Thương mại, công nghệ số và sản xuất xanh mang lại cơ hội tăng trưởng mới
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:05, 22/04/2022
Mới đây, WB đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 5,3% trong năm 2022. WB cho rằng nếu những diễn biến bất lợi không được cải thiện, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt 4%. Theo WB, trong lúc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (TBD) chống chọi với cơn bão COVID-19, những diễn biến kinh tế, chính trị toàn cầu càng khiến tình hình khó khăn với các quốc gia, đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn và tỷ lệ nghèo sẽ cao hơn. Chẳng hạn như tình hình căng thẳng ở Ukraine gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa thế giới, gia tăng căng thẳng tài chính và giảm tăng trưởng toàn cầu.
Những căng thẳng diễn ra đúng lúc đại dịch chưa kết thúc. Không những thế, lạm phát tại Mỹ bùng lên do hồi phục kinh tế sau gói kích cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể khiến cho chính sách thắt chặt tài chính diễn ra nhanh hơn dự kiến. Diễn biến dịch COVID-19 mới đây tại Trung Quốc cũng khiến tăng trưởng kinh tế chung bị ảnh hưởng, chính sách “không-COVID” của Trung Quốc có thể làm giảm xuất khẩu của các quốc gia trong khu vực….
Sau ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 biến chủng Delta vào quý 3/2021, quá trình phục hồi kinh tế đã được khôi phục ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á -TBD trong quý 4/2021 và tiếp tục trong quý 1/2022, bất chấp biến chủng Omicron bùng phát. Các quốc gia trong khu vực tăng trưởng bình quân 7,2% và dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 5% trong năm 2022. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và các lĩnh vực.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và TBD tháng 4/2022, WB cho biết Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia phục hồi tốt và đã vượt mức sản lượng trước đại dịch, trong khi Campuchia, Malaysia, Mông Cổ, Philippines và Thái Lan được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2022. Trong khi các ngành như nông nghiệp, tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông có khả năng chống chịu tốt, sản lượng ở các ngành vận tải, lưu trú và ăn uống vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 4/2022, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 15,28 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 4,04 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2022. Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2022 ở một số nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,27 tỷ USD, tương ứng giảm 41,8%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,02 tỷ USD, tương ứng giảm 27,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 281 triệu USD, tương ứng giảm 14%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 4/2022 đạt gần 11 tỷ USD, giảm 24,5% tương ứng giảm 3,56 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 3/2022.
Đứng trước những khó khăn, thách thức, WB cho rằng sự lan tỏa công nghệ số có thể nâng cao năng suất, không chỉ ở một số ít các quốc gia và DN tiên phong, mà còn ở nhiều quốc gia và DN có hiệu suất thấp hơn. Ngoài ra, công nghệ xanh ngày càng khả thi có thể tạo điều kiện cho các quốc gia Đông Á - TBD giảm phát thải các-bon và ứng phó với tình trạng mất an ninh năng lượng mới mà không phải cắt giảm tiêu dùng hoặc tăng trưởng quá nhiều.
Cải cách chính sách và hỗ trợ khuyến khích lan tỏa công nghệ
Để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội, WB cho rằng các quốc gia phải thực hiện một số chiến lược quan trọng như nâng cao hiệu suất chính sách tài khóa cho phục hồi và tăng trưởng. Theo đó, cần hỗ trợ có mục tiêu và hiệu suất cao hơn cho các hộ gia đình và DN, nhờ đó sẽ hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc cộng dồn, tạo dư địa để đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, năng lượng và lan tỏa công nghệ.
