Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử

Xã hội số - Ngày đăng : 08:42, 10/04/2022

Ngày 30/12/2019, Bộ Y tế đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Bộ Y tế phiên bản 2.0. Kiến trúc Chính phủ Bộ Y tế được xây dựng căn cứ theo Khung kiến trúc CPĐT của Bộ TT&TT đã xác định các thành phần cơ bản của hệ thống y tế, bao gồm việc bổ sung các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế, bổ sung các khái niệm về Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế và bổ sung các mô hình tham chiếu. Kiến trúc đã đưa ra được khung chung nhất với đầy đủ các lĩnh vực ngành y tế.

Kiến trúc CPĐT đã nêu bật được các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của ngành y tế, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu (CSDL) mang tính tổng thể và các nguyên tắc kết nối thông qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế. Tuy nhiên, như trong phạm vi kiến trúc đã đề cập, kiến trúc CPĐT của Bộ Y tế không bao gồm các ứng dụng, CSDL, hạ tầng kỹ thuật nội bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị y tế tại các tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương.

Để phát triển toàn diện các ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế, liên thông dữ liệu y tế từ y tế cơ sở (tuyến xã, tuyến huyện), các cơ sở khám chữa bệnh (các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương) và các đơn vị liên quan khác, cần phải xây dựng kiến trúc tổng thể y tế điện tử toàn diện, có phạm vi bao phủ toàn bộ các hoạt động của ngành y tế từ trung ương tới địa phương, xác định các luồng công việc, trao đổi dữ liệu giữa các tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương, hình thành mạng dữ liệu y tế quốc gia.

Kiến trúc tổng thể y tế điện tử

Hệ thống y tế bao gồm tất cả các lĩnh vực y tế như dự phòng, khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị y tế... là một hệ thống rất lớn và phủ rộng ở tầm quốc gia cũng như trên toàn thế giới. Để vận hành hệ thống y tế quốc gia một cách hiệu quả, cần phải có một chiến lược, kế hoạch chiến lược và tầm nhìn thống nhất để có thể triển khai các khía cạnh đa dạng và phức tạp của hệ thống.

Trong thời đại số, việc liên kết giữa năng lực y tế và công nghệ thông tin (CNTT) là rất cần thiết để tối ưu hóa năng lực y tế dựa trên ứng dụng CNTT. Kiến trúc tổng thể (sau đây gọi tắt là EA hay kiến trúc) sẽ hỗ trợ ngành y tế một khung chiến lược phát triển hệ thống thông tin y tế dựa trên công nghệ, bao gồm các nội dung sau đây:

- Cấu trúc của một tổ chức dựa trên CNTT (nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng và công nghệ);

- Làm thế nào cấu trúc này và các sản phẩm CNTT liên quan có thể đáp ứng được chiến lược hiện tại và tương lai của tổ chức;

- Làm thế nào để triển khai kiến trúc một cách hiệu quả.

Kiến trúc sẽ hỗ trợ việc xác định các trạng thái hiện thời của tổ chức và các giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa hiện tại và các chiến lược mong muốn cho tương lai, tập trung vào khả năng của hệ thống thông tin y tế và CNTT để hỗ trợ chiến lược. Việc thực hiện EA sẽ cho ra các tài liệu cụ thể, các yêu cầu về quy định, các mô hình và các giải pháp CNTT, cũng như các tài liệu tham chiếu cho việc triển khai kiến trúc.

Tổ chức Y tế thế giới/Mạng lưới số liệu y tế (WHO/HMN) đã khuyến nghị kiến trúc y tế điện tử: “... cung cấp mô tả các tác nhân chính, các nhu cầu thông tin cơ bản của các tác nhân này và quy trình quản lý dữ liệu lô-gíc; các quy trình hiện tại có thể cải tiến và các quy trình mới có thể cung cấp, làm thế nào có thể triển khai và công nghệ nào cần phải có”. WHO/HMN đề xuất một khung kiến trúc cho y tế bao gồm bốn miền chính như được mô tả tại Hình 1. 

Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử - Ảnh 1.

