Lợi ích của điện toán đám mây trong hoạt động các chính quyền địa phương
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:36, 15/04/2022
Từ việc tăng cường bảo mật dữ liệu đến tối ưu hóa hoạt động, ngày càng có nhiều chính quyền địa phương tận dụng những lợi ích của các dịch vụ đám mây vào hoạt động. Các giải pháp tiên tiến dựa trên đám mây cho phép chính quyền địa phương làm việc hiệu quả hơn, tăng cường tính minh bạch và kết nối tốt hơn với người dân.
Lợi ích của việc ứng dụng ĐTĐM
ĐTĐM là việc cung cấp các dịch vụ điện toán - bao gồm máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu (CSDL), mạng, phần mềm, phân tích và trí tuệ qua "đám mây" giúp người dùng giảm chi phí hoạt động, vận hành cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn với sự linh hoạt mở rộng, thu hẹp quy mô khi nhu cầu thay đổi.
Ở mô hình ĐTĐM, các tài nguyên CNTT được phân phối theo nhu cầu qua Internet và cho phép thanh toán theo mức sử dụng. Thay vì mua, sở hữu và bảo trì các trung tâm dữ liệu (TTDL) và máy chủ vật lý, các cơ quan nhà nước (CQNN) có thể tiếp cận các dịch vụ công nghệ như năng lượng điện toán, lưu trữ và CSDL, khi cần thiết.
Các giải pháp dựa trên đám mây như phần mềm dưới dạng dịch vụ - SaaS (các ứng dụng được truy cập trực tuyến), hạ tầng dưới dạng dịch vụ - IaaS (cơ sở hạ tầng phần cứng được ảo hóa, như lưu trữ và máy chủ), hoặc nền tảng dưới dạng dịch vụ - PaaS (cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm), có thể cung cấp cho chính quyền địa phương những công cụ cần thiết để hoạt động hiệu quả hơn.
Việc dịch chuyển các hệ thống sang môi trường đám mây và tích hợp đầy đủ các khả năng của nó vào các giải pháp số mới có thể giúp dịch vụ công trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với cơ sở hạ tầng CNTT truyền thống.
Tăng cường bảo mật
Một hành vi vi phạm có khả năng làm lộ lọt thông tin nhạy cảm cho những kẻ xấu, hoặc thậm chí có thể khiến hoạt động của một cơ quan, tổ chức rơi vào khủng hoảng. Các cuộc tấn công mạng như ransomware cũng ngày càng có xu hướng nhắm vào "các mục tiêu mềm" như chính quyền địa phương, bởi hệ thống CNTT của những cơ quan này thường lỗi thời khiến chúng đặc biệt dễ bị tấn công bởi tội phạm mạng.
Matthew Maclean, nhà tư vấn giải pháp dịch vụ khu vực công GovOS, cho biết: "Chuyển sang một hệ thống dựa trên đám mây gốc công cộng thực sự là một cơ hội thay đổi cuộc chơi cho các chính quyền địa phương. Sử dụng đám mây công cộng cho phép các văn phòng chính quyền địa phương tận dụng những khoản đầu tư khổng lồ mà các nhà cung cấp đám mây thực hiện trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và an toàn thông tin".
Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền địa phương có thể sử dụng các dịch vụ đám mây riêng - dành riêng cho một tổ chức, thay cho các dịch vụ đám mây công cộng để tăng cường bảo mật và kiểm soát. Một lựa chọn phổ biến khác là mô hình sử dụng kết hợp một số dịch vụ đám mây riêng, dịch vụ đám mây công cộng và hệ thống cục bộ, tùy thuộc vào nhu cầu của tổ chức.
Đối với nhiều chính quyền địa phương, việc có một kiến trúc bảo mật tốt và phù hợp trong các hệ thống tại chỗ có thể sẽ rất tốn kém. Và các giải pháp dựa trên đám mây chính là lựa chọn tối ưu vừa đáp ứng được nhu cầu bảo mật, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư.
Gia tăng khả năng hợp tác, chia sẻ kiến thức, thông tin liên thông giữa các CQNN
Một số dịch vụ đám mây cho phép nhân viên có thể truy cập và làm việc trên các nền tảng từ mọi nơi trên mọi thiết bị, cũng như đơn giản hóa sự hợp tác giữa các nhân viên và giữa các CQNN.
Công nghệ ĐTĐM cho phép mọi người có thể làm việc cùng nhau theo nhiều cách, bao gồm họp từ xa, hội nghị truyền hình, nhắn tin nhanh, email và chia sẻ tài liệu. Giao tiếp thông qua đám mây giúp chia sẻ thông tin và trao đổi với nhau một cách dễ dàng hơn. Điều này sẽ làm tăng hiệu suất làm việc của tất cả mọi người khi tham gia vào chuỗi hoạt động của chính quyền địa phương.
