Chuyển đổi số để Hải Phòng bứt phá, trở thành trung tâm công nghệ mới
Xã hội số - Ngày đăng : 22:11, 21/04/2022
Ngày 21/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố theo hình thức trực tuyến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 327 điểm cầu trên địa bàn thành phố tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, với tổng số 11.345 đại biểu tham dự.
Hải Phòng muốn thí điểm các công nghệ mới
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và quý I/2022; giới thiệu Nghị quyết số 03-NQ/TU và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường cũng thông tin về tình hình phát triển TT&TT và thực hiện CĐS; đồng thời đề cập đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong CĐS tại địa phương như: người dân chưa thực sự nhìn thấy lợi ích và tác dụng của CĐS; thu hút doanh nghiệp (DN) công nghệ số đầu tư còn khó khăn; phổ cập thiết bị thông minh còn nhiều trở ngại; bài toán lựa chọn sử dụng nền tảng quốc gia, nền tảng thuê dịch vụ hay triển khai bài toán phần mềm; đưa dịch vụ công (DVC) lên trực tuyến nhưng tỷ lệ hồ sơ còn thấp, chưa minh bạch, chưa hiệu quả, chưa được tự động hoá.
Hải Phòng cũng kiến nghị, đề xuất Bộ TT&TT lựa chọn Hải Phòng làm địa bàn thí điểm các công nghệ, dịch vụ mới như 5G, IoT cho cảng biển và trung tâm logistics, AI cho điều hành giao thông thông minh. Hải Phòng cũng mong muốn lựa chọn các giải pháp CĐS nhanh và hiệu quả trong 5 lĩnh vực chủ đạo là giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, giao thông và xây dựng.
Trước các kiến nghị của Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã thống nhất và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu các kiến nghị.
Hải Phòng đứng trong top 5 địa phương về phát triển kinh tế của đất nước. Để trở thành trung tâm về công nghệ của đất nước, theo Bộ trưởng lời giải là đào tạo. "Ở đâu có nhiều trường đại học đào tạo công nghệ số thì xu hướng các DN công nghệ số sẽ về đầu tư nhân lực, dùng nhân lực phát triển và đi ra các tỉnh lân cận. Hải Phòng có thể mời các trường đại học về mở chi nhánh, đào tạo nhân lực số".
Hải Phòng muốn trở thành trung tâm phát triển các sản phẩm số thì đầu tiên, theo Bộ trưởng, vẫn là phát triển hạ tầng số. "Nếu thiếu hạ tầng số thì không ai đến. Hạ tầng số lại không giống hạ tầng đường xá, có thể 5 - 10 năm phát triển nhưng hạ tầng số là câu chuyện 5 - 10 tháng. Phát triển hạ tầng số chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phối hợp giữa các DN".
Bộ trưởng cũng cho biết cách để thu hút các DN đầu tư là trở thành thị trường. Nơi nào có thị trường số thì nơi đấy sẽ thu hút đầu tư. Hải Phòng có thể dành khoản 1% mức chi cho CĐS. "Khi tăng đầu tư mồi thì người dân, DN sẽ bỏ ra cỡ 5 - 10 lần nữa sẽ hình thành thị trường. Khi có thị trường thì các nguồn lực đổ về".
Muốn trở thành trung tâm về công nghệ, theo Bộ trưởng, Hải Phòng phải đi trước về CĐS. "CĐS là triển khai sâu rộng đến người dân. CĐS có thể giải khó khăn, mang lại giàu có, hạnh phúc cho người dân hơn".
CĐS cần lên nền tảng số nhiều hơn
Theo nhận định của Bộ trưởng, CĐS với phần chính là chuyển đổi, công nghệ là phần phụ. "Nói đến CĐS là nói đến chuyển đổi cách thức vận hành, thay đổi cách làm bởi thế nên liên quan đến người đứng đầu và rất quan trọng. Chỉ có người đứng đầu mới thay đổi được những việc hiện hành".
"CĐS mà chỉ đổi mới công nghệ, không thay đổi thể chế thì không mang lại hiệu quả. Đổi mới thể chế phải đi kèm với đổi mới công nghệ thì mới mang lại hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng, không nước nào như Việt Nam có nhiều DN công nghệ số nhiệt huyết, phát triển được nhiều nền tảng số để hỗ trợ quá trình CĐS, giải các bài toán về các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục… Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số để CĐS là giải 35 bài toán lĩnh vực.