Hình 1. Bốn miền chính của kiến trúc tổng thể cho y tế điện tử

Tại Hình 1, Miền đầu tiên đề cập đến các khía cạnh chiến lược, như mục tiêu, tầm nhìn, nguyên tắc, các biện pháp can thiệp ưu tiên và các dịch vụ được cung cấp. Miền thứ hai liên quan đến các khía cạnh vận hành, như nhu cầu thông tin, mô hình dữ liệu, thuật ngữ, các tiêu chuẩn chẩn đoán và lâm sàng. Miền thứ ba liên quan đến việc tin học hóa, như cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu, hệ thống thông tin bệnh viện, bệnh án điện tử và các giải pháp liên thông. Miền thứ tư liên quan hạ tầng kỹ thuật, như các phần cứng thích hợp, máy chủ, thiết bị mạng LAN, WAN, Internet và mạng di động.

Thuật ngữ nghiệp vụ (Business) của miền đầu tiên, mô tả cấu trúc chức năng của hệ thống y tế, đặc biệt của Bộ Y tế, cơ quan lãnh đạo của ngành y tế. Việc thực hành Kiến trúc tổng thể đề cập đến hai khái niệm chính: thứ nhất, về chiến lược, sự sắp xếp tổ chức của Bộ Y tế và luồng dữ liệu của các hệ thống thông tin y tế và thứ hai là khía cạnh CNTT và công nghệ số.

Theo cách này, Kiến trúc tổng thể đại diện cho cầu nối giữa quy trình chuyển đổi lĩnh vực y tế, bao gồm các hệ thống thông tin y tế và quá trình phát triển lâu dài của y tế điện tử, y tế số. Việc thực hành kiến trúc tổng thể, tập trung vào nhiều vấn đề CNTT, có thể đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu, chuẩn hóa các quy trình lâm sàng cũng như bệnh viện và các thuật ngữ y tế dự phòng và việc tích hợp dữ liệu và thông tin từ nhiều nguồn. 

Đối với việc nâng cao năng lực y tế, kiến trúc là cơ hội để đẩy nhanh quá trình tin học hóa và tự động hóa trong quản lý dữ liệu, bởi vì con đường chuyển từ hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử cần phải thông qua việc cải thiện tính liên thông giữa các CSDL sẵn có.

Các hệ thống thông tin ở Việt Nam hiện nay cũng chưa được tự động liên thông (như các hệ thống trong bệnh viện, các chương trình phòng chống lao, HIV-AIDS,...). Hạn chế của việc chuẩn hóa cũng cần được cải thiện thông qua EA. Hạn chế này được thể hiện thông qua việc các cơ sở y tế không có một hệ thống mã hóa thống nhất, chẳng hạn như mã định danh duy nhất (UID).

Tổ chức triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể y tế điện tử

Câu hỏi đầu tiên đặt ra trong việc triển khai kiến trúc tổng thể là ai sẽ triển khai kiến trúc. Theo kinh nghiệm đã triển khai ở các quốc gia, việc triển khai kiến trúc cần được thực hiện bởi 3 nhóm chính: (i) Bộ Y tế (Ban chỉ đạo) sẽ cung cấp hướng dẫn tổng thể cho toàn bộ quy trình; (ii) Diễn đàn tư vấn rộng rãi, bao gồm rất nhiều các đối tượng liên quan, hỗ trợ tư vấn và các thông tin chi tiết chuyên ngành; (iii) Nhóm chuyên trách bao gồm các chuyên gia và tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ các chuyên môn kỹ thuật và năng lực hoạt động cho mọi bước của quy trình.

Bộ Y tế phối hợp với các đối tượng liên quan và các đơn vị tư vấn xác định tầm nhìn, nhiệm vụ, nguyên tắc, mục tiêu và chính sách. Đây là nội dung trọng yếu nhất, quyết định sự thành công trong việc triển khai kiến trúc. Bộ Y tế cần quản trị liên tục toàn bộ quá trình thực hiện kiến trúc, bao gồm các chức năng: (1) Cung cấp định hướng cho nhóm chuyên trách; (2) Phê duyệt và chấp nhận các kết quả, tài liệu của nhóm chuyên trách; (3) Đưa ra quyết định ở các giai đoạn then chốt của quá trình và hỗ trợ giải quyết các rủi ro và xung đột; (4) Giám sát toàn bộ quá trình và phê duyệt các thay đổi đối với phạm vi và phương pháp tiếp cận (nếu cần).

