Giám sát cải cách quy định kinh doanh bằng công cụ số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:57, 09/04/2022
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) - Văn phòng Chính phủ (VPCP) Ngô Hải Phan nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả CSDL và CTV quy định kinh doanh" do VPCP tổ chức ngày 8/4 tại Quảng Ninh.
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai thiết lập Hệ thống CSDL và CTV quy định kinh doanh.
Đây là công cụ quan trọng phục vụ cải cách quy định kinh doanh, nhằm bảo đảm cập nhật, công khai thường xuyên, chính xác và đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) phương tiện rà soát, đề xuất phương án cải cách quy định kinh doanh, tham vấn phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
CSDL và CTV quy định kinh doanh vận hành chính thức vào cuối tháng 4
Theo ông Ngô Hải Phan, thời gian qua, VPCP đã hướng dẫn các bộ, cơ quan cập nhật dữ liệu trên CSDL và CTV quy định kinh doanh. Tính đến ngày 6/4/2022, có 751 tài khoản của các bộ, cơ quan đăng ký, phân quyền sử dụng CSDL và CTV quy định kinh doanh; đã có hơn 7.171 quy định (TTHC, kiểm tra chuyên ngành, chế độ báo cáo, tiêu chuẩn quy chuẩn, yêu cầu điều kiện…) được cập nhật trên Hệ thống.
VPCP sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đưa CSDL và CTV quy định kinh doanh vận hành chính thức vào cuối tháng 4 này.
CSDL và CTV quy định kinh doanh có hai hợp phần quan trọng, gồm: Hợp phần quản trị phục vụ các bộ, ngành, cơ quan cập nhật, quản lý các quy định kinh doanh và hợp phần công khai để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) tìm kiếm, tra cứu các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); các bộ, ngành, cơ quan lấy ý kiến tham vấn công chúng hiệu quả, thu hút các ý kiến hữu ích của người dân, DN, hiệp hội trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan.
Theo ông Ngô Hải Phan, CSDL và CTV quy định kinh doanh thể hiện một cách trực quan hệ thống các quy định kinh doanh hiện hành dưới dạng biểu đồ tương tác; thể hiện được các điểm nghẽn, gánh nặng mà các DN đang phải chịu trong quá trình hoạt động SXKD, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan nắm được và có các chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Trong quá trình thử nghiệm, đã có hơn 7.000 quy định được cập nhật trên Hệ thống, nhưng số lượng như vậy còn thiếu và chất lượng cũng chưa tốt. Do đó, VPCP đã có công văn gửi các bộ ngành, cơ quan về vấn đề này.
Cục trưởng Ngô Hải Phan cho biết thêm, các quốc gia trên thế giới hiện nay đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật số để phục vụ cho cải cách các quy định kinh doanh. Mục tiêu chúng ta đặt ra là bộ công cụ này tiếp cận gần với quốc tế và hướng tới chuẩn OECD.
Hoàn thiện các công cụ kỹ thuật số giám sát, đánh giá chất lượng cải cách quy định kinh doanh
Theo TS. Nguyễn Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã có sự chuyển biến về tư duy của cơ quan QLNN trong thực hiện Nghị quyết 68 khi bước đầu thống kê, cập nhật từng quy định kinh doanh của văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2021, các bộ, ngành đã thống kê tổng số 6.460 quy định kinh doanh hiện hành. Chi phí tuân thủ quy định hiện hành các bộ, ngành thống kê khoảng 137.332 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đức Anh cho rằng, VPCP cần hoàn thiện các công cụ kỹ thuật số phân tích dữ liệu, giám sát, đánh giá chất lượng cải cách quy định kinh doanh và thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công; Thực hiện các nghiên cứu, rà soát, đưa ra khuyến nghị độc lập đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đặc biệt là những quy định có nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía DN, người dân; Theo dõi, đánh giá kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và việc thực hiện TTHC tại bộ, ngành, địa phương...
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ứng dụng giải pháp kỹ thuật số trong quy định kinh doanh, TS.Đặng Quang Vinh, chuyên gia cải cách thể chế cho rằng, lợi ích mà công nghệ số đem lại là rất lớn và Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh.
Đơn cử như trong tham vấn phục vụ cải cách quy định, tại Singapore, Hệ thống REACH được vận hành từ 2006. Tại đây, các bộ và cơ quan Chính phủ Singapore sẽ đăng tải các dự thảo chính sách để lắng nghe quan điểm người dân, DN nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai chính sách khi ban hành.
REACH cũng tổng hợp và đánh giá hiệu quả xây dựng chính sách; tiếp cận và thu hút ý kiến công dân; thúc đẩy công dân tích cực tham gia hoạt động quản lý trên môi trường điện tử. Đồng thời có tính năng diễn đàn thảo luận trực tuyến, toạ đàm nhóm trực tuyến, trang cá nhân, tham vấn điện tử, khảo sát điện tử, tiện ích đọc-nghe. Các dự thảo chính sách được cập nhật kịp thời, sinh động, hấp dẫn và kết quả tiếp thu, giải trình của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả ý kiến của công dân được biên tập và công bố trên hệ thống REACH.
TS. Đặng Quang Vinh kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về TTHC và giấy phép dựa trên CSDL quốc gia về TTHC và CSDL về quy định kinh doanh để DN hiểu rõ hơn về các quy định và hỗ trợ việc tuân thủ các quy định.
Đồng thời, áp dụng giải pháp phân tích văn bản để xác định các quy định lỗi thời và chồng chéo nhằm đơn giản hóa kho quy định bằng cách sử dụng CSDL quốc gia về TTHC, CSDL về quy định kinh doanh và các nguồn dữ liệu khác; Cung cấp dịch vụ thông báo về các quy định mới của DN để DN hiểu và tuân thủ các quy định dựa trên CSDL về Quy chế kinh doanh.../.