Công nghiệp công nghệ cao-nhìn từ thành phố Hồ Chí Minh

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 11:12, 22/03/2022

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao để khai thác hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây được xem là nền tảng quan trọng giúp thành phố nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tăng sức cạnh tranh, thu hút những dự án có hàm lượng khoa học-công nghệ cao.

Thời gian qua, nhiều công ty trong nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao. Qua đó, hình thành những dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm sự lệ thuộc linh kiện sản xuất từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghệ cao trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Quả ngọt” từ đầu tư công nghệ cao

Trong căn phòng diện tích khoảng 400 m2 đặt trong Nhà máy Công nghệ cao Điện Quang (DQH) thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Công ty Bóng đèn Điện Quang) là một dây chuyền gồm 10 máy sản xuất chip led liên tục hoạt động. Đưa vào vận hành từ năm 2019, dây chuyền sản xuất chip led hoàn toàn tự động và tiên tiến được nhập khẩu từ Đức, chuyển giao công nghệ Nhật Bản có thể sản xuất 28.000 chip trong một giờ (150 triệu chip trong một năm) mà chỉ cần một kỹ sư giám sát vận hành. Với dây chuyền này, sau khi được kiểm tra các thông số kỹ thuật, hàng nghìn con chip sẽ được tự động chuyển đến bộ phận sản xuất lắp ráp bo mạch điện tử để hoàn thiện bo mạch cho các sản phẩm đèn led.

Nhà máy DQH tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được đánh giá là nhà máy có quy mô nhất trong ngành giải pháp chiếu sáng, đồng thời là nhà máy thứ năm của Công ty Bóng đèn Điện Quang được trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ đạt chuẩn quốc tế.

Giám đốc Nhà máy DQH Trần Bá Linh cho biết, trước năm 2019, công ty phải nhập chip từ nước ngoài về làm linh kiện sản xuất bóng đèn; ba năm qua, những con chip này được công ty chủ động sản xuất. Việc chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao đã giúp công ty kiểm soát được chất lượng sản phẩm, tăng tuổi thọ của bóng đèn, đồng thời tạo sự chủ động về nguồn vật tư, nhất là vào những thời điểm nhu cầu cung ứng sản phẩm tăng cao.

Cũng theo ông Linh, nhiều năm qua, chip là loại linh kiện rất khan hiếm, nên việc đầu tư dây chuyền sản xuất chip led giúp Điện Quang không lệ thuộc nhập chip từ thị trường nước ngoài, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất chip led lên gấp sáu lần so với hiện nay, có thể đáp ứng nhu cầu về chip cho các đối tác trong nước, phục vụ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh qua các sản phẩm tiết kiệm điện năng.

Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đóng tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) là nhà máy chủ lực của Tập đoàn Datalogic S.p.A-một trong ba nhà sản xuất máy đọc mã vạch lớn nhất thế giới. Với hệ thống dây chuyền tự động hóa lên đến khoảng 80%, quy mô sản xuất của Datalogic Việt Nam chiếm từ 75-80% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Hiện, sản phẩm của Datalogic Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45%; châu Mỹ từ 30-35%; tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 1%; còn lại xuất khẩu sang châu Á, châu Phi.

Ngoài việc chú trọng cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, Datalogic Việt Nam còn đẩy nhanh số hóa trong sản xuất. Một trong những ứng dụng mang lại hiệu quả cao là hệ thống phân công tự động. Sử dụng hệ thống này, tất cả dữ liệu phân công làm việc cho công nhân đều được phần mềm “trí tuệ nhân tạo” lập trình hằng ngày thay vì phân công thủ công như trước đây. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kỹ năng của từng công nhân, hệ thống sẽ tự động hóa quy trình và giờ giấc làm việc để phân bổ công việc cho công nhân phù hợp, chính xác.

Mỗi công nhân cứ theo mã số cá nhân trên hệ thống để vào từng chuyền làm việc, ai làm gì đều được ghi nhận “chấm công” trên máy chủ. Khi chưa áp dụng hệ thống này, ít nhất cần 50 chuyền trưởng để phân công công việc cho công nhân, giờ thì không cần nữa, hệ thống tự động quản lý và rà soát một cách chính xác thay cho con người.

Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, chia sẻ, Tập đoàn Datalogic S.p.A có năm nhà máy ở Italia, Slovakia, Hungary, Mỹ và Việt Nam. Sau hai năm Datalogic Việt Nam đi vào hoạt động, Tập đoàn quyết định chuyển giao nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ cao từ Italia, Mỹ về Datalogic Việt Nam, đồng thời đầu tư các dây chuyền lắp ráp bo mạch điện tử cung cấp trực tiếp cho việc sản xuất máy đọc mã vạch thế hệ mới.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hệ thống quản lý chặt chẽ, nên sản phẩm của công ty bảo đảm tính chuẩn xác, giảm sai số và tối ưu hóa nguồn lao động. Hiện, 100% đội ngũ lãnh đạo và công nhân lao động của công ty đều là người Việt Nam...

