Các xu hướng của xuất bản mới
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 06:45, 27/03/2022
Các nhà xuất bản (NXB) nhỏ sẽ tập trung vào việc mài giũa thị trường ngách
Xuất bản điện tử đang được xem là thị trường ngách khá tiềm năng cho các NXB đầu tư. Theo thống kê mới đây nhất, tổng doanh thu của top 6 thị trường xuất bản điện tử lớn nhất thế giới (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức) lên đến hơn 10,5 tỷ USD/năm, nhưng tại Việt Nam, doanh thu xuất bản điện tử chỉ ước đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, theo Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT, đơn vị này đã xây dựng và triển khai một số chính sách phát triển xuất bản điện tử: Hỗ trợ các NXB: Phụ nữ Việt Nam, Văn hóa dân tộc, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kim Đồng, Công an nhân dân, Hà Nội, Tri thức để phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; Hỗ trợ NXB Xây dựng phát triển hệ sinh thái số. Đơn vị này cũng đã cấp xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho một số NXB khác.
Như vậy, các đơn vị xuất bản đã bắt đầu bắt nhịp với CĐS; Chú trọng đầu tư và chuyển đổi quy trình hoạt động và kinh doanh của mình; Chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để nhập cuộc và đầu tư vào thị trường xuất bản điện tử - một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển tất yếu.
Chú trọng đầu tư chất lượng nội dung của truyền thông maketing hơn là dàn trải đa kênh
Xu thế "nội dung là vua" (content is king) tỏ ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Khi các NXB, đơn vị làm sách thể hiện sự đầu tư cho tiếp thị nội dung và việc sử dụng các dịch vụ tiếp thị nội dung chuyên nghiệp. Cách làm này đã giúp họ tối ưu nhất để tăng lưu lượng truy cập, xây dựng nhận thức thương hiệu và phát triển doanh thu.
Một phần cốt lõi của các dịch vụ tiếp thị nội dung chính là sáng tạo nội dung. Họ đã tạo ra nhiều loại nội dung, bao gồm nội dung dạng bài viết dài, bài đăng trên blog, infographic, nội dung audio, video, v.v. cho các ấn phẩm mới ra đời để quảng bá mạnh mẽ hơn cho thương hiệu và gia tăng doanh số.
Sách nói vẫn phát triển mạnh mẽ
Sách bằng âm thanh sẽ là xu thế khi ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng các nền tảng sách nói, đặc biệt là trong ngành công nghiệp self-help (tự phát triển bản thân).
Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thị trường sách nói... với dân số hơn 90 triệu người, trong đó số người sử dụng thiết bị điện tử thông minh rất lớn. Sự phát triển của các hình thức sách mới khiến nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, trong thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện những cuốn sách bán chạy nhưng chỉ có bản điện tử (ebook) và sách nói thay vì có bản sách giấy được in trước.
Thị trường sách nói trong nước đang chứng kiến sự lớn mạnh của các đơn vị như Fonos và Voiz FM. Hiện nay, Fonos độc quyền giới thiệu hàng trăm cuốn sách bán chạy nhất của các tác giả quốc tế và địa phương, hình thành quan hệ đối tác với nhiều NXB sách hàng đầu trong nước như NXB Trẻ, Alpha Books, Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông A. Từ đầu năm đến nay, Fonos đã chứng kiến mức tăng trưởng 5 lần trong doanh thu hằng tháng. Số lượng người dùng hằng tháng tăng vọt lên hơn 80.000 lượt chỉ trong tháng 8 vừa qua.
Còn Voiz FM, ra mắt thị trường từ tháng 9/2019, tính đến nửa đầu năm 2021 đã có 300.000 người sử dụng với gần 20 triệu phút sách nói được người dùng trả phí. Voiz FM đã có mặt ở App Store và Google Play với gói dùng thử miễn phí (trong 10 ngày) cùng gói có phí, với 2 mức giá 199.000 đồng/3 tháng và 499.000 đồng/năm.
Dường như Podcasting sẽ là một tiêu chuẩn mới cho các NXB. Một mặt khác, các NXB nhìn thấy tiềm năng của sách nói, họ không ngần ngại đầu tư tạo ra sản phẩm hấp dẫn. Thậm chí, không ngần ngại chi tiền mời người nổi tiếng nhằm thu hút độc giả. Mặt khác, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sách nói đang là chiến lược được các NXB và phát hành quan tâm nhiều hơn.
Đại dịch COVID-19 khiến thị trường sách hứng chịu nhiều tổn thất, thế nên tận dụng ưu điểm trong việc sản xuất nội dung đang trở thành giải pháp trong điều kiện dịch bệnh hoành hành. Các ấn phẩm sách nói đều sẽ giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc đồng thời cắt được phần lớn chi phí hậu cần hay lưu trữ như sách in truyền thống.
Đó là cánh cửa ít rủi ro mà nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng sẽ giúp vực dậy nền xuất bản đang trong giai đoạn khó khăn vì dịch.
