IOTLink hợp tác với Bến Tre ứng dụng nền tảng bản đồ số trong quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:49, 25/03/2022
Xây dựng bản đồ số hóa vùng sản xuất với từng nhóm cây trồng chủ lực
Các loại cây trồng như sầu riêng, chôm chôm, xoài tứ quý, bưởi da xanh đã tạo được danh tiếng trên thị trường và tiêu thụ khá ổn định. Tuy nhiên, bởi sự không đồng bộ về phương thức quản lý của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre nên vẫn còn nhiều bất cập và chưa thể xử lý một cách triệt để các vấn đề về phân vùng cây trồng, chất lượng nông sản, bao tiêu…
Bến Tre gồm 4 vùng: ngọt, lợ - mặn, mặn và giồng cát. Vấn đề đặt ra là phải bố trí các vùng làm sao cho phù hợp với từng nhóm cây trồng chủ lực. Cần có các giải pháp quản lý quy hoạch và công trình theo dõi, ngăn chặn xâm nhập mặn kết hợp với chuyển đổi cơ cấu trồng cây ăn trái phù hợp.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện cơ sở dữ liệu vùng sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xây dựng bản đồ số vùng sản xuất từng loại cây chính. Đây là cơ sở để triển khai, mở rộng số hóa vùng sản xuất các loại cây trồng… nhằm tích hợp và tạo cơ sở dữ liệu (CSDL) đồng bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện cách mạng 4.0 và đề án “số hóa” theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bến Tre.
Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc nông sản cây trồng cũng rất cần thiết. Giải pháp này cho phép người tiêu dùng trực tiếp thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Nhờ đó giúp doanh nghiệp (DN) tiêu thụ nông sản cũng như người tiêu dùng nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Ngoài việc quản lý hiệu quả nguồn gốc sản phẩm, việc tích hợp truy xuất nguồn gốc còn góp phần nâng cao giá trị thành phẩm hàng hóa bán ra thị trường. Từ đó, mở rộng thị trường và tăng cường lợi thế cạnh tranh trong và ngoài nước. Một vùng có nhiều sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm với các nhóm cây trồng thế mạnh sẽ dần dần tạo được uy tín trên thị trường, danh tiếng cho vùng trồng.
Để đạt được mục tiêu dài hạn nên trên, IOTLink đã xây dựng hệ thống phân bố địa lý các loại cây trồng chủ lực của tỉnh trên nền tảng bản đồ số Map4D như: sầu riêng, dừa, chôm chôm, xoài tứ quý, bưởi da xanh... tại 5 hợp tác xã (HTX)/DN.
Kết quả bước đầu: Hoàn thiện CSDL bản đồ quản lý cây trồng
Dự án “quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó đẩy mạnh thương mại hóa” sẽ được thực hiện lần lượt qua 3 giai đoạn. Hiện nay, IOTLink và Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đang triển khai giai đoạn đầu tiên trong chuỗi các hoạt động. Dù là bước đầu, xong việc ứng dụng nền tảng bản đồ Map4D đã mang lại những hiệu quả đáng kể trong công tác quản lý và cập nhật thông tin.
Chính quyền địa phương đã có những buổi làm việc trực tiếp với người dân về thu thập thông tin cây trồng từng vùng, cụ thể về: loại cây trồng, thời gian trồng và các loại thuốc đã sử dụng. Từ những thông tin thu thập được, đối chiếu với tình hình thực tế, địa phương sẽ đánh giá được hiệu quả cây trồng theo mùa vụ.
Dự án triển khai tại 5 HTX thuộc 4 huyện: huyện Chợ Lách (HTX Vĩnh Bình và Hưng Khánh Trung B); huyện Châu Thành (HTX Giao Long); huyện Thạnh Phú (HTX Thạnh Phong); huyện Châu Hòa (HTX Giồng Trôm).