Hiện, SHTP đang thu hút 165 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn tương đương 8,6 tỷ USD; trong đó, những tập đoàn lớn như Samsung, Intel... đang đầu tư, kinh doanh hiệu quả và dự kiến mở rộng quy mô sản xuất. Tính đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt gần 108 tỷ USD; năng suất lao động bình quân của SHTP gấp 6,6 lần năng suất lao động bình quân của thành phố Hồ Chí Minh và gấp gần 17 lần năng suất lao động bình quân của cả nước...

Để hấp dẫn “sếu đầu đàn”

Từ thực tế cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng đặt ra. Phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố thuộc mô hình hỗn hợp, đa ngành, năng lực đổi mới sáng tạo rất thấp, do đó vẫn hoạt động dựa vào các yếu tố đầu vào, đặc biệt là thâm dụng lao động ít kỹ năng.

Ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá, mô hình khu công nghiệp kiểu cũ không thể phát huy thêm giá trị nữa. Trục trặc chính của mô hình này là thu hút đầu tư mang tính đại trà, đa ngành, trong đó các doanh nghiệp hầu như không có những mắt xích liên kết với nhau về kinh tế.

Ngay cả một số khu công nghiệp công nghệ cao thì những liên kết kinh tế này cũng hiếm hoi. Các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp là những thực thể sản xuất, kinh doanh đơn lẻ, tự thân, hầu như không có mối liên kết, hợp tác nào với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Một số khu công nghiệp ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thu hút được một số tập đoàn công nghệ đa quốc gia, nhưng khi vào Việt Nam thì lại thành một thực thể “đơn độc” trong một khu công nghiệp, hoặc nếu có được một “hệ sinh thái công nghiệp” thì hệ sinh thái đó phần lớn cũng được “nhập khẩu” theo vào. Về mặt nào đó, điều này cũng tốt, bởi qua những “sếu đầu đàn” như vậy đã giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, điều Việt Nam mong muốn là có được những nhà cung cấp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.

Công nghiệp công nghệ cao-nhìn từ thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Kỹ sư Nhà máy Công nghệ cao Điện Quang, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, kiểm tra dây chuyền sản xuất chip led.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố có số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiên tiến vẫn còn rất ít, một số nơi sản xuất vẫn còn mang tính chất gia công. Xác định đến năm 2025 sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong đổi mới sáng tạo, có nghĩa thành phố đặt ra chỉ tiêu nền kinh tế ứng dụng công nghệ cao, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP.

Để đạt được mục tiêu này không phải là trong ngắn hạn mà là đầu tư dài hạn, mang tính chiến lược. Do đó, thành phố đang xây dựng Đề án Viện Công nghệ tiên tiến, Trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo thêm quỹ đất hình thành thêm khu công nghệ cao để tạo nên những hệ sinh thái mới, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, tổng mức chi cho khoa học-công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) của thành phố hiếm khi vượt quá 1% GRDP. Đây là con số rất khiêm tốn nếu so với các nước có nền công nghiệp công nghệ cao mới phát triển nhờ biết dựa vào động lực của khoa học-công nghệ, R&D.

Để khoa học-công nghệ, R&D thật sự trở thành công cụ đắc lực cho công nghiệp công nghệ cao, đầu tháng 3/2022, thành phố ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học-phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, đầu tư từ ngân sách thành phố cho khoa học và công nghệ đạt hơn 2% tổng chi ngân sách, trong đó phấn đấu nâng tỷ lệ dành cho hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo đạt 30%. Tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt 70%, ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%.

Ngoài ra, để thu hút “sếu đầu đàn”, thành phố đang xúc tiến thành lập khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với diện tích 300 ha để tạo ra hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Hệ sinh thái này không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố.

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, trong chiến lược thu hút đầu tư, SHTP ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. SHTP tập trung ưu tiên thu hút với bốn mũi nhọn: Vi điện tử-công nghệ thông tin-viễn thông; cơ khí chính xác-tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới-vật liệu mới-công nghệ nano.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào SHTP sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD với hơn 50 dự án công nghệ cao, trong đó có từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. SHTP cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai dự án Công viên khoa học rộng gần 170 ha với mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án mang hàm lượng khoa học-công nghệ cao, đầu ra là các sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Công viên khoa học cũng là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao, là tác nhân chuyển biến thành nội lực quốc gia để tạo động lực sản xuất mới.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân cho biết thêm, để thu hút các tập đoàn lớn, thành phố phải tính toán giá thuê đất cho hợp lý, chính sách ổn định để thu hút các nhà đầu tư. Về mặt vĩ mô, phải có những chính sách để hỗ trợ, động viên, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ vì chi phí cho việc đổi mới này rất tốn kém.

Thành phố phải có chính sách bù lãi suất, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Nhà nước, Chính phủ phải có hệ thống các đòn bẩy, các chính sách phù hợp thì mới tạo cơ hội cho nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp phát triển.

CAO TÂN và QUÝ HIỀN