Hiệu quả từ chuyển đổi số tại điện lực Vĩnh Phúc

Xã hội số - Ngày đăng : 21:19, 28/03/2022

Hiện nay, Điện lực Vĩnh Phúc chỉ đứng sau các công ty viễn thông về chuyển đổi số. Hàng loạt công nghệ mới được Công ty này áp dụng tạo ra hiệu quả rất cao đối với công tác quản lý vận hành lưới điện và sản xuất kinh doanh.

Việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa, các trạm biến áp 110kV không người trực, các thiết bị kiểm tra hệ thống điện từ xa, văn phòng số, công tơ điện tử, thanh toán trực tuyến và các phần mềm góp phần cải thiện nhiều chỉ số chăm sóc khách hàng, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian cho Công ty.

Đội ngũ nhân viên thích ứng với chuyển đổi số

Để cải thiện các chỉ số đánh giá độ tin cậy cung cấp điện và tiếp cận điện năng, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022. Tất cả cán bộ, công nhân viên đều được đào tạo về chuyển đổi số.

Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên trang web của Công ty thường xuyên cập nhật thông tin về kết quả chuyển đổi số của từng đơn vị, phòng, ban. Nhân viên Công ty đang trở thành những công nhân kỹ thuật cao, những lao động công nghệ vừa làm vừa học để thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Hiệu quả từ chuyển đổi số tại điện lực Vĩnh Phúc - Ảnh 2.

Nhân viên Điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra các trạm biến áp 110kV không người trực.

Trung tâm điều khiển xa của Điện lực Vĩnh Phúc là một căn phòng với rất nhiều màn hình lớn nhỏ và rất ít nhân viên. Từ đây họ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển xa không người trực đối với 8 trạm biến áp 110kV. Nhân viên Công ty có thể thực hiện đóng cắt điện trên phạm vi toàn tỉnh mà không cần phải đến tận nơi như trước. Nhờ hệ thống viễn thông dùng riêng 728km cáp quang, Điện lực Vĩnh Phúc có thể bảo đảm kênh truyền cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động liên quan đến tự động hóa trạm không người trực, đóng cắt lưới của hệ thống lưới trung áp.

Bên cạnh đó, Công ty tăng cường đầu tư củng cố, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đồng thời triển khai chuyển đổi số ở một số lĩnh vực khác như tài chính-kế toán, kinh doanh-chăm sóc khách hàng, kiểm tra-giám sát, kỹ thuật vận hành-an toàn, công tác văn phòng, quản lý máy biến áp và quản lý dự án. Nhiều trang thiết bị hiện đại được cung cấp cho các đơn vị như thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ PD, máy ảnh đo nhiệt tầm xa, thiết bị bay không người lái flycam để phục vụ công tác quản lý vận hành.

Thực tế sử dụng các trang thiết bị hiện đại tại Điện lực Tam Đảo cho thấy, chúng giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý và vận hành lưới điện tại khu vực có địa hình đồi núi. Giám đốc Điện lực Tam Đảo Hoàng Văn Vũ khẳng định: Nhân viên Điện lực Tam Đảo có thể vận hành thiết bị bay không người lái cung cấp hình ảnh chính xác, từ đó xử lý kịp thời nguy cơ hư hỏng, ngăn ngừa sự cố điện. Tam Đảo đang đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho các khu du lịch.

Điện lực Vĩnh Phúc cũng áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline) cho phép thực hiện sửa chữa trên lưới điện mà không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng. Đây là kỹ thuật khó song đã được nhân viên Công ty thực hành thuần thục. Điều này được minh chứng tại Điện lực Bình Xuyên, đơn vị đang gánh hơn 30% lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Ông Lưu Văn Thuyên, Giám đốc Điện lực Bình Xuyên cho biết: Các khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng lượng điện năng rất lớn và yêu cầu đối với ngành Điện ngày càng cao. Nếu không ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số, sử dụng các phần mềm thì 48 nhân viên của đơn vị không thể xử lý được khối lượng công việc lớn như thế. Nhân viên Điện lực Bình Xuyên đều sử dụng thành thạo iPad, camera nhiệt và các phần mềm để nhập thông số kỹ thuật.

Nhờ các ứng dụng trên, tổn thất điện năng năm 2021 của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc giảm xuống còn 2,7%. Chỉ số tiếp cận điện năng liên tục được cải thiện, còn 4,51 ngày. Thời gian phục hồi cấp điện trở lại sau sự cố còn 1,17 giờ. Thời gian thay thế thiết bị đóng cắt trong 1 ngày và thời gian lắp công tơ cấp điện mới không quá 2,05 ngày.

Cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp điện

Tính đến tháng 3/2021, Điện lực Vĩnh Phúc đã lắp đặt 115.000 nghìn công tơ điện tử thu thập chỉ số từ xa, chiếm 50,3% tổng số công tơ bán điện. Dữ liệu từ công tơ điện tử được thu thập và truyền về trung tâm qua các bộ tập trung và chuyển máy chủ lưu trữ. Nhân viên điện lực có thể đo đếm thu thập dữ liệu từ xa làm cơ sở để tính hóa đơn tiền điện. Người dân cũng có thể nắm bắt số liệu công tơ gia đình theo từng thời điểm trong ngày. Đối với hơn 113.000 công tơ cơ khí, điện tử không đo xa, nhân viên điện lực sử dụng thiết bị máy tính bảng để ghi chỉ số.

Hiệu quả từ chuyển đổi số tại điện lực Vĩnh Phúc - Ảnh 3.

Nhân viên Điện lực Vĩnh Yên duy tu, bảo dưỡng trạm biến áp.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty tăng cường hướng dẫn khách hàng sử dụng hình thức thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến qua ứng dụng điện thoại, website chăm sóc khách hàng, Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, Công ty quản lý bán điện cho 228.947 khách hàng, tất cả các hợp đồng mua bán điện đều được số hóa.

Qua khảo sát, đến hết năm 2021, có 70,56% khách hàng của Điện lực Vĩnh Phúc sử dụng ứng dụng Zalo. Công ty đã thực hiện nhắn hơn 7,2 triệu lượt tin nhắn đến khách hàng. Đồng thời thực hiện hỗ trợ 11.717 khách hàng qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp dịch vụ điện cho 18.697 lượt khách hàng theo phương thức điện tử. So với năm 2020, toàn tỉnh giảm 223 vụ sự cố điện. Chỉ số hài lòng của người dân đối với ngành điện được cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết: Việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới giúp ích rất nhiều cho công việc quản trị, điều hành lưới điện, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong công cuộc chuyển đổi số. Những tiện ích mới giúp ngành điện điều hành lưới điện thông suốt, chính xác, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong bối cảnh tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Thời gian tới, Điện lực Vĩnh Phúc sẽ tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ thông tin ở tất cả các lĩnh vực, phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của tỉnh.

HÀ HỒNG HÀ