Ngoài ra, các quốc gia cần tăng cường các chính sách an toàn vĩ mô nhằm giảm nhẹ rủi ro từ sự thắt chặt tài chính toàn cầu, tiến hành cải cách các chính sách thương mại đối với hàng hóa, nhằm tận dụng sự dịch chuyển trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi để lao động dịch chuyển, để các DN dễ dàng gia nhập và thoái lui, sẽ cho phép tái phân bổ nguồn lực nhằm ứng phó với những cú sốc toàn cầu. Đồng thời, tham gia vào các hiệp định thương mại có chiều sâu cũng là chất xúc tác cải cách trong nước và đảm bảo tiếp cận thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, WB cho rằng công tác cải cách chính sách và hỗ trợ khuyến khích lan tỏa công nghệ là một trong những biện pháp giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Theo đó, việc gia tăng cạnh tranh trong nước và quốc tế có thể tăng động cơ áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất. Nâng cao kỹ năng quản trị và kỹ thuật, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng công nghệ số sẽ tăng cường năng lực áp dụng công nghệ.
Cơ hội tăng trưởng mới từ thương mại, công nghệ số và sản xuất xanh
Công nghệ là yếu tố chính quyết định năng suất và cú sốc COVID-19 đã và đang đẩy nhanh quá trình lan tỏa công nghệ số. Tại các quốc gia Đông Á - TBD, các DN tiên phong có xu hướng áp dụng công nghệ tốt một cách nhanh chóng hơn trước đây, nhưng những công nghệ này chậm lan tỏa đến các DN khác. Mặc dù cú sốc COVID đã dẫn đến sự hội tụ trong việc sử dụng công nghệ tương tác với người tiêu dùng như thương mại điện tử, nhưng cũng dẫn đến sự phân tán sử dụng những công nghệ nâng cao năng suất tinh vi hơn, như phân tích dữ liệu.
Lan tỏa công nghệ do đại dịch cũng đang làm thay đổi cơ cấu ngành thương mại dịch vụ. Dù ngành du lịch và lữ hành bị gián đoạn, nhưng thương mại trong các ngành dịch vụ thâm dụng dữ liệu lại phát triển. Những khoản đầu tư không thể đảo ngược vào giao nhận số hóa (digital delivery) của DN và người tiêu dùng trong giai đoạn đại dịch đang làm giảm chi phí thương mại quốc tế tương quan với các giao dịch trong nước. Kết quả là cơ hội về thương mại dịch vụ số sẽ tăng lên, cho dù ngành du lịch và lữ hành phục hồi chậm hơn.
Giá cả nhiên liệu hóa thạch cao có thể làm tăng động lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Việc áp dụng các công nghệ sản xuất xanh sẽ cho phép các quốc gia Đông Á-TBD cắt giảm phát thải các-bon, và ứng phó với tình trạng mất an ninh năng lượng mới mà không phải cắt giảm tiêu dùng và tăng trưởng quá lớn.
Theo WB, công nghệ lan tỏa nhanh chóng trong giai đoạn hậu COVID có thể nâng cao năng suất. Tuy nhiên, để làm chủ được công nghệ thì cần phải cải cách chính sách và hỗ trợ. Thứ nhất, nâng cao mức độ cạnh tranh bằng cách loại bỏ rào cản gia nhập và thoái lui cho cả DN trong nước và nước ngoài, kết hợp với những cải cách về môi trường kinh doanh sẽ giúp tăng cường động lực áp dụng và lan tỏa công nghệ.
Thứ hai, các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng quản trị và kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận tài chính cần thiết, sẽ tạo thuận lợi cho DN đưa công nghệ giúp nâng cao năng suất vào hoạt động kinh doanh của họ.
Thứ ba, dù cơ sở hạ tầng số phục vụ cho công nghệ cơ bản nhìn chung đã có sẵn, nhưng truy cập băng thông rộng cần được mở rộng để tạo thuận lợi cho việc sử dụng những công nghệ tiên tiến hơn. Cuối cùng, các quốc gia cần loại bỏ những méo mó trong nước, chẳng hạn như những méo mó do trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và yêu cầu về hàm lượng nội địa, từ đó có thể khuyến khích DN áp dụng công nghệ xanh./.