Biến smartphone cũ thành máy chụp võng mạc
Xã hội số - Ngày đăng : 17:44, 18/04/2022
Nhân ngày Sức khỏe thế giới, hãy cùng Samsung nhìn lại năm đầu tiên thực hiện chương trình, nâng cấp hàng trăm thiết bị Galaxy đã qua sử dụng và cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt cơ bản cho hơn 3.000 bệnh nhân ở Ma-rốc, Ấn Độ và Papua New Guinea.
Biến công nghệ Galaxy thành máy chẩn đoán hình ảnh
1,1 tỷ người bị suy giảm thị lực trên toàn cầu - 90% trong số đó sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mắt chất lượng với giá cả phải chăng. Để giải quyết vấn đề này, Samsung đã hợp tác với Cơ quan Phòng chống Mù lòa quốc tế (IAPB) và Hệ thống Y tế Đại học Yonsei (YUHS) để chuyển đổi công nghệ Galaxy cũ và không được sử dụng thành máy ảnh chẩn đoán y tế có tên là máy chụp võng mạc Eyelike, cho phép chuyên gia trong và ngoài ngành y tế đều có thể sàng lọc bệnh nhân với tiềm ẩn nguy cơ mù lòa.
Mở rộng quy mô dịch vụ chăm sóc mắt ở Ma-rốc
Kể từ khi giới thiệu Eyelike tại Ma-rốc, Samsung đã hợp tác với Global Care và 21 tổ chức khác – bao gồm các trung tâm y tế công cộng và phòng khám tư nhân – để tái sử dụng 60 thiết bị điện thoại thông minh cũ thành máy chụp võng mạc Eyelike.
"Ở Ma-rốc, chúng tôi thiếu nhân viên y tế và thiết bị y tế nhãn khoa, vì vậy tôi tin tưởng rằng Eyelike sẽ mang lại những lợi ích to lớn – đặc biệt cho những bệnh nhân sống ở vùng xa," bác sĩ nhãn khoa Mohcine Ait Hida cho biết.
Các bác sĩ nhãn khoa địa phương đã sử dụng thiết bị để sàng lọc hơn 2.028 bệnh nhân và cung cấp dịch vụ chăm sóc sau chẩn đoán, bao gồm kê đơn kính thuốc cho 128 người, lên lịch thăm khám cho 205 người và kết nối 50 người đến bệnh viện mắt để tiếp tục điều trị.
Các chương trình tiếp cận bệnh nhân ở Ấn Độ
Nhận thấy bệnh mù lòa đang là một thực trạng nổi cộm ở Ấn Độ, Samsung tái sử dụng gần 200 thiết bị điện thoại thông minh, cung cấp cho các bệnh viện địa phương. Giải pháp cấp tiến này đã được chứng minh là một bước đột phá đối với những bệnh nhân như Jamuna Prasad, người đã liên tục được kê đơn kính thuốc vì suy giảm thị lực trong hơn gần một năm. Sau khi được kiểm tra mắt bằng máy chụp võng mạc Eyelike, tại Trung tâm Chăm sóc Mắt chính của Bệnh viện Mắt Sitapur, cuối cùng, anh đã nhận được chẩn đoán chính xác về bệnh võng mạc tiểu đường. Theo các bác sĩ nhãn khoa, thị lực của Jamuna đã được cải thiện nhờ đó.
Có nhiều bệnh nhân sống ở vùng sâu vùng xa khó di chuyển đến các trung tâm nhãn khoa giống như Jamuna Prasad. Nhờ thiết kế nhỏ gọn của máy, các chuyên viên đo thị lực có thể tới những ngôi làng hẻo lánh thông qua chương trình tiếp cận cộng đồng và sàng lọc các bệnh tiềm ẩn về mắt. Hơn 1.000 bệnh nhân ở Ấn Độ đã được khám sàng lọc thông qua các cơ sở y tế địa phương và các chương trình tiếp cận cộng đồng nhờ có máy chụp võng mạc Eyelike.
Đào tạo nhân viên y tế ở Papua New Guinea
Ở Papua New Guinea, các cơ sở chăm sóc sức khỏe thường phải chật vật để tìm kiếm bác sĩ nhãn khoa đã qua đào tạo cũng như trang thiết bị thiết yếu để điều trị các bệnh võng mạc. Thực trạng càng trở nên đáng báo động hơn khi tỷ lệ mù lòa lan rộng trên toàn quốc. Quy mô dân số với hơn 9 triệu dân nhưng chỉ có 14 bác sĩ nhãn khoa đã qua đào tạo và 3 máy ảnh chẩn đoán trên toàn quốc.
"Nhờ chương trình hợp tác và máy chụp võng mạc Eyelike, chúng tôi hiện có đủ thiết bị để mở rộng các dịch vụ chăm sóc và sàng lọc quy mô toàn quốc. Chúng tôi hiện đang đào tạo các bác sĩ với hy vọng rằng họ có thể giúp chẩn đoán bệnh nhân trên toàn quốc và nâng cao hiểu biết của mọi người về các bệnh liên quan tới mắt", Tiến sĩ Jambi Garap, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống mù lòa và giảng viên nhãn khoa tại Đại học Papua New Guinea cho hay.
Chương trình Eyelike đang hỗ trợ kéo gần khoảng cách về bình đẳng y tế thông qua việc đào tạo các bác sĩ và nhân viên phòng khám ở khu vực nông thôn cách sử dụng thiết bị trong sàng lọc bệnh nhân. Bất chấp các hạn chế, chậm trễ trong việc khám sàng lọc cho bệnh nhân do đại dịch COVID-19 gây ra, Tiến sĩ Garap mong sẽ tiếp tục tổ chức các buổi khám sàng lọc này trong năm nay. Cô hy vọng có thêm bác sĩ hướng dẫn đến các khu vực nông thôn để chia sẻ kiến thức, bên cạnh việc tiến hành nghiên cứu về các rối loạn mắt hiếm gặp như bệnh Eales bằng thiết bị Eyelike./.