Sự tham gia của các diễn đàn lớn, các bên liên quan và các nhóm tư vấn là cần thiết và cần được thiết lập ngay từ đầu của quá trình thực hiện. Những chuyên gia tham gia cần có chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau như dự phòng, điều trị, dược và các chuyên gia trong lĩnh vực hệ thống thông tin y tế và CNTT. 

Các nhóm đối tượng liên quan sẽ thực hiện: (1) Cung cấp thông tin đầu vào về tầm nhìn, nhiệm vụ và khái niệm được soạn thảo bởi nhóm chuyên trách; (2) Cung cấp các gợi ý và hiểu biết sau trong việc đánh giá tình trạng và tác động của các thay đổi trong tương lai; (3) Xem xét và phản hồi về các phát hiện, khuyến nghị và các kết quả của nhóm chuyên trách; (4) Cung cấp đầu vào cho các nền tảng và giải pháp cải tiến hệ thống thông tin y tế; (5) Hỗ trợ đầu vào cho việc xây dựng năng lực nguồn lực và giám quản CNTT.

Nhóm chuyên trách bao gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp, triển khai kỹ thuật tại mỗi bước của quy trình dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế và tư vấn của nhóm các đối tượng liên quan. Nhóm chuyên trách cần thực hiện 7 chức năng chính là: (1) Dự thảo kế hoạch và lộ trình tổng thể; (2) Rà soát các chính sách, chiến lược, quy định và hướng dẫn liên quan; (3) Tổ chức và tối ưu hóa việc tham vấn và tham gia của các bên liên quan trong quá trình; (4) Soạn thảo phiên bản đầu tiên của tầm nhìn, nhiệm vụ và các nguyên tắc chung và tinh chỉnh trong quá trình thực hiện; (5) Định nghĩa các mô hình của tập dữ liệu, đề xuất việc cải thiện luồng dữ liệu và xác định các tiêu chí liên thông, chấp nhận và chứng nhận các tiêu chuẩn; (6) Thiết kế và xác định các yếu tố cơ bản cho việc sắp xếp lại các ứng dụng phần mềm, xây dựng kho dữ liệu, định hướng việc đánh giá các mức tăng trưởng CNTT trong bệnh viện và lộ trình cho các thiết bị y tế điện tử; và (7) Hỗ trợ các giải pháp đổi mới cho trung tâm dữ liệu, bảo trì và quản lý máy chủ và thiết bị hạ tầng.

Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Xác định nghiệp vụ/chức năng 

Nội dung này sẽ xác định tầm nhìn, mục tiêu cũng như mô hình luồng dữ liệu và các yêu cầu đối với các lĩnh vực y tế khác nhau. Hình 2 sẽ chỉ ra phương pháp xây dựng tầm nhìn y tế điện tử quốc gia (dựa trên bộ công cụ WHO/ITU, 2021). Kết quả mong đợi đạt được từ bước này là:

- Dự thảo ban đầu về tầm nhìn trong việc phát triển hệ thống thông tin y tế và CNTT ở mức quốc gia trong khuôn khổ tầm nhìn y tế điện tử quốc gia;

- Hoàn thiện tài liệu tầm nhìn chiến lược hệ thống thông tin y tế và y tế điện tử,bao gồm lợi ích chiến lược đối với hệ thống y tế và so sánh cơ hội và giới hạn của quốc gia đối với các quốc gia khác;

- Xác định các thành phần cần thiết để đáp ứng cả luồng công việc và luồng dữ liệu trong hệ thống y tế;

- Xác định các khuyến nghị cho việc xây dựng năng lực và giới thiệu các công cụ cải tiến. 

Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử - Ảnh 3.

Hình 2. Phương pháp xây dựng tầm nhìn y tế điện tử quốc gia

Xây dựng tầm nhìn/nguyên tắc/mục tiêu

Sau khi xác định lộ trình và thời gian thực hiện kiến trúc và sự tham gia của các nhóm liên quan, Nhóm chuyên trách bắt đầu phân tích các ngữ cảnh trong lĩnh vực y tế. Các ngữ cảnh ở đây bao gồm:

- Đánh giá lại tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược, ưu tiên và thách thức của toàn bộ hệ thống y tế.

