Hiện đại hóa ứng dụng doanh nghiệp: Xu hướng và lợi ích
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:59, 30/03/2022
Sức mạnh của CĐS chính là việc tối ưu hóa hoạt động, mở rộng mạnh mẽ khả năng tiếp cận với tệp người dùng đa dạng khác nhau.
CĐS được các DN đẩy mạnh trong các mô hình kinh doanh mới và cả những mô hình kinh doanh truyền thống nhằm chuyển đổi các quy trình sản xuất cũng như quy trình kinh doanh, và thậm chí thay đổi cả mô hình tổ chức của DN bằng cách cải thiện hệ thống, ứng dụng hiện có nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hay phát triển những ứng dụng mới để có thể mang lại sự tương tác tốt nhất với khách hàng và đối tác của DN.
Xu hướng hiện đại hóa các ứng dụng DN
Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Hiện đại hóa ứng dụng với Microsoft Azure", ông Đinh Tuấn Việt, Chuyên gia tư vấn giải pháp Azure Microsoft Australia cho biết, về mặt bản chất, hiện đại hóa ứng dụng DN sẽ xoay quanh một số các xu hướng phổ biến nhất định.
Xu hướng đầu tiên ông Đinh Tuấn Việt đề cập đến đó là hiện đại hóa dựa trên hệ thống hiện có. Theo đó, khi DN đang có sẵn một hệ thống hoặc ứng dụng nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu của DN và chưa đem lại được những hiệu quả mong muốn cũng như trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Từ thực tế đó, DN muốn nâng cấp và mở rộng thêm những tính năng cho ứng dụng và hệ thống hiện tại bằng cách đưa hệ thống đó lên đám mây (cloud) để có khả năng đáp ứng thêm nhiều người dùng và cải thiện được hiệu quả cao hơn.
Xu hướng thứ hai là xây dựng và phát triển một ứng dụng hoàn toàn mới trên đám mây. Trên thực tế, một số ứng dụng chỉ hoạt động và phát triển trên đám mây mới có thể mang lại khả năng mở rộng quy mô toàn cầu và kết nối được đến nhiều các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Và những ứng dụng được phát triển trên đám mây có thể tận dụng được tối đa những lợi thế mạnh mẽ của điện toán đám mây với những tính năng liên quan đến mở rộng tài nguyên, đến những dịch vụ đặc thù chỉ có trên môi trường đám mây.
Xu hướng thứ ba là tận dụng khả năng của các công nghệ như Power apps (bộ ứng dụng, dịch vụ và trình kết nối, cũng như nền tảng dữ liệu, cung cấp môi trường phát triển nhanh chóng để xây dựng các ứng dụng tùy chỉnh cho nhu cầu kinh doanh của DN), công nghệ low-code/no code (không cần viết mã), từ đó có thể tận dụng được những kỹ năng của người dùng nghiệp vụ vì thực tế người dùng nghiệp vụ là những người hiểu rõ nhất những vấn đề cần giải quyết nhất của DN.
Cuối cùng, với bất kỳ xu hướng hiện đại hóa ứng dụng DN nào thì điều quan trọng cần phải có đó là một quy trình chuẩn. Khi đã có một khung tiêu chuẩn để quy chiếu thì DN có thể dễ dàng xác định được các phương pháp tiếp cận để cải thiện hệ thống hay xây dựng ứng dụng mới một cách hiệu quả và phù hợp với DN của mình.
Cùng với đó, bảo mật cũng là một vấn đề quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa hệ thống, ứng dụng của DN. Một hệ thống muốn hoạt động hiệu quả thì nó cũng cần phải được đảm bảo an toàn trước mọi nguy cơ và rủi ro từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Liên quan đến vấn đề bảo mật, ông Đinh Tuấn Việt cho biết, Microsoft Azure hiện có hơn 90 các chứng chỉ bảo mật và một bộ giải pháp bảo mật có thể hỗ trợ các DN có một khung tiêu chuẩn nhằm chống thất thoát dữ liệu cũng như chống bị xâm nhập từ bên ngoài khi nâng cấp và phát triển các ứng dụng mới.
Lợi ích khi DN chuyển đổi hệ thống lên đám mây
Đưa hệ thống lên đám mây là một xu hướng tất yếu của các DN muốn chuyển đổi mạnh mẽ trong hoạt động quản lý cũng như kinh doanh. Việc hiện đại hóa các ứng dụng hiện có hoặc phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng đám mây sẽ giúp cho DN giải phóng sức mạnh và phát huy được hiệu quả lợi thế của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc tư vấn giải pháp Khối CĐS toàn cầu FPT Software, với việc hiện đại hóa các ứng dụng bằng cách di chuyển lên đám mây sẽ giúp ứng dụng hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn với tốc độ ứng dụng nhanh hơn và đem lại trải nghiệm cho người dùng tốt hơn.
Theo đó, di chuyển hệ thống lên đám mây sẽ thực hiện được nhu cầu mở rộng cho toàn bộ hạ tầng, có thể nâng cấp thêm các tính năng, chức năng mới cho các ứng dụng sẵn có hay phát triển các ứng dụng mới cũng dễ dàng hơn, đồng thời cung cấp những năng lực tính toán hiệu quả cho các hệ thống máy chủ.
Hoạt động trên đám mây, hệ thống sẽ không bị gián đoạn, không xảy ra hiện tượng bị mất điện đột ngột trong quá trình làm việc hoặc vì lý do gì đó mà hệ thống tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện nay các nhà cung cấp nền tảng dưới dạng dịch vụ như Microsoft Azure sẽ cho phép các DN thực hiện việc tích hợp các dịch vụ dễ dàng hơn, do đó việc quản trị các hệ thống CNTT cũng trở nên đơn giản hơn đối với các DN.
Hiện nay, hầu hết các ứng dụng của DN sẽ hoạt động ở dạng microservice, với các nhóm làm việc thực tế phân tán trên nhiều khu vực địa lý khác nhau. Việc triển khai ứng dụng trên đám mây có thể tận dụng các tính năng sẵn có của các nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng như Microsoft Azure để kết nối và tập trung các nhóm làm việc với nhau, từ đó giúp tăng năng suất công việc của nhân viên nói chung và các lập trình viên nói riêng cũng như đảm bảo tính liên tục các nghiệp vụ kinh doanh của DN.
Đặc biệt, đối với vấn đề phục hồi sau thảm họa và sự cố, khi hệ thống được lưu trữ trên đám mây, các DN có thể hoàn toàn yên tâm khi các trung tâm dữ liệu và trung tâm dự phòng thảm họa đều được tính toán và dự phòng kỹ lưỡng.
Ngoài ra, chi phí vận hành ứng dụng trên đám mây cũng giảm thiểu một cách đáng kể vì hầu hết chi phí hoạt động được quy về cho đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây. DN chỉ phải trả chi phí cho những gì DN sử dụng.
Đối với các hệ thống tại chỗ, DN sẽ phải đầu tư một khoản cố định như chi phí mua sắm hệ thống máy chủ, chi phí cho bản quyền phần mềm… thì với hình thức sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp nền tảng dưới dạng dịch vụ, DN chỉ phải trả tiền cho chi phí sử dụng nền tảng cho nhà cung cấp với mức chi phí phù hợp.
Cuối cùng là vấn đề bảo mật. Hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây, vấn đề bảo mật sẽ được những DN này đảm bảo một cách an toàn và chuyên nghiệp hơn nhiều so với hệ thống bảo mật của DN./.