Phần mềm đã triển khai gắn liền với gần 1.000 nông hộ với các nội dung quản lý về ID, thông tin nông hộ (họ tên, thông tin liên lạc, trồng cây gì…). Ngoài ra, một trong những tính năng của phần mềm này là tích hợp quản lý các thông tin liên quan đến cây trồng, thổ nhưỡng như cũng như vấn đề bao tiêu: dịch tễ, DN kinh doanh nông sản, DN kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ranh thửa… Đặc biệt, phần mềm này còn cho phép trích xuất báo cáo theo từng trường thông tin mong muốn một cách chi tiết như: diện tích, năng suất, sản lượng của 5 loại cây trồng chủ lực, báo cáo quý, báo cáo tháng, báo cáo tình hình sản xuất, dịch tễ…
Sau khi triển khai thành công Dự án quản lý giá trị nhóm cây trồng chủ lực và trích xuất nguồn gốc đối với 5 nhóm cây trồng, Bến Tre sẽ mở rộng quy mô và chủng loại nông sản sang cây kiểng và rau trên phạm vi toàn tỉnh.
Kết nối nông dân với DN kinh doanh nông sản
Xây dựng ứng dụng quản lý và phân bố cây trồng chủ lực của từng vùng, hướng đến mục tiêu sau cùng là nâng cao giá trị nông sản, tăng cường lợi nhuận từ nông nghiệp. Bài toán này cần được giải quyết từng bước một, đặc biệt là trong khâu quản lý, minh bạch thông tin.
Trên nền tảng Map4D, IOTLink phát triển các ứng dụng giúp tối ưu về mặt quản lý cũng như truy xuất nguồn gốc nông sản. Đầu tiên là cung cấp dữ liệu về lĩnh vực cây ăn trái như vùng sản xuất tập trung, vùng quy hoạch, diện tích canh tác, năng suất, sản lượng, chi phí đầu tư, mức lợi nhuận… Thứ hai là kết nối những DN kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), sản xuất - thi công với các HTX, DN và người dân. Thứ ba là hình thành và kết nối kênh phân phối và tiêu thụ giữa các công ty thương mại, HTX và người dân. Từ đó góp phần tăng giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, giúp cho việc quản lý tốt về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng cây ăn trái.
Map4D tích hợp công nghệ GIS, sẵn sàng chuyển đổi giữa các hệ trục Việt Nam và thế giới
Nền tảng Map4D đã được xây dựng CSDL GIS về lớp hành chính, địa danh, cũng như các dữ liệu GIS thông tin khác của Việt Nam. Ngoài ra, Map4D đầy đủ các chức năng như tìm kiếm và chỉ dẫn địa lý, đánh dấu địa điểm, cho phép xây dựng và quản lý đối tượng 3D trên bản đồ và theo dõi được theo chiều thời gian.
Bản đồ Map4D được xây dựng và phát triển tại Việt Nam, do đó việc chủ động cập nhật, thay đổi trên bản đồ nền như chia tách/gộp các đơn vị hành chính sẽ được cập nhật nhanh chóng và không phải phụ thuộc vào đơn vị thứ ba. Với nhiều lớp dữ liệu cũng như tích hợp công nghệ hiện đại, Map4D platform đáp ứng việc tương tác với bản đồ trên giao diện web của ứng dụng: tạo vùng cây trồng, thổ nhưỡng theo chủ đề và cập nhật thông tin chi tiết.
Bản đồ số Map4D là bản đồ thể hiện theo chuẩn tọa độ thế giới WGS84. Các mức zoom bản đồ từ 4 cho đến mức 20 tương ứng với tỷ lệ bản đồ từ 1/35.000.000 cho đến 1/500. Đối với tỷ lệ bản đồ địa chính 1/2000 thường dùng ở Việt Nam tương ứng trên bản đồ Map4D ở mức zoom 18. Về sai số bản đồ không đáng kể nằm trong phạm vi cho phép.
Ngoài ra đối với các dữ liệu địa chính tại Việt Nam thể hiện ở các hệ tọa độ khác như VN2000, Map4D vẫn có công cụ chuyển đổi về hệ tọa độ chuẩn WGS84 để đồng bộ dữ liệu./.