Có những nền tảng, theo Bộ trưởng, Hải Phòng phải "may đo" một chút và có thể được các DN Việt Nam "may đo" rất nhanh. "Sử dụng nền tảng số thì sinh ra dữ liệu. Sử dụng nền tảng số Việt Nam thì dữ liệu ở tại Việt Nam và không bị lạm dụng. Dữ liệu là phản ánh dòng chảy vật lý, có nghĩa là nhìn dữ liệu là biết Việt Nam đang xảy ra cái gì. Dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, theo đó, Chính phủ, Uỷ ban CĐS quốc gia đặt mục tiêu xây dựng các nền tảng số Việt Nam phục vụ CĐS Việt Nam, từ đây giải rất nhiều bài toán Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu và sẽ có những DN công nghệ số toàn cầu".
CĐS cũng giúp giải bài toán về minh bạch nhà nước, đánh giá cán bộ một cách định lượng bởi CĐS là chuyển đổi các hoạt động toàn diện. Các cán bộ lên nền tảng số làm việc thì mọi hoạt động diễn ra trên đó, được lưu vết và dùng chính công nghệ để đánh giá.
"Thúc đẩy CĐS, 100% người dân, cán bộ lên nền tảng số thì tạo ra nhiều dữ liệu. Dữ liệu là đất đai. Đây là đất đai mới mà càng dùng càng nhiều thì càng rộng ra và thu hút nhiều đầu tư đến".
Bộ trưởng cũng nhận định phát triển theo cách mới thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo (ĐMST). ĐMST gần như là động lực cho phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển nhân loại trong thế kỷ này chủ yếu dựa vào ĐMST. "Chúng ta muốn phát triển cũng phải dựa vào ĐMST. Muốn ĐMST, muốn nhanh, muốn đỡ tốn kém… thì phải lên môi trường số. Lên môi trường số thì ĐMST dễ hơn rất nhiều. Toàn bộ quá trình sáng tạo và thử nghiệm trên không gian số nhanh, không tốn kém".
Phát triển cũng cần bền vững. CĐS tạo ra 3 xu thế lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đó là phi trung gian hóa (thông qua kinh tế nền tảng ví dụ là sàn TMĐT bỏ đi bên trung gian); phi tập trung hóa (thông qua kinh tế chia sẻ như là xe công nghệ, Airb&B…), và phi vật chất hóa (ảo hóa các sản phẩm - dịch vụ vật lý như sách điện tử, mô phỏng thế giới vật lý bằng thế giới ảo, tiêu sài các sản phẩm phi vật chất nhiều hơn và tiêu sài vật chất giảm đi).
"Cả 3 xu thế này đều làm chương trình kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "CĐS là hội tụ của khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, CMCN 4.0. CĐS là KHCN vì dựa hoàn toàn trên KHCN, CĐS là hoàn toàn dựa trên tri thức vì CĐS thì tạo ra kinh tế số mà kinh tế số là dựa trên thông tin, dữ liệu, thuật toán mà thuật toán và thông tin là tri thức".
Bộ trưởng nhận định Hải Phòng đang hội tụ nhiều yếu tố để CĐS. Bộ TT&TT, các DN công nghệ số sẵn hàng hỗ trợ cho thành phố các chuyên gia. "Khi chúng ta đặt mục tiêu đặc biệt chúng ta sẽ có cách làm đặc biệt mà CĐS là thay đổi và cần nhất là cách tiếp cận mới. Không gian mới, cách tiếp cận mới sẽ tạo ra sự phát triển đột phá".
Trước các chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Lưu Quang giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng phù hợp với đặc thù Hải Phòng; chuẩn bị các điều kiện để xây dựng hạ tầng số cũng như cơ sở đào tạo cho các DN khi triển khai CĐS...
Bộ TT&TT và Hải Phòng hợp tác thúc đẩy CĐS trên 11 nội dung
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ TT&TT và UBND TP. Hải Phòng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy CĐS giai đoạn 2022 - 2025 với 11 nội dung.
Cụ thể, 11 nội dung gồm: tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của thành phố; phát triển đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số phục vụ CĐS; phát triển xã hội số phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ CĐS trong DN, CĐS tại cấp huyện, cấp xã; triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet; hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin; phát triển dữ liệu số, kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS; lĩnh vực thông tin, tuyên truyền; phát triển DN công nghệ số và sản phẩm công nghệ số tạo sự bứt phát cho nền kinh tế.
Trong đó, trọng tâm phối hợp triển khai trong năm 2022 là: Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến, đưa tỉ lệ DVC trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 50% trong năm 2022; thí điểm đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của TP. Hải Phòng; phối hợp, thúc đẩy đưa 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí lên sàn thương mại điện tử; phối hợp triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước của TP. Hải Phòng về CĐS; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại thành phố.../.