- Trên cơ sở việc đánh giá lại, Nhóm chuyên trách chuẩn bị các dự thảo đầu tiên về tầm nhìn và các nguyên tắc sẽ định hướng cho việc nâng cao năng lực hệ thống thông tin y tế và phát triển CNTT y tế.

- Xây dựng một mạng lưới quan hệ công việc giữa Bộ Y tế, các đơn vị trong ngành y tế và các bộ, ngành, tỉnh, thành phố để có những phân tích sâu hơn về các quy trình chăm sóc sức khỏe.

-  Dự thảo tài liệu bao gồm mô tả cơ hội và khoảng cách hiện tại trong quốc gia và so sánh với các quốc gia khác, bao gồm các bài học kinh nghiệm liên quan.

- Dự thảo tài liệu cũng bao gồm định hướng của Bộ Y tế và các tư vấn của các diễn đàn tư vấn liên quan.

Xác định trường hợp sử dụng/ quy trình công việc/ luồng dữ liệu

Trong kiến trúc, việc xác định đầy đủ các trường hợp sử dụng, quy trình công việc và luồng dữ liệu là nội dung quan trọng đảm bảo cho việc triển khai sau này được đúng và hiệu quả.

Trường hợp sử dụng là một lược đồ mô tả một tập hợp các hoạt động trên một hệ thống thực hiện bởi nhiều các tác nhân khác nhau, ví dụ như: quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ tại bệnh viện, quan hệ giữa bệnh viện và bảo hiểmytế...

Quy trình công việc và luồng dữ liệu là các lược đồ xác định mối quan hệ giữa các tổ chức, hệ thống, đối tác trong lĩnh vực y tế. Đây là đầu vào quan trọng để cải tiến các hệ thống thông tin y tế.

Xác định yêu cầu, cấu trúc tổ chức và các yếu tố thành công

Trong quá trình xây dựng kiến trúc, việc xác định yêu cầu, cấu trúc tổ chức cũng như các yếu tố thành công là phần công việc cũng cần làm rõ. Trong đó, các yêu cầu cần thiết của người sử dụng cho việc áp dụng CNTT phải được mô tả, đồng thời với cấu trúc tổ chức, các yếu tố thành công phải được xác định và cung cấp để giúp đỡ việc xây dựng chính sách.

Xác định dữ liệu, thông tin

Việc thảo luận và xác định mô hình dữ liệu là một trong những nội dung có ý nghĩa then chốt trong lĩnh vực y tế.

Ngành Y tế có rất nhiều các chỉ số, công cụ cần phải thu thập dữ liệu, cũng như có nhiều cơ chế về trách nhiệm giải trình, giám sát và đánh giá cùng tồn tại và chồng chéo với nhau. Tình trạng này gây cản trở chất lượng, tính kịp thời và đầy đủ của dữ liệu. Do vậy, mô hình dữ liệu, bao gồm các tập dữ liệu, các phần tử dữ liệu và các liên kết dữ liệu cần phải được thảo luận, quy định và chuẩn hóa một cách tập trung.

Các kết quả đầu ra mong đợi chính là: Mô hình dữ liệu; Hệ thống Mã quốc gia được triển khai theo từng giai đoạn; Từ điển dữ liệu và siêu dữ liệu; Đồng thuận và phân loại các tiêu chuẩn; Quy trình chứng nhận dữ liệu. 

Xây dựng mô hình dữ liệu, tích hợp dữ liệu

Nhóm chuyên trách không chỉ dựa vào năng lực của các thành viên trong nhóm, mà còn phải sử dụng năng lực của một số lượng lớn các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT và hệ thống thông tin y tế, cả trong lĩnh vực công và tư. Nhóm kiến trúc chủ yếu nên ban hành các nguyên tắc để phát triển mô hình dữ liệu hơn là tự phát triển các mô hình này. Nhóm kiến trúc nên tập trung vào xây dựng các định dạng tiêu chuẩn để thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu (cả ở định dạng giấy và số hóa) và chỉ ra một số phương pháp hay nhất có thể được mở rộng và nhân rộng.

Các kết quả cần đạt được bao gồm: (1) Đưa ra được bộ chỉ số quốc gia y tế; (2) Xác định được các cơ sở dữ liệu chủ chốt, các thành phần cơ bản trong cơ sở dữ liệu, quy trình/luồng dữ liệu trao đổi và cấu trúc dữ liệu cần trao đổi; (3) Xây dựng được các quy định và quy tắc liên thông dữ liệu y tế.

