Các nền tảng số ở Australia phải chịu trách nhiệm về phát tán thông tin sai lệch

An toàn thông tin - Ngày đăng : 14:08, 21/03/2022

Chính phủ liên bang Australia sẽ xem xét xây dựng các quy định mới ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch trực tuyến và tăng cường giám sát chặt chẽ hơn đối với các nền tảng số lớn.

Theo các quy định được đề xuất, Cơ quan Truyền thông và Truyền thông Australia (ACMA) sẽ có được các quyền hạn mở rộng để thực thi các quy tắc tự nguyện nếu các nền tảng không có các hành động phù hợp.

Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho biết: "Điều này thúc đẩy các nền tảng giải quyết tác hại của thông tin sai lệch, đồng thời cho phép ACMA khả năng buộc các nền tảng chịu trách nhiệm nếu những nỗ lực tự nguyện của họ không đủ hoặc không kịp thời".

Việc công bố những xây dựng quy định này được đưa ra một năm sau khi các nền tảng số lớn, bao gồm Facebook, Google, TikTok và Twitter, cùng những nền tảng khác đưa ra quy tắc ứng xử tự nguyện để giải quyết thông tin sai lệch trực tuyến. Kể từ khi ra mắt quy tắc thực hành tự nguyện, chính phủ liên bang đã liên tục chỉ trích các nỗ lực của các nền tảng truyền thông xã hội nhằm giải quyết thông tin sai lệch.

Thủ tướng Australia Scott Morrison năm ngoái đã chỉ trích các gã khổng lồ công nghệ về hành vi xảy ra trên nền tảng của họ, các nền tảng mạng xã hội như Facebook đã trở thành "cung điện của kẻ hèn nhát" cho những kẻ đăng những thông tin sai lệch.

Ngoài quyền hạn mới trong việc xem xét kỹ lưỡng bộ quy tắc ứng xử, các quy định cũng tìm cách trao cho ACMA quyền thu thập thông tin mới để cải thiện khả năng truy cập vào dữ liệu cụ thể của Australia về các biện pháp xử lý thông tin sai lệch.

Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho biết: "Các nền tảng số phải chịu trách nhiệm về những gì trên trang của mình và phải có hành động đối với các nội dung có hại hoặc gây hiểu lầm. Đây là kỳ vọng của chính phủ - và chúng tôi đã ủng hộ kỳ vọng đó bằng hành động gần đây khi thông qua Đạo luật An toàn trực tuyến (Online Safety Act) mới, chúng tôi đang hành động khi có thông tin sai lệch".

Ngoài ra, chính phủ liên bang muốn thành lập một nhóm hành động về thông tin sai lệch để tập hợp các bên liên quan chính trong chính phủ và khu vực tư nhân để hợp tác và chia sẻ thông tin về các vấn đề mới nổi và phản ứng thực tiễn nhất.

Các quy định được xây dựng dựa trên các khuyến nghị do ACMA đưa ra, khi hầu hết người Australia đều lo ngại và đã gặp phải những thông tin sai lệch trực tuyến.

Để bảo vệ người dân trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Karen Andrews đã công bố thành lập một trung tâm có nhiệm vụ đặc biệt là ngăn chặn tội phạm mạng lừa đảo, ăn cắp và lừa gạt người dân sáng ngày 21/3. Trung tâm được cấp 89 triệu đô la Australia thông qua khoản 1,67 tỷ đô la Australia mà chính phủ nước này dành cho chiến lược an ninh mạng.

Bộ trưởng Andrews cho biết kế hoạch quốc gia và trung tâm tội phạm mạng mới của Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), được gọi là Trung tâm điều phối về chính sách chung chống tội phạm mạng (JPC3), sẽ tập hợp kinh nghiệm, quyền hạn, khả năng và trí tuệ cần thiết để tạo lập một ứng phó mạnh mẽ, nhiều mặt.

Cũng theo Bộ trưởng Andrews, áp dụng luật của Khối thịnh vượng chung sâu rộng và khả năng kỹ thuật tiên tiến, trung tâm chống tội phạm mạng mới của AFP sẽ quyết liệt nhắm vào các mối đe dọa mạng, đóng cửa chúng và đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.

Trong đại dịch, tội phạm mạng đã trở thành một trong những hình thức tội phạm phát triển nhanh nhất và phổ biến nhất tại Australia. Các công cụ và kỹ thuật được sử dụng để cướp hoặc tống tiền người Australia trở nên hiệu quả hơn và tự do hơn bao giờ hết.

Đặt tại trụ sở của AFP tại New South Wales, các hoạt động của JPC3 sẽ do trợ lý ủy viên Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) Justine Gough, người điều hành toàn thời gian đầu tiên của AFP chuyên trách chống tội phạm mạng.

Theo kế hoạch phòng chống tội phạm mạng quốc gia, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu chính quyền các cấp sẽ hoạt động theo khuôn khổ đấu tranh chống tội phạm mạng, ưu tiên 3 trụ cột: Phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mạng; điều tra, phá vỡ và truy tố các vụ việc tội phạm mạng; và giúp nạn nhân phục hồi sau các sự cố tội phạm mạng.

Cùng với việc ra mắt trung tâm chống tội phạm mạng, kế hoạch cũng vạch ra mục tiêu thành lập một diễn đàn chống tội phạm mạng quốc gia, tập hợp các đại diện từ Khối thịnh vượng chung, các cơ quan tư pháp bang và vùng lãnh thổ, cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý - chẳng hạn như Văn phòng Ủy viên An toàn điện tử - để xây dựng kế hoạch hành động chống tội phạm mạng quốc gia.

Tháng trước, Bộ Nội vụ đã giới thiệu ba Dự luật mới trước Quốc hội, bao gồm kế hoạch hành động ransomware, an ninh hàng không và hàng hải, cũng như truy cập điện thoại di động trong các nhà tù.

Bộ cũng đang thúc đẩy giai đoạn thứ hai của bộ luật mạng nhắm vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, hiện đang được một ủy ban quốc hội xem xét để trở thành luật./.

Hoàng Linh