Học bạ giấy thời 4.0

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:22, 28/03/2022

Con trai học đến lớp ba, tôi vẫn chưa một lần nhìn thấy sổ học bạ giấy.

Khi tôi chuyển công tác sang Singapore, một trong những chuẩn bị quan trọng là tìm trường mới cho con. Ban đầu, tôi cũng lo lắng về thủ tục chuyển trường từ Việt Nam sang Singapore, liên quan đến việc xác minh quá trình học.

Tuy nhiên, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, thủ tục đơn giản. Tôi chỉ cần chụp ảnh màn hình bảng điểm của học kỳ hiện tại và năm học trước đó để gửi cho trường mới cùng các giấy tờ khác. Sau khi trường đồng ý nhận học sinh, tôi liên hệ với trường cũ để xin bản scan bảng điểm của con. Toàn bộ giấy tờ cần thiết để nhập học đều được gửi qua email, tôi không phải về trường cũ lẫn tới trường mới.

Con của chị gái tôi cũng nhiều lần chuyển trường giữa các tỉnh thành ở Việt Nam theo công việc của mẹ. Mỗi lần như vậy, gia đình thường phải đi lại nhiều lần để rút học bạ giấy ở trường cũ và nộp vào trường mới. Trường học đã có học bạ điện tử, nhưng khi chuyển, vẫn cần học bạ giấy.

Là người làm công nghệ, tôi hiểu bất cập trên đến từ việc triển khai không đồng bộ hệ thống học bạ điện tử tại các tỉnh, thành phố khác nhau trên cả nước. Trường này không thể xác minh thông tin học bạ của trường khác khiến cho phụ huynh phải đi lại, nộp nhiều giấy tờ.

Nếu thông tin trên học bạ điện tử không sử dụng được cho những trường hợp như chuyển trường thì một trong những chức năng quan trọng nhất của học bạ đã bị tước mất.

Khi các trường học buộc phải đóng cửa vì ảnh hưởng Covid, tôi chứng kiến sự thay đổi lớn trong ngành giáo dục. Những học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 đã theo các thầy cô đi lên điện toán đám mây để vào các lớp học trực tuyến. Những đứa trẻ chữ viết còn nguệch ngoạc mà đã gõ phím thuần thục, tương tác với thầy cô qua laptop, điện thoại, không khác gì các buổi họp trực tuyến của một công ty đa quốc gia. Điều đó hứa hẹn Việt Nam sẽ có một thế hệ được tiếp cận công nghệ thông tin sớm, không kém bất kỳ quốc gia nào.

Nhờ Covid mà tốc độ ứng dụng công nghệ trong ngành giáo dục tăng gấp nhiều lần, theo cả khía cạnh đầu tư công nghệ lẫn sự thích ứng của thầy và trò. Những quyết định đúng sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách với thế giới nhiều năm. Ngược lại, mỗi một quyết sách bất cập cũng sẽ làm chúng ta chệch khỏi đường ray và mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Việc đầu tư học bạ điện tử không đồng bộ là một ví dụ.

Khi xây dựng một hệ thống thông tin, dù ở quy mô doanh nghiệp, thành phố hay quốc gia chúng tôi luôn xem xét, đánh giá trên quy tắc bốn chữ A. Chữ A đầu tiên, Available, là tính sẵn sàng khả dụng, sẵn có của dữ liệu. Chữ A thứ hai, Accurate, là tính chính xác của dữ liệu. Chữ A thứ ba, Accessible, là khả năng truy xuất được dữ liệu khi cần. Chữ A thứ tư, Actionable, là khả năng giúp đưa ra các quyết định điều hành dựa trên phân tích dữ liệu.

Như vậy khi triển khai thiếu đồng bộ, hệ thống học bạ điện tử sẽ gây ra những bất cập sau: Dữ liệu có tồn tại nhưng không đánh giá được tính chính xác do các hệ thống rời rạc; Không thể truy cập trong một số trường hợp; Không giúp cơ quan quản lý đưa ra quyết định vì không có dữ liệu tập trung.

Đó là chưa kể, hệ thống dữ liệu sổ điểm điện tử không được quản lý tập trung sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn trước nguy cơ bị tấn công hệ thống hoặc kẻ xấu chỉnh sửa điểm một cách trái phép.

Có ba khía cạnh cần xem xét đầy đủ khi triển khai một hệ thống công nghệ thông tin, gồm: Công nghệ, Con người và Quy trình. Về mặt công nghệ, các hệ thống học bạ điện tử đã đáp ứng một phần, bằng chứng là đã có những địa phương triển khai rất ổn định. Về mặt con người, các giáo viên đã được đào tạo và tập huấn đầy đủ. Tuy nhiên, yếu tố cuối cùng là quy trình có vẻ đang không theo kịp hai yếu tố trước đó.

Công nghệ đáng lẽ sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt công việc giấy tờ cho giáo viên để họ chuyên tâm vào hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều nghịch lý vẫn tồn tại. Ví dụ, trong khi các kỳ thi được tiến hành trực tuyến, cập nhật điểm số vào hệ thống, giáo viên lại vẫn phải ghi điểm vào sổ giấy, sau đó nhập ngược trở lại hệ thống. Đây là một quy trình rất rối rắm; xảy ra do thiếu ý chí triển khai quyết liệt và bàn tay tổ chức khoa học.

Giải pháp cho vấn đề này là Bộ giáo dục cần xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu toàn ngành một cách tập trung, đảm bảo an toàn và an ninh; tổ chức đồng bộ và có tính liên thông trên cả nước, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Ngành giáo dục thường ứng dụng công nghệ thông tin chậm hơn các lĩnh vực khác như Ngân hàng tài chính hay Viễn thông. Nhưng, như một cơ hội trong thách thức, thầy trò hậu Covid-19 đã có thể gõ phím, vào các lớp học trực tuyến thành thạo.

Đừng để những thứ lạc hậu như cuốn sổ học bạ giấy hay các thủ tục rườm rà kìm lại đà phát triển của họ.

Lê Văn Thành, Kiến trúc sư giải pháp, Google