Đáp ứng các nhu cầu của công dân một cách nhanh chóng
Sử dụng các nền tảng đám mây cho phép các cơ quan giảm bớt quy trình và hợp lý hóa hoạt động. Các nền tảng đám mây cung cấp cho các cơ quan quyền truy cập vào các công cụ năng suất mà họ có thể sử dụng để thúc đẩy công tác hành chính, các quy trình hoạt động cũng như trao đổi thông tin từ xa giữa nhiều bên liên quan.
Đám mây có thể mang lại sự linh hoạt trong cách mà chính quyền địa phương xử lý nhiều tình huống. Các giải pháp đám mây SaaS có thể thực hiện các nhiệm vụ như cấp phép kinh doanh, thường đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ phận trong quá trình phê duyệt, dễ dàng và nhanh hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống.
Chẳng hạn như, năm 2017, Bộ CNTT và Truyền thông Philippines đã triển khai giải pháp dựa trên đám mây trong hệ thống cấp phép của quốc gia này để tự động hóa việc cấp giấy phép kinh doanh. Với việc triển khai này đã cho phép các cơ quan chuyên môn xử lý các hồ sơ xin giấy phép kinh doanh trực tuyến, giảm bớt các quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuống còn 30 phút (tối đa không quá 12 giờ đối với trường hợp phức tạp), trong khi việc xử lý hồ sơ này trước đây phải mất ít nhất là 2-3 ngày.
Với việc triển khai các dịch vụ số một cách thuận tiện, nhanh chóng, người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở bất kỳ đâu miễn là nơi đó có kết nối Internet.
Khả năng mở rộng và tiết kiệm chi phí
Việc vận hành cơ sở hạ tầng tại chỗ rất tốn kém, đặc biệt là trong môi trường ngày nay, hầu như mọi thứ - từ lưu trữ tài liệu đến các dịch vụ - đều chuyển sang điện tử. Các giải pháp dựa trên ĐTĐM giúp các chính quyền địa phương hoạt động linh hoạt hơn để đáp ứng những nhu cầu về năng lực tính toán thường là những thay đổi linh hoạt.
Với cơ sở hạ tầng tại chỗ, việc tăng hoặc giảm dung lượng lưu trữ và tính toán rất chậm và tốn kém. ĐTĐM cho phép chính quyền địa phương tăng và giảm quy mô trong thời gian thực, có khả năng tiết kiệm chi phí đáng kể, tránh đầu tư dư thừa, cần bao nhiêu dùng đúng bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đám mây chỉ yêu cầu một lần chuyển đổi công nghệ. Điều này mang lại cơ hội hợp lý hóa các hoạt động công nghệ và cải thiện đáng kể hiệu quả trong việc triển khai các nguồn lực công nghệ.
Một số rào cản đối với việc triển khai đám mây
Khó có thể phủ nhận lợi ích của công nghệ ĐTĐM đối với hoạt động của chính quyền địa phương, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều rào cản nhất định khi thực hiện triển khai các giải pháp này.
Theo đó, ĐTĐM là một công nghệ mới và chưa có nhiều người thật sự am hiểu. Để có thể triển khai rộng rãi tại các chính quyền địa phương đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên có năng lực kỹ thuật và kỹ năng số nhất định. Tuy nhiên, những đội ngũ có kiến thức kỹ thuật này không phải lúc nào cũng có sẵn và có thể các cơ quan sẽ phải sử dụng các nguồn lực thuê từ bên ngoài.
Chuyển đổi hệ thống lên đám mây cũng là một bước chuyển đổi về văn hóa của đội ngũ lãnh đạo. Cho đến nay, nhiều cơ quan vẫn đặt nặng đầu tư thiết bị phần cứng là ưu tiên khi triển khai các dự án CNTT.
Bên cạnh đó, khung pháp lý của đám mây chưa được xác định rõ rệt, đặc biệt là các quy định về việc dùng chung cơ sở hạ tầng và ứng dụng; Quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ đám mây chưa được xác định rõ ràng cũng là những rào cản lớn khi các cơ quan thực hiện chuyển đổi.
Ngoài ra, các cơ quan cũng rất quan tâm về khả năng đảm bảo an toàn bảo mật dữ liệu và bảo vệ thông tin riêng tư khi triển khi giải pháp đám mây. Do đó, trước khi thực hiện chuyển đổi, các cơ quan chính quyền cũng cần lựa chọn giải pháp công nghệ tương thích với các nền tảng đám mây chuẩn đã được đánh giá là an toàn và có chất lượng cao, và được sử dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp lớn./.