Sách nói làm mới thói quen người đọc với sự hỗ trợ của công nghệ

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 22:16, 20/04/2022

"Nếu không có thời gian thì hãy để một người khác đọc sách cho bạn", đó là những tiện ích của thời đại công nghệ mang lại mà cụ thể ở đây chính là sách nói. Đồng thời, sách nói cũng góp phần cho việc thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong ngành xuất bản.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội sách năm 2022, Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng ứng dụng sách nói Voiz FM và công ty V&V tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề "Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng".

Công nghệ sẽ tạo ra lực đẩy cho văn hóa đọc

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng cục XBIPH cho biết: Nhiều năm trở lại đây, việc thúc đẩy văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm. Rất nhiều hoạt động, chương trình được tổ chức từ thành thị đến nông thôn, từ trực tiếp đến trực tuyến, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Một trong những chủ đề nổi bật của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 là CĐS trong ngành Xuất bản.

Sách Nói làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nguyên: Một trong những chủ đề nổi bật của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 là CĐS trong ngành Xuất bản

Ông Nguyễn Nguyên nhận định CĐS số là cách mạng 4.0. Mọi giá trị được triển khai, tạo giá trị mới là nền tảng CĐS. Văn hóa đọc với CĐS số là vấn đề mới. Trước đây chúng ta có nhiều rào cản. Nhưng hiện nay, mọi rào cản sẽ được vượt qua để phát triển nhiều hơn.

Cũng chia sẻ ý kiến, ông Trần Đại Chính, Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ, Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Phước cũng nhận định: truyền thống sách giấy đã tạo thói quen trong văn hóa đọc, tuy nhiên, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh cụ già sử dụng smartphone để đọc tin tức.

Chính hình ảnh này nhiều vấn đề cần đặt ra cho ngành in ấn - xuất bản, thư viện, rộng hơn là lĩnh vực thông tin. "Chúng ta đề cao việc đọc sách, tuy nhiên, cần phát sinh hệ sinh thái công nghệ, ví dụ sách nói. Từ đây, ngành xuất bản có vai trò và chỗ đứng hơn trong nền kinh tế tri thức".

"Tôi nghĩ rộng hơn, đây là nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ thông qua công nghệ, chúng ta sẽ không gặp cản trở về giờ giấc hành chính, xét góc độ hưởng thụ văn hóa người dân. Chúng ta cần làm tốt hiện tại và làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ", ông Chính cho hay.

Riêng ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc công ty TNHH công nghệ WeWe cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực sách nói, ứng dụng công nghệ trong văn hóa đọc, thực sự ban đầu làm theo bản năng vì thấy rằng bản thân mình có nhu cầu nên phát sinh. Với Voiz FM, văn hóa đọc cần gắn với nhu cầu người dùng. Ở Việt Nam, lượt tìm kiếm về sách nói cao, thể hiện nhu cầu của người dùng. Vì vậy, Voiz FM được tạo ra để đáp ứng một nhu cầu của người dùng. Nếu không có thời gian thì hãy để một người khác đọc cho bạn. Đây là chiến lược của Voiz FM.

Về vấn đề độc quyền sách nói trên ứng dụng nghe sách, ông Lê Hoàng Thạch chia sẻ: "Thật ra, độc quyền là bảo vệ quyền lợi mọi người. Giai đoạn đầu là tập trung phát triển sản phẩm, ứng dụng, cần sự đầu tư lớn từ chiến lược độc quyền. Vì trong thị trường nhỏ, độc quyền sẽ giúp mình tập trung phát triển những điều thị trường cần, mở rộng văn hóa đọc của người Việt Nam. Giai đoạn hai khi mà thói quen người dùng phổ biến, Voiz FM cũng sẽ định hướng tạo cơ hội mở rộng sản phẩm sách nói".

Những con số đạt được từ khi ra mắt đến nay của ứng dụng Voiz FM đã cho thấy định hướng này. Ra mắt từ cuối năm 2019, Voiz FM hiện có hơn 1.000.000 lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với kho nội dung được cho là có số lượng phong phú hàng đầu hiện nay với gần 2,000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền.

Sách Nói làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ  - Ảnh 2.

Sách nói là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc

Những đề xuất phá bỏ rào cản phát triển sách nói

Tuy vậy, việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng đi cùng sách nói cũng sẽ đòi hỏi nhiều thử thách. Theo ông Nguyễn Nguyên, hiện tại phát triển sách nói còn nhiều rào cản như: Đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh mẽ; Hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục. Cuối cùng là vấn đề đầu tư. Nếu không có sự đầu tư công nghệ thì không thể có sự đổi mới, nhân lực còn hạn chế. Vì vậy, vấn đề quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ đam mê và yêu sách. Tiếp theo là phát triển nhân lực để thay đổi diện mạo ngày hôm nay.

Ông Nguyên đánh giá: "Ở Việt Nam, 21% dân số đọc sách (tương đương 21 triệu người), nhưng nếu nhìn chiều còn lại, đây là thị trường tiềm năng và cần phát triển hơn nữa. Bởi vì còn một thị trường gần 80 triệu người chưa được phục vụ nếu chúng ta làm được, cần biến những rào cản thành cơ hội. Chúng ta cần nhìn mặt đầy đủ, toàn diện để từ đó chúng ta giải quyết chứ không phải quay đầu lại".

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đưa ra các đề xuất để có thể phát huy vai trò của sách nói trong việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Ông Lê Hoàng Thạch cho biết sẽ cùng Voiz FM hướng đến việc hỗ trợ về bản quyền sách nói. Sắp tới, Voiz FM sẽ có hệ thống thử nghiệm sách tinh gọn, hy vọng các đơn vị rộng mở hơn với loại hình mới, phát triển hơn trong tương lai.

Trong khi đó, ông Trần Đại Chính kiến nghị: "Chúng ta cần tập trung cho mảng thư viện công cộng để lan toả giá trị văn hoá đọc. Cục XBIPH có thể tham mưu để hai Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ có một chương trình phối hợp giai đoạn 5 năm về hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp xuất bản".

Đồng tình với kiến nghị, ông Nguyên cho biết có thể hỗ trợ thư viện thêm mảng sách nói để lan tỏa giá trị văn hóa đọc./.

Hiền Anh