Ngành xuất bản huy động nguồn lực xóa "vùng trắng", "vùng trũng" về văn hóa đọc
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:42, 23/03/2022
Sáng nay 23/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn An Tiêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm biểu dương những kết quả mà ngành xuất bản đã đạt được trong năm 2021 - một năm đầy những khó khăn và thách thức.
"Nhìn lại hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 đã cho thấy bức tranh toàn diện về kết quả công tác trong năm qua của toàn ngành, cũng như đề ra hệ thống các giải pháp và nhiệm vụ công tác trong năm 2022; qua đó, càng khắc họa đậm nét những nỗ lực vượt bậc đầy tâm huyết, trách nhiệm của những người làm xuất bản; đề xuất nhiều giải pháp mới và sáng kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của toàn ngành".
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: "Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, toàn ngành xuất bản sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả mang tính bứt phá trong năm 2022 và những năm tới".
Để tiếp tục phát huy những kết quả đó, ông Trần Thanh Lâm đã nhấn mạnh những nhiệm vụ mà ngành xuất bản cần tăng cường trong năm 2022: Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản; Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản; đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu chỉ đạo, quản lý và thực tiễn phát triển xuất bản.
Hai là, các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản (NXB) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các NXB, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Ba là, tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa "vùng trắng" về văn hóa đọc. Việc triển khai mô hình phố sách cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy mặt tích cực, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, làm cho các phố sách, đường sách thực sự là thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương.
Cần quan tâm thích đáng đến mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền.
Bốn là, để thích ứng linh hoạt sau đại dịch COVID-19, cần tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch, bảo đảm hài hòa chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng chống dịch COVD-19 với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.
Tập trung CĐS ngành xuất bản
Nhìn lại hoạt động của ngành xuất bản năm 2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định đây là một năm ngành xuất bản có nhiều đột phá. Đây cũng là năm chúng ta có sách điện tử, bởi các đơn vị xuất bản, phát hành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, CĐS để phát triển sản xuất cũng như kinh doanh. Đây là những đột phá, thay đổi rất lớn của ngành.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) cho ngành xuất bản với những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được cụ thể hóa theo lộ trình. Năm 2022, ngành xuất bản sẽ tập trung những nhiệm vụ như nâng cao văn hóa đọc để phát triển nâng cao tri thức.
Bên cạnh việc bán sách giấy cần phải xây dựng nền tảng dữ liệu để người đọc có thể truy cập, đặc biệt là phải quan tâm phát triển ở khu vực thôn bản - những vùng "trũng" về văn hóa đọc, rồi quan tâm đến dịch giả, tác giả… để có những cuốn sách hay. Theo chương trình CĐS quốc gia, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu 85% dân số có smarrphone và Internet, ngành xuất bản cần phải tận dụng điều này để phát triển thị trường.
Tiếp nữa là cần tập trung phát triển chất lượng sản phẩm, làm thế nào để chúng ta có những cuốn sách vừa có giá trị cao lâu dài, vừa có giá trị thương mại. Rồi cần phải đổi mới phong phú các loại hình sách, mảng sách…
Đồng thời, cần tập trung CĐS trong ngành xuất bản, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng nền tảng dùng chung cho các NXB, bên cạnh đó Bộ cũng có định hướng một số nền tảng cho các NXB để bố trí nguồn lực đầu tư.
Về thể chế nguồn lực và cơ chế chính sách, khi sửa đổi Luật Xuất bản, với việc ứng dụng công nghệ, CĐS thì xuất bản phải đưa vấn đề này vào để kịp thời đáp ứng kịp với xu thế của thời đại. Rồi việc quy hoạch mạng lưới xuất bản, in và phát hành cũng cần đẩy nhanh để phát triển.
Ngoài ra cần tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung phát triển nguồn lực của ngành xuất bản như: các biên tập viên, biên dịch, dịch giả, nhà văn… để tạo nên những cuốn sách hay có giá trị cao sau này.
Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản năm 2021 đạt gần 3000 tỷ đồng
Báo cáo về các hoạt động xuất bản tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm (giảm 9%) với số lượng 400.610.118 bản (giảm 0,7%).
Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29.274 cuốn (giảm 9%) với 350.000.000 bản (giảm 3,6%); Xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm (tăng 12,2%) với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần).
Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 1.374 xuất bản phẩm (giảm 31,6%) với 25.610.118 bản (giảm 34%). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 2.996,667 tỷ đồng (tăng 12,4%); Nộp ngân sách nhà nước 260,732 tỷ đồng (tăng 71,7%); Lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,243 tỷ đồng (tăng 80,7%).
Về phát hành, toàn ngành phát hành trên 225 triệu xuất bản phẩm (giảm 31,8%); doanh thu đạt 2.900 tỉ đồng (giảm 21,6%). Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản (giảm 28,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 20,8 triệu bản (đạt 100%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 15 triệu USD (giảm 16,6%) trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,3 triệu USD (giảm 40,9%); kim ngạch nhập khẩu đạt 13,7 triệu (giảm 13,2%).
Nhân dịp này, Bộ TT&TT đã trao tặng bằng khen và cờ thi đua cho các đơn vị xuất bản, phát hành có thành tích xuất sắc.