Việc xác định được mô hình dữ liệu và tích hợp dữ liệu sẽ giúp cho ngành y tế cải thiện được chất lượng dữ liệu y tế: Giảm trùng lặp dữ liệu; Tổng hợp được dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau; Nâng cao chất lượng dữ liệu thu thập được.

Việc tích hợp dữ liệu thường dựa trên 06 nguồn dữ liệu chính. 03 loại có nguồn gốc từ người dân và 03 loại có nguồn gốc từ cơ sở vật chất, hành chính. Các nguồn dữ liệu bao gồm: Khảo sát cộng đồng; Đăng ký khai sinh; Thống kê; Các bản ghi dịch vụ ytế; Các bản ghi hồ sơ y tế cá nhân; Các bản ghi hồ sơ các nguồn lực y tế (chi phí, nhân lực, thuốc...).

Xây dựng từ điển dữ liệu

Khi bệnh nhân được chuyển từ cơ sở y tế này sang cơ sở y tế khác, dữ liệu y tế liên quan tới bệnh nhân phải được hiểu thống nhất giữa các cơ sở y tế, do vậy cần phải có một thuật ngữ dùng chung thống nhất để các cơ sở y tế có thể hiểu chung ý nghĩa về chẩn đoán và điều trị. Vì thế, việc xây dựng và duy trì từ điển dữ liệu y tế quốc gia là rất cần thiết, bao gồm các lớp dữ liệu, thuộc tính và các mối quan hệ. Từ điển dữ liệu y tế quốc gia sẽ được chia sẻ và sử dụng chung trong các phần mềm y tế.

Ngành Y tế cần ban hành Từ điển dữ liệu của riêng mình. Đây là một trong những đầu ra cụ thể của hoạt động xây dựng Kiến trúc tổng thể. Một số từ điển dữ liệu có thể tham khảo là: “Từ điển dữ liệu và Mô hình dữ liệu” Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), Bộ Y tế Vương quốc Anh (http:// www.datadictionary.nhs.uk/, www.hscic.gov.uk/systems; Từ điển Thông tin chăm sóc sức khỏe và các hệ thống quản lý xã hội của Mỹ (Healthcare Information and Management Systems Society - HIMMS, www.himss.org).

Từ điển Siêu số liệu cũng cần được xây dựng một bản sơ bộ để kho dữ liệu có thể đi vào hoạt động, phục vụ cho việc nhập và xuất số liệu.

Phân lớp các tiêu chuẩn

Trong kiến trúc, các tiêu chuẩn được phân thành các lớp cơ bản như sau: ICD-10, HL7, LOINC, SNOMED, SMDX-HD.

ICD-10 cung cấp mã phân loại bệnh quốc tế, nguyên nhân tử vong.

Tiêu chuẩn HL7 (mới nhất là HL7 FHIR) cung cấp một khung tiêu chuẩn cho việc liên thông dữ liệu y tế. Nó cho phép trao đổi, chia sẻ, tích hợp và truy xuất bệnh án điện tử. Các tiêu chuẩn này xác định cách thông tin được đóng gói và giao tiếp giữa các hệ thống, thiết lập ngôn ngữ, cấu trúc và kiểu dữ liệu cần thiết để tích hợp hệ thống. Tiêu chuẩn HL7 hỗ trợ thực hành lâm sàng và quản lý, cung cấp và đánh giá các dịch vụ y tế. Hiện nay, Tiêu chuẩn HL7 được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới để liên thông bệnh án điện tử.

LOINC (Logical Observation Identifier Names and Codes) cung cấp một hệ thống mã phổ quát (từ vựng) dùng trong phòng thí nghiệm.

Bộ danh pháp thuật ngữ lâm sàng (SNOMED) bao gồm toàn diện các thuật ngữ lâm sàng và thuật ngữ y tế (từ vựng) cung cấp các mã, thuật ngữ, từ đồng nghĩa và định nghĩa được sử dụng trong tài liệu và báo cáo lâm sàng.

Tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu và siêu dữ liệu thống kê y tế (SMDX-HD) hỗ trợ các quy trình thống kê hiệu quả hơn trong và giữa các tổ chức cũng như cho những người sử dụng khác. 

