Thanh tra số để phát hiện những dấu hiệu vi phạm trên không gian số
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:00, 21/04/2022
Bổ sung một số điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính
Tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính - Luật số 67/2020/QH14 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu tất cả các Bộ ngành phải sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tất cả các nghị định xử phạt để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, 17 bộ, ngành trong năm 2021 đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế 34 Nghị định mới.
Đối với lĩnh vực bưu chính, những nội dung xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Ông Trí cho biết trước đây việc cân 1 bưu kiện, áp giá cước không đúng thì xử phạt 1 lần nhưng quy định mới sẽ xử phạt từng hành vi. Trước đây có hành vi vi phạm là phạt, hiện nay phải xem hành vi phạm đã kết thúc hay chưa, hay hành vi đang thực hiện cho đến bây giờ... Đặc biệt quy định mới chỉ rõ từng chức danh được xử lý hành vi nào.
Cụ thể, bà Phạm Thị Xuân Thuỷ, Trưởng phòng Thanh tra Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết quy định mới bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như: thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 là 01 năm trừ các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 9 là 02 năm.
Lý do được bà Thủy cho biết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi này là hành vi liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu nên thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ hành vi vi phạm quy định tại các Điều 7 và 8; các khoản 1 và 2 Điều 9; điểm c khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều 11; các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 13 thì bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng.
Quy định mới cũng sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 5 như: (1) phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật; (2) phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với CQNN có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật. Trước đây là thay đổi liên quan đến giấy phép bưu chính.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 10 Nghị định 47/2011/NĐ-CP, những nội dung phải thông báo khi thay đổi: người đại diện theo pháp luật; Số điện thoại liên lạc của người đại diện theo pháp luật; vốn điều lệ của DN; giá cước dịch vụ bưu chính; chỉ tiêu chất lượng dịch vụ bưu chính; mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; các quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại liên quan đến dịch vụ bưu chính do DN cung cấp.
Quy định mới cũng phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như:(a) thông báo không đúng với CQNN có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; trước đây: là thay đổi liên quan đến văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; (b) thực hiện thông báo hoạt động bưu chính tới CQNN có thẩm quyền quá thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính" (sửa tách từ khoản 2 NĐ15/2020/NĐ-CP).
Việc thông báo hoạt động bưu chính tới CQNN có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thực hiện chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính.
Phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với CQNN có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi một trong các nội dung đã thông báo hoạt động bưu chính (Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP).
Thu hồi giấy phép DN không hoạt động bưu chính sau 1 năm
Cũng tại Hội nghị, bà Thủy đã trao đổi về một số công tác về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính và giải pháp.
Đối với DN bưu chính đã được cấp phép không hoạt động, bà Thủy cho biết thời gian vừa qua Bộ TT&TT đã xử lý 7/9 DN đã xin cấp giấy phép hoạt động bưu chính nhưng sử dụng giấy phép vào mục đích khác, chủ yếu là các DN vận tải. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có văn bản chính thức gửi đến 63 tỉnh/thành, về việc kiểm tra loại hình các DN được cấp phép hoạt động bưu chính nhưng sau 1 năm không hoạt động thì sẽ thu hồi giấy phép.
Bà Thủy cũng cho biết thực trạng có một số DN xin giấy phép, có địa chỉ rõ ràng nhưng sau một thời gian được cấp phép thì thay đổi cả địa chỉ và tên nên rất khó cho CQNN khi truy tìm dấu vết và sắp tới sẽ có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, còn có thực trạng DN vận tải lợi dụng hoạt động bưu chính để vận tải trên đường 24/24 giờ mà xe lại không có biển hiệu, logo. Sắp tới, sẽ xem xét xây dựng quy định về nhận diện thương hiệu rõ ràng.
Bà Thủy cũng đã trao đổi về các nội dung như ủy quyền mức xử phạt cho Chủ tịch UBND xã, kiểm tra xe vận tải trên đường, trách nhiệm của người gửi phải kê khai nội dung hàng hóa gửi….
Quản lý những mô hình kinh doanh và công nghệ mới
Với xu thế bùng nổ của thương mại số hiện nay, tại Hội nghị, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết bưu chính trở thành nền tảng hậu cần cho thương mại số, là công cụ thực thi cho thương mại điện tử (TMĐT), vì vậy, các DN bưu chính lại là đối tượng liên đới, thực hiện các "hành vi" vi phạm, gây mất an ninh, an toàn và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Trong quá trình thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm các hoạt động thuộc lĩnh vực bưu chính, ông Kiên cũng cho biết Thanh tra Bộ TT&TT và Vụ Bưu chính gặp phải rất nhiều vấn đề phát sinh, thách thức công tác quản lý đến từ những mô hình kinh doanh và công nghệ mới, nổi bật nhất là vấn đề thương mại số (bao gồm cả TMĐT và hậu cần điện tử), mô hình kinh doanh nhượng quyền, mô hình DN công nghệ sử dụng nền tảng chia sẻ...
Ông Kiên nhận định, đa phần các DN này được hậu thuẫn bởi các tập đoàn rất mạnh của nước ngoài. Mặc dù công tác thanh tra, phát hiện vi phạm thực hiện trên chỉ là một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng hàng hóa TMĐT nhưng đã phát hiện khá nhiều bất cập, phát sinh nhiều rủi ro, gây mất an toàn an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội.
Vì vậy, không chỉ có ngành Công an, mà ngành TT&TT cũng như các bộ, ngành khác cũng cần có chuẩn bị để thực hiện "thanh tra số", phát hiện những dấu hiệu vi phạm trên không gian số. Một mặt có thể nghiên cứu, yêu cầu các DN hoạt động kinh doanh xuyên biên giới phải để lại những điểm "check point" để cơ quan chức năng giám sát. Mặt khác Bộ Công An, Bộ TT&TT và các bộ, ngành cần cùng nhau phối hợp xây dựng hệ thống lắng nghe, giám sát mạng xã hội và không gian mạng, thu thập những "chứng cứ", dấu hiệu hành vi vi phạm./.