Chuyển đổi số của ngành xuất bản: nhu cầu và lợi ích

Truyền thông - Ngày đăng : 08:31, 25/03/2022

Chuyển đổi số (CĐS) là chìa khóa để các tổ chức, doanh nghiệp (DN) tồn tại trong bối cảnh mới. Các nhà xuất bản (NXB) cũng không phải là ngoại lệ.

Các đơn vị xuất bản đều phải đối diện với các vấn đề về sự cạnh tranh trong việc phát triển, khai thác và điều hướng nội dung để thu hút độc giả và tạo doanh thu. Vì thế, các đơn vị xuất bản buộc phải có kế hoạch phát triển, phương án cắt giảm chi phí, gia tăng doanh thu và tối ưu công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của bạn đọc. 

CĐS cho thấy nhu cầu và lợi ích của ngành xuất bản trong hành trình vượt thoát khỏi cơ cấu tổ chức và mô hình kinh doanh truyền thống để trở thành những đơn vị thích ứng nhanh với thế giới số.

Chuyển đổi số của ngành xuất bản, nhu cầu và lợi ích - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Nhu cầu CĐS trong ngành xuất bản

CĐS trong ngành xuất bản bao gồm sự thay đổi một loạt các quy trình trong hệ thống nhằm tối ưu hóa hiệu quả của hoạt động, cả việc ứng dụng, bắt kịp và hoà nhịp vào cuộc sống số. Các thay đổi quy trình và hệ thống này có thể từ việc sử dụng siêu dữ liệu, hình thức lưu trữ nội dung, khai thác tính linh hoạt của nội dung (tính cập nhật của nội dung), tối ưu hoá tìm kiếm và gia tăng việc cộng tác tự động trong hoạt động xuất bản.

Nhu cầu CĐS của ngành xuất bản xuất phát từ thực tế là nhu cầu tiêu thụ về nội dung của người dùng lớn hơn bao giờ hết, trong khi hoạt động kinh doanh của đại đa số các đơn vị xuất bản tại Việt Nam đang trầm lắng. Nguyên nhân là thói quen đọc sách của người đọc giờ đây đã hoàn toàn thay đổi so với kỷ nguyên trước. Người đọc không còn đơn thuần tiếp cận nội dung từ các bản in mà đã chuyển sang các thiết bị số với những định dạng linh hoạt và sẵn có nhất.

Ở một mặt nào đó, các đơn vị xuất bản trong nước đã nhập cuộc CĐS bằng cách nương theo và tuân thủ sự dẫn dắt của các ông lớn công nghệ như Google và Facebook, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại. Đó xu hướng tất yếu CĐS của ngành xuất bản nhằm tối ưu dịch vụ của mình để tập trung vào hành vi trực tuyến của độc giả, đồng thời phù hợp với những xu thế mới của thị trường.

Từ việc CĐS, các NXB cũng phải tiên lượng được các đặc thù của bạn đọc dựa trên nhu cầu và nhân khẩu học cũng như vị trí địa lý. Nhu cầu về nội dung thông tin, tri thức của người đọc ngày càng thay đổi buộc những người làm xuất bản phải liên tục tạo ra nội dung động hơn để có thể thích ứng với nhiều thiết bị.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động xuất bản cũng được chú trọng hơn. Đó là ứng dụng AI trong lựa chọn đề tài; viết và chỉnh sửa; đánh giá chất lượng bản thảo; tiếp thị và phân phối xuất bản phẩm; dự đoán mức duyệt và mức độ quan tâm. Sử dụng phân tích nâng cao để tự động hóa đăng ký và quản lý quy trình làm việc nhằm hợp lý hóa quy trình. Do đó, các NXB sẽ cần phải thích ứng với những thay đổi như vậy để phù hợp với yêu cầu của CĐS.