Ứng dụng/liên thông

Việc phát triển mô hình trong lĩnh vực này sẽ góp phần tối ưu hóa việc phát triển ứng dụng trong ngành y tế. Kiến trúc tổng thể sẽ chỉ ra thiết kế và mô hình ứng dụng tối ưu trong các các miền khác nhau của y tế như chăm sóc sức khỏe, điều trị, dược, quản lý hành chính đồng thời chỉ ra các liên kết giữa các ứng dụng này. Kiến trúc cần đưa ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng quốc gia dựa trên tầm nhìn, nguyên tắc, mô hình dữ liệu và bộ dữ liệu. Một số nhiệm vụ trong nội dung này là:

- Xây dựng danh sách, thiết kế và mô hình các phần mềm ytếcơbản;

- Xây dựng kiến trúc liên thông và giao tiếp giữa các phần mềm;

- Đánh giá sự tăng trưởng và mô hình đánh giá đối với phần mềm bệnh viện;

- Xác định Mô hình kho dữ liệu và các hệ thống trung gian.

- Ứng dụng phần mềm/các thành phần tích hợp và giao diện người sử dụng

Cần xây dựng các tiêu chuẩn về dữ liệu và truyền thông phải tuân thủ cho tất cả người dùng để có được sự hiểu biết và diễn giải chung về dữ liệu, đặc biệt là các giao thức truyền để đảm bảo rằng dữ liệu là nguyên vẹn. Các “định dạng” thu thập và lưu trữ dữ liệu cơ bản đang tồn tại được mô tả tại Hình 3.

Việc đánh giá phát triển ứng dụng bệnh viện có thể theo các tiêu chuẩn sau: dựa trên kiến trúc tổng thể; dựa trên mô hình năng lực trưởng thành (CMM); mô hình trưởng thành về khả năng tương tác y tế điện tử Úc; mô hình được phát triển bởi Hiệp hội quản lý và chăm sóc sức khỏe HIMSS (hiện Việt Nam đang đi theo hướng này).

Xác định các thành phần dịch vụ, trao đổi thông tin, các lớp trung gian

Nhóm chuyên trách sẽ có trách nhiệm phân loại ở mức quốc gia của tất cả các phần mềm và hệ thống thông tin đang được sử dụng. Các phân nhóm phần mềm có thể bao gồm Nhóm điều trị và dự phòng, như các hệ thống khám chữa bệnh từ xa và giám sát dịch bệnh; nhóm hỗ trợ, bao gồm nhân lực, tài chính, hậu cần và dược phẩm. Việc phân loại bao gồm xác định, đánh giá các dịch vụ cung cấp, người dùng liên quan, tình trạng hiện tại, khả năng bảo trì, cải tiến và nâng cấp các dịch vụ trong tương lai.

Nhóm chuyên trách cũng cần xác định nhu cầu các dữ liệu tổng hợp và dữ liệu cần tích hợp, từ đó xác định các phần mềm lưu trữ dữ liệu tổng hợp như kho dữ liệu hay các lớp trung gian như các phần mềm thu thập dữ liệu hay tích hợp dữ liệu. 

Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử - Ảnh 4.

Hình 3. Các “định dạng” thu thập và lưu trữ dữ liệu cơ bản

Các tiêu chuẩn về liên thông dữ liệu cần được phát triển cho các loại định dạng thu thập dữ liệu. Ngoài ra, để liên thông các ứng dụng sẵn có, cần thiết kế hoặc trợ giúp thiết kế để xây dựng các giao diện cho phép ứng dụng có thể trao đổi dữ liệu. 

Việc đánh giá phát triển ứng dụng bệnh viện có thể theo các tiêu chuẩn sau: dựa trên kiến trúc tổng thể; dựa trên mô hình năng lực trưởng thành (CMM); mô hình trưởng thành về khả năng tương tác y tế điện tử Úc; mô hình được phát triển bởi Hiệp hội quản lý và chăm sóc sức khỏe HIMSS (hiện Việt Nam đang đi theo hướng này).