Quan hệ đối tác sẽ được ưu tiên hơn cạnh tranh
Hiện nay, nhìn chung các NXB tại Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với NXB nhiều nước và mở rộng quan hệ hợp tác xuất bản với các đối tác xuất bản tại Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Camphuchia, Venezuela, Thụy Điển, Mỹ... để phối hợp xuất bản sách, khai thác các đề tài, bản thảo để xuất bản phục vụ trong nước. Đặc biệt, đối với đối tác liên kết xuất bản, đơn vị đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm quyền hạn của mình được thể hiện trong hợp đồng liên kết xuất bản, thể hiện trong nội dung xuất bản phẩm, không làm sai lệch nội dung xuất bản phẩm đã đăng ký ban đầu nhằm bảo vệ quyền tác giả của xuất bản phẩm.
Bên cạnh công tác xuất bản và bảo bảo hộ quyền tác giả, thì các NXB đang tập trung đẩy mạnh khâu phát hành sách. Phương thức phát hành sách ngày càng được cải tiến với mạng lưới phát hành khá rộng rãi trên cả nước. Ngoài các hoạt động quảng bá, kênh phát hành truyền thống, NXB và đơn vị phát hành sách còn quan tâm tới hình thức phát hành online.
Việc tăng cường công tác bảo hộ bản quyền tác giả và đổi mới, nâng cao hiệu quả phát hành sách, thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường. Các NXB đã tăng cường vai trò của các đơn vị đối với hoạt động khai thác bản quyền tác giả, bảo hộ quyền tác giả và phát hành, phổ biến rộng rãi các ấn phẩm của NXB đến với bạn đọc trong nước và quốc tế, đồng thời đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng của ngành xuất bản Việt Nam.
Sách đẹp được đầu tư các phiên bản giới hạn
Xu hướng sách điện tử và sách nói đang phát triển mạnh mẽ như đề cập ở trên. Tuy nhiên, sách in truyền thống vẫn phát triển và có thị phần bền vững. Thói quen lật giở sách giấy cùng xúc cảm cá nhân, sở thích riêng của nhiều người vẫn gắn với sách giấy như việc họ có thể ngồi hàng giờ để đọc và suy ngẫm.
Sách giấy in thân thiện như một người bạn giản dị và bền bỉ, tạo cho bạn tâm lý thoải mái và thời gian để chiêm nghiệm những tri thức. Hay sách in phù hợp với đại đa số đối tượng độc giả, không cần thiết bị công nghệ hỗ trợ, còn mang lại khoái cảm cho người đọc, từ mùi giấy đến tiếng sột soạt khi lật giở từng trang sách. Và đặc biệt, sách giấy còn có thể là món quà ý nghĩa cho người khác khi họ yêu sách.
Đó là lý do sách giấy vẫn có mức tăng trưởng ổn định bất chấp sự thay thế các phương thức của việc đọc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ tác động không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu. Ngành in chật vật với việc khan hiếm giấy và vì thế giá thành in ấn của sách có dự báo sẽ tăng lên trong năm tới. Đối diện với những khó khăn này, các đơn vị làm sách và NXB lại quay trở lại với những câu chuyện mà bài viết đề cập ở trên, cùng những chiến lược riêng để phát triển.
Các nhà sách và đơn vị xuất bản Việt Nam đang nhập cuộc với xu hướng làm sách đẹp, phiên bản giới hạn. Đó là những bản sách đặc biệt này có nội dung không khác gì những bản phổ thông. Nhưng về hình thức, những cuốn sách đặc biệt được đầu tư hết sức tỉ mỉ, gia công kĩ lưỡng bằng những chất liệu quí.
Khởi xướng từ Đông A, hiện nay cuộc chơi "sách đặc biệt" thu hút rất nhiều NXB và công ty sách tham gia. Đơn vị nào cũng đầu tư nhiều công sức, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thế giới để cho ra đời những ấn bản sách "có một không hai". Chẳng hạn như Omega Plus có bản đặc biệt mạ vàng các cuốn "Leonardo Da Vinci", "Napoleon Đại Đế".
Một số thương hiệu khác lại có thêm những sáng tạo riêng: Tri thức trẻ chỉ in 180 bản đặc biệt "Tam quốc diễn nghĩa, mỗi bản lại tặng kèm độc giả một tượng Quan Công. Thương hiệu Sống (thuộc Alpha Books) khi thực hiện 500 bản sách đặc biệt "Hà Nội quán xá phố phường" thiết kế kèm tranh pop-up để tạo hiệu ứng khi mở sách.
Khi thị trường phát triển tới giai đoạn nhất định, sự đa dạng và hấp dẫn về nội dung không còn là tiêu chí duy nhất. Bởi thế, những bản sách đặc biệt nở rộ tại Việt Nam là điều tất yếu, bởi chúng vừa đáp ứng nhu cầu cao về thẩm mỹ của một số độc giả, vừa là cách nâng cao thương hiệu của một số đơn vị xuất bản lớn. Chịu chơi, dám đầu tư, các nhà xuất bản và công ty sách đang tạo ra một xu thế "sách đặc biệt - phiên bản giới hạn" đáng chú ý hiện nay./.