Các hình thức CĐS trong ngành xuất bản đã thực sự thể hiện ở việc các CĐS, tập đoàn xuất bản đã tập trung phát triển mảng sách điện tử, audio book, sách thực tế ảo.... những loại sách có thể phân phối đến tay độc giả thông qua ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng và thuận tiện, trong bất cứ thời gian nào, ở bất cứ không gian nào. Theo thống kê từ Hiệp hội các NXB Hoa Kỳ, trong 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ sách điện tử tăng 20,4% và sách nói tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ở Đức - trung tâm sách của thế giới - trong năm 2020 lượng sách điện tử tăng 16,2% và sách nói tăng 24,5% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT, cho rằng CĐS của ngành xuất bản là xu thế chung của thế giới. Đây là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Việc CĐS trong hoạt động xuất bản hiện nay có khá nhiều thuận lợi. Số lượng người sử dụng các thiết bị điện tử, truy cập Internet tại nước ta cao là tiền đề để các NXB phát triển mảng xuất bản điện tử. Nhưng việc khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP. Hồ Chí Minh, nêu rõ, việc CĐS trong lĩnh vực xuất bản là yêu cầu tất yếu nhưng đó là xu thế của sự phát triển chứ không phải sự thay thế từ sách in sang sách điện tử. Trên thực tế, sách in cũng như các hoạt động của Đường sách TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò, vị trí nhất định đối với bạn đọc.

NXB được lợi như thế nào?

Với CĐS, các NXB nhận được lợi ích hết sức to lớn. Khi mà các ấn phẩm của họ được phát hành nhanh hơn, với phạm vi tiếp cận rộng nhất có thể và có tuổi thọ dài. CĐS cho phép NXB đáp ứng những mục tiêu về kinh doanh cũng như phát triển thương hiệu, thị trường.

Không chỉ là một CĐS, mà trong một hệ thống DN, khi quy trình làm việc được tối ưu hóa, thì các nhiệm vụ bên ngoài sản xuất nội dung cũng có thể được hưởng lợi. Ví dụ, bộ phận kinh doanh, phát hành và nghiên cứu thị trường có thể đưa ra các quyết định, chiến lược kinh doanh sáng suốt và tốt hơn bằng cách tận dụng các tài nguyên kỹ thuật số tốt nhất.

CĐS cũng cho phép các NXB tái sử dụng tài liệu bằng cách chia nhỏ tài liệu đó thành các mô-đun, tùy thuộc vào các quyền và thỏa thuận cấp phép. Ngoài ra, siêu dữ liệu có thể giúp NXB tối ưu hóa khả năng tìm kiếm để việc khám phá và sử dụng nội dung dễ dàng hơn.

Dựa trên nền tảng số, các NXB có thể khai thác sức mạnh của Internet để tiếp cận nhiều đối tượng hơn bằng cách mở rộng dấu ấn của họ ra thị trường nước ngoài. Họ có thể chia sẻ các tệp số trên trang web của riêng họ, thông qua phương tiện truyền thông xã hội hoặc các thị trường trực tuyến chuyên dụng.

CĐS giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Với nền tảng số cũng như sách điện tử, NXB không bị ràng buộc bởi quy mô kinh tế. Các ấn phẩm sau khi được xuất bản, có sẵn để tải xuống với một khoản phí hoặc được chia sẻ miễn phí, tùy thuộc vào cách NXB muốn tiếp thị sách điện tử. Các NXB cũng có thể cập nhật các nội dung mới trong những ấn phẩm của họ với chi phí tối thiểu hoặc miễn phí. Với việc CĐS, hoạt động trên nền tảng số và công nghệ, các NXB cũng tiết kiệm đáng kể việc giảm hàng tồn kho và loại bỏ hoặc giảm thiểu chi phí kho hàng.

CĐS giúp các NXB gia nhập vào thị trường thương mại điện tử thực chất hơn. Với các ấn bản sách điện tử cho phép các NXB tiếp cận mở ra những cơ hội và phương thức mới để bán trên các thị trường trực tuyến mới, chẳng hạn như Amazon, eBay, Tiki, Lazada hay Shopee v.v. Trước đây, độc giả phải đến chợ trời hoặc hiệu sách để "săn" những đầu sách đã hết. Không có khoản thu nào trong số này được trả lại cho các NXB. Giờ đây, các NXB có thể kiếm tiền từ những đầu sách này bằng cách bán chúng dưới dạng sách điện tử và khai thác các luồng doanh thu mới.

