMST muốn nhanh, muốn đỡ tốn kém, muốn ai cũng có thể tham gia thì phải là trên môi trường số. CĐS là tạo ra một phiên bản số của thế giới thực, cả người, cả vật, cả đất, trời, biển và vũ trụ. Gọi là chuyển đổi thế giới thực vào thế giới số. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người tạo ra một mối liên hệ thực - ảo, và sống trong cả hai thế giới cùng lúc, hai thế giới này bổ trợ nhau.
Những thay đổi trong thế giới thực sẽ ánh xạ ngay theo thời gian thực vào thế giới số. Thiết kế, sáng tạo, thử nghiệm có thể thực hiện một cách rất nhanh chóng, với chi phí rất thấp trong thế giới số, trước khi đưa vào sản xuất trong thế giới thực. Phân tích dữ liệu trong thế giới số để đưa ra những khuyến nghị cho thế giới thực sẽ làm cho thế giới thực được vận hành một cách tối ưu và hiệu quả hơn.
Phát triển thì cần bền vững
CĐS tạo ra 3 xu thế lớn. Ba xu thế này đều đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đó là: phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng. Thí dụ của nó là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ. Thí dụ của nó là dịch vụ gọi xe công nghệ, là AirBnB khi dịch vụ khách sạn phân tán ra các hộ gia đình. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Tiêu xài các sản phẩm phi vật chất nhiều hơn, và tiêu xài vật chất giảm đi.
Cả ba xu thế này đều làm cho nền kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát triển thì cần bứt phá để thay đổi thứ hạng.
CĐS là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo, của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. CĐS là khoa học công nghệ, vì CĐS thì dựa gần như hoàn toàn trên khoa học công nghệ. CĐS là kinh tế tri thức, vì CĐS thì tạo ra kinh tế số mà kinh tế số là dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu, dựa trên các thuật toán, mà thuật toán và thông tin chính là tri thức.
CĐS là đổi mới sáng tạo, vì các đổi mới sáng tạo hiện nay thì chủ yếu là trên không gian số. CĐS là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì các công nghệ của CMCN lần thứ tư thì chủ yếu là công nghệ số phục vụ cho CĐS. CĐS hội tụ trong mình cả 4 sức mạnh của thời đại. Sử dụng nó sẽ tạo ra sự phát triển đột phá. Chưa bao giờ nhân loại có được một sự hội tụ lớn như thế này. Chúng ta đang có một cơ hội lớn để bứt phá.
Phát triển thì phải huy động được tổng lực cho mũi tấn công chính
Lợi thế lớn nhất của chế độ một đảng lãnh đạo là khả năng huy động và tập trung toàn lực của đất nước cho những việc lớn lao, vĩ đại. CĐS quốc gia là một việc như vậy.
Chúng ta đang nắm trong tay mình một sức mạnh vô địch là khả năng huy động cả hệ thống chính trị, khả năng huy động toàn bộ lực lượng của đất nước cho công cuộc CĐS. Rất và rất ít quốc gia có được lợi thế này.
Phát triển thì cần lý luận, đường lối, chiến lược dẫn đường
Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về chủ động tham gia Cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy CĐS quốc gia và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII định hướng đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Kinh tế số và xã hội số.
Gần như tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết, chiến lược và chương trình CĐS. Như vậy, lý luận, con đường, chiến lược về CĐS Việt Nam đã tường minh. Đây là thuận lợi cơ bản, có tính quyết định cho thành công ở những bước tiếp theo.
Phát triển đất nước thì phải huy động được toàn dân
Đã là dân Việt Nam thì ai cũng có mong muốn góp phần phát triển đất nước, đều muốn Việt Nam hùng cường thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Nhưng khó khăn là mọi người không có cơ hội giống nhau, nhất là cơ hội tiếp cận. Thế giới vật lý thì mãi mãi tồn tại khoảng cách về tiếp cận giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo. Nhưng trong thế giới số thì vấn đề khoảng cách tiếp cận sẽ cơ bản được giải quyết.
Thế giới số là thế giới không khoảng cách. CĐS là giúp mỗi người dân trở thành một người ảo để hoạt động toàn quốc và toàn cầu. Mọi người được tiếp cận tri thức, công cụ, công nghệ để sáng tạo, để dân giầu, nước mạnh. Không ai bị bỏ lại phía sau. Thế giới số tạo ra sức mạnh toàn dân. Việt Nam sẽ luôn thắng khi huy động được sức mạnh toàn dân./.