Xác định các thành phần dịch vụ, trao đổi thông tin, các lớp trung gian

Nhóm chuyên trách sẽ có trách nhiệm phân loại ở mức quốc gia của tất cả các phần mềm và hệ thống thông tin đang được sử dụng. Các phân nhóm phần mềm có thể bao gồm Nhóm điều trị và dự phòng, như các hệ thống khám chữa bệnh từ xa và giám sát dịch bệnh; nhóm hỗ trợ, bao gồm nhân lực, tài chính, hậu cần và dược phẩm. Việc phân loại bao gồm xác định, đánh giá các dịch vụ cung cấp, người dùng liên quan, tình trạng hiện tại, khả năng bảo trì, cải tiến và nâng cấp các dịch vụ trong tương lai.

Nhóm chuyên trách cũng cần xác định nhu cầu các dữ liệu tổng hợp và dữ liệu cần tích hợp, từ đó xác định các phần mềm lưu trữ dữ liệu tổng hợp như kho dữ liệu hay các lớp trung gian như các phần mềm thu thập dữ liệu hay tích hợp dữ liệu. 

Một số đề xuất cho việc phát triển kho dữ liệu y tế bao gồm: được thiết kế theo mô hình 3 lớp; có thể làm việc online hay offline; có tính mô đun hóa và khả năng mở rộng, linh hoạt trong việc tích hợp với các CSDL khác; có giao diện thân thiện với người sử dụng; thích ứng ngôn ngữ tiếng Việt; có khả năng triển khai trên thiết bị di động; ưu tiên mã nguồn mở.

Xác định các ứng dụng chủ yếu

Các ứng dụng sau đây được coi là những thành phần quan trọng không thể thiếu trong kiến trúc tổng thể y tế Quốc gia:

Bệnh án điện tử - Electronic Medical Record (EMR): hệ thống phần mềm được sử dụng để thay thế cho Bệnh án giấy truyền thống trong quản lý thông tin bệnh nhân, kết quả lâm sàng, xét nghiệm, phác đồ điều trị, đơn thuốc trong Bệnh viện.

Hồ sơ sức khỏe điện tử - Electronic Health Record (EHR):

hệ thống thông tin nhằm số hóa những hồ sơ y tế, hỗ trợ việc thu thập, lưu trữ, truy cập và chia sẻ thông tin tóm tắt của người bệnh giữa các cơ sở/tổ chức khám chữa bệnh, cơ sở/tổ chức y tế và những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. EHR được phát triển nhằm mục tiêu chia sẻ những thông tin liên quan đến một người bệnh giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế,...EHR có thể được coi là hạt nhân trong chiến lược eHealth quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin y tế.

Danh mục mã số bệnh nhân – Master Patient Index (MPI): bảng danh mục xác định mã số bệnh nhân quốc gia duy nhất, có vai trò tối quan trọng trong việc tổ chức hệ thống chia sẻ dữ liệu hồ sơ y tế trong vùng hay rộng khắp trên toàn quốc gia.

Tele-medicine/telehealth: cung cấp các phương tiện hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe từ xa một cách an toàn và hiệu quả.

Đội ngũ chăm sóc sức khỏe “ảo” (Virtual healthcare team): Bao gồm những nhân viên y tế luôn theo sát và chia sẻ thông tin với bệnh nhân thông qua các phương tiện Công nghệ thông tin và truyền thông.

Các hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh: hệ thống quản lý, theo dõi và cảnh bảo tình hình dịch bệnh theo từng tuyến, bao gồm các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.

Thư viện tri thức về y tế (Health Knowledge Informatics):

hệ thống thông tin cung cấp nguồn tri thức về y tế, hỗ trợ việc quản lý và cung cấp các hình thức truy cập thông tin tin cậy cho các cá nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hệ thống cũng cho phép hỗ trợ cho các nhân viên trong ngành y tế (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ...) cập nhật các kiến thức chuyên môn về y học và thuốc từ thư viện điện tử chuyên môn.

Hệ thống Quản lý thông tin y tế (Health Management Information System): hệ thống hỗ trợ thu thập, chọn lọc, phân tích và tổng hợp dữ liệu từ các nguồn thông tin khác nhau nhằm đưa ra các báo cáo hiện trạng và khuynh hướng y tế của từng vùng hoặc của toàn quốc (xu hướng bệnh tật, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh,...). Quốc gia nên triển khai hệ thống thông tin y tế ở các cấp vùng, tỉnh, quốc gia nhằm hỗ trợ/phục vụ cho các chương trình bệnh tật, phát triển chính sách, hỗ trợ ra quyết định, quản lý dịch vụ y tế, kiểm soát được các nguy cơ tiềm ẩn và phân bổ tốt hơn các nguồn lực y tế.