CĐS, các NXB cần những điều gì?

Trên thực tế, tinh thần CĐS của ngành xuất bản Việt Nam đã được nhà nước quan tâm. Theo báo cáo tổng kết ngành 2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, thì số cấp các đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử tăng 66,67% so với năm trước đó, đây là con số thể hiện yếu tố khả quan trong việc CĐS của ngành.

Ngoài ra, cơ quan quản lý xuất bản, Cục Xuất bản in và Phát hành cũng quan tâm về mục tiêu CĐS, trong đó triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4; Triển khai sử dụng, cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; Sử dụng, cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). CNTT đã được ứng dụng để triển khai 02 triển lãm, hội sách trực tuyến trong tình hình COVID-19, mang lại hiệu quả tích cực. 

Phần mềm hỗ trợ công tác biên tập của các NXB và đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản, In và Phát hành đã được xây dựng. Cục đã cùng với các công ty công nghệ và đơn vị trong ngành xây dựng nền tảng dùng chung cho hệ thống xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Tuy nhiên, để CĐS thành công thì phần lớn vẫn phải trông chờ vào nội lực của các NXB. Họ cần phải thích ứng với sự thay đổi của môi trường và chủ động trước nhu cầu của độc giả.

Một là, CĐS là xu thế tất yếu, tuy nhiên nó là cả một quá trình dài hơi mà điều bắt đầu là từ con người. Hầu hết các DN, công ty, tổ chức giáo dục đã áp dụng công nghệ số, làm việc trực tuyến như như một phần của nhu cầu đào tạo con người của DN. Để việc CĐS trong đơn vị được hiệu quả thì NXB cũng phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về quy trình này. Trong khi các NXB đóng vai trò trung gian giữa tác giả và người tiêu dùng và đảm nhận các nhiệm vụ lựa chọn nội dung, chỉnh sửa và tiếp thị, NXB phải xác định lại các quy trình và chức năng kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của thế giới kỹ thuật số và tận hưởng các lợi ích từ thành quả CĐS.

Do đó, các NXB cần đào tạo nhân viên của họ về kỹ năng, môi trường số và công nghệ để quy trình hoạt động được tối ưu hóa. Chẳng hạn, như việc điều chỉnh nội dung để đáp ứng thói quen đọc và mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng; Gia tăng lưu lượng truy cập web và tiếp cận đúng đối tượng, vào đúng thời điểm và ở định dạng phù hợp.

Hai là điều chỉnh quy trình kinh doanh. Các NXB có tiềm lực kỹ thuật có nhiều khả năng thành công hơn trong không gian xuất bản số và tận hưởng các lợi ích của sách điện tử. Khi CĐS, nghĩa là NXB và đơn vị làm sách phải tuân thủ luật chơi của công nghệ, của nền tảng số. Các vấn đề về bản quyền của sách sẽ nhanh chóng được giải quyết khi họ nắm vững các nguyên tắc bảo mật và tính kỹ thuật cao.

Cùng với con người, thì nền tảng kỹ thuật và công nghệ là điều kiện thiết yếu cho các NXB khi CĐS. Một khi họ mạnh dạn đầu tư cho con người và công nghệ thì công cuộc CĐS và thành quả của nó không còn xa vời.

Câu chuyện CĐS của thế giới không còn mới mẻ và trên thực tế một số ngành nghề, DN đã mạnh dạn CĐS cũng như bước đầu tận hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi đó. Nhận diện được nhu cầu và lợi ích của CĐS cũng như mạnh dạn chuyển đổi để phù hợp với xu thế là yêu cầu cũng như trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị xuất bản. 

Tuy nhiên, để công cuộc CĐS được thành công, tạo ra thị trường cho riêng mình và thu được lợi ích từ việc chuyển đổi thì các NXB cần có một chiến lược rõ ràng cho đối tượng mục tiêu của họ, nội dung để phân phối, định dạng để tuân theo và sau đó thiết kế lại các chức năng và quy trình của họ để thành công trong môi trường số./.

Nguyễn Nhàn