Kho dữ liệu (Data Warehouse): Giải pháp tích hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau nhằm phân tích, tổng hợp và đưa ra báo cáo theo nhiều tiêu chí phục vụ các đối tượng khác nhau (nhà quản lý & hoạch định chính sách, cơ sở khám chữa bệnh, cộng đồng).

Xác định công nghệ, cấu hình

Máy chủ/thiết bị: Đảm bảo máy chủ và các thiết bị lưu trữ tốt nhất cho việc triển khai ứng dụng và dữ liệu y tế; Xác định các dịch vụ phát triển ứng dụng và ngôn ngữ lập trình; So sánh, đánh giá các ứng dụng phần mềm mã nguồn mở với các giải pháp bản quyền; Đánh giá được tính bền vững

trong trung và dài hạn của việc duy trì ứng dụng CNTT, thuê ngoài; Xác định Phần cứng và loại hệ thống máy tính để bàn cho người dùng đầu cuối;

Cấu hình mạng và truyền thông: Đánh giá cơ sở hạ tầng CNTT hiện có, chẳng hạn như mô hình mạng LAN, WAN và Internet theo mức độ chăm sóc sức khỏe; Xác định quyền hạn, giới hạn truy cập mạng LAN, WAN cho một số khu vực; Nghiên cứu, triển khai mạng riêng phục vụ y tế công cộng; Nghiên cứu phát triển mạng di động trong y tế.

Hạ tầng cơ sở dữ liệu/lưu trữ/an toàn thông tin/liên thông: Đánh giá các CSDL chính đang được sử dụng và khả năng kết nối hiện tại và tiềm năng của nó; đề xuất phát triển và tích hợp các cơ sở dữ liệu y tế; Đóng góp vào việc xây dựng chính sách bảo mật dữ liệu và các quy tắc bảo mật của hồ sơ y tế; Thúc đẩy tích hợp và chuyển đổi dữ liệu, cũng như giao diện phần mềm trung gian và khả năng tương tác; Xác định mô hình kho dữ liệu, vị trí và kết nối với các nguồn dữ liệu khác nhau.

Chuyển đổi số y tế: Xây dựng khung kiến trúc tổng thể y tế điện tử - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: healthtechrich)

Kết luận

Triển khai thực hành kiến trúc sẽ đóng góp cho quá trình chuyển đổi lĩnh vực y tế, thông qua các kết quả đạt được là: (i) Cải thiện luồng thông tin trong lĩnh vực y tế và (ii) Cải thiện việc truy cập số đối với thông tin và dịch vụ y tế.

Việc chuyển đổi lĩnh vực y tế yêu cầu việc lập kế hoạch, quản lý, giám sát và đánh giá tốt hơn, cung cấp chất lượng tốt hơn trong các bệnh viện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm chi chí. Những cải tiến trong các lĩnh vực y tế khác nhau sẽ tăng tốc hiệu quả của các hệ thống tổng thể. Ngoài việc phát triển các hệ thống thông tin y tế, còn cần phải đầu tư nâng cao trình độ của cán bộ y tế trong việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý các hệ thống thông tin y tế.

Ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, giảm nghèo và kiểm soát các bệnh mãn tính, giám sát dịch bệnh và các thách thức khác. Việc thực hành kiến trúc sẽ tạo ra một môi trường phát triển CNTT tốt hơCn theo tiêu chuẩn và mô hình, từ đó hỗ trợ một chiến lược phát triển hiệu quả của ngành y tế dựa trên CNTT và số hóa.

Tài liệu tham khảo:

1. Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế phiên bản 2.0 (Quyết địnhsố6085/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

2. WHO,"GlobalObservatoryforeHealth", https://www.who.int/observatories/global- observatory-for-ehealth.

3.https://www.asiaehealthinformationnetwork.org (AsianeHealthInformationNetwork)

4. https://ohie.org (Open health information Exchange - OpenHIE).

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2022)

Thành An, Đại học Đại Nam