Làn sóng khởi nghiệp giúp ngành nuôi trồng thủy sản tại Indonesia phát triển bền vững
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:58, 18/03/2022
Khởi nghiệp trong nuôi trồng thủy sản
Nuôi trồng thủy sản là một thành phần quan trọng của ngành thủy sản Indonesia vì nó góp phần đảm bảo an ninh quốc gia thực phẩm, thu nhập và tạo nhiều việc làm và thu nhập ngoại hối từ việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.
Trong năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia đã phát triển rất nhanh và hiện nay được coi là một ngành kinh tế quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Với trên 17.508 hòn đảo và đường bờ biển dài khoảng 81.000 km, Indonesia có một tiềm năng lớn cho nuôi trồng thủy sản. Indonesia nằm trong số các nước nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên toàn thế giới.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản của nước này trong quý 3/2021 là 12,25 triệu tấn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia đóng góp tương đương 1,94 triệu USD doanh thu nhà nước ngoài thuế cho năm tính đến tháng 11/2021, cao hơn nhiều so với con số mục tiêu là 1,39 triệu USD, theo Bộ Hàng hải và Thủy sản.
Mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng việc nuôi trồng thủy sản ở nước này từ lâu đã phải trả giá bằng việc tàn phá rừng ngập mặn giàu carbon và các hệ sinh thái ven biển quan trọng khác. Ngư dân ở Indonesia cũng phải đối mặt với những thách thức lớn đe dọa đến cuộc sống của họ, bao gồm từ cơ sở hạ tầng kém phát triển đến việc định giá thị trường thiếu minh bạch. Cho đến nay, chính phủ Indonesia đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện phúc lợi của những người lao động đi biển thông qua việc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, chương trình bảo hiểm cho ngư dân và các khóa đào tạo đa dạng, cùng nhiều chính sách khác.
Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa thể giải quyết được các vấn đề mà ngư dân phải đối mặt. Bởi vậy, startup công nghệ trong nước đã phát triển những giải pháp thông minh để cải thiện hoạt động và sinh kế của các cộng đồng ngư dân ven biển và trên các đảo. Từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đến các ứng dụng dự báo thời tiết, các nền tảng nuôi trồng thủy sản đã giúp ngư dân quy mô nhỏ tiếp cận công nghệ, tài chính và thị trường dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, một số startup trong lĩnh vực này đã huy động được các khoản đầu tư khá lớn vào Indonesia. Đầu tiên là eFishery, công ty này đã huy động được hơn 110 triệu USD qua 8 vòng kể từ năm 2014. Các sản phẩm của eFishery bao gồm: phần mềm eFarm cho phép người nuôi tôm giám sát hoạt động của họ; eFisheryKu hay máy cấp thức ăn eFishery nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản có thể lập trình thời gian ăn cho cá.
Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử ngư nghiệp Aruna đã huy động được khoảng 100 triệu USD kể từ năm 2017. Aruna được thành lập để giải quyết các vấn đề mà ngư dân Indonesia đang đối mặt. Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới, có tiềm năng ngư nghiệp rất lớn. Ngành ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,91%, cao nhất trong tất cả các ngành ở Indonesia. Ngành ngư nghiệp đóng góp 26,9 tỉ USD (2,6%) trong GDP Indonesia nhưng mức thu nhập của ngư dân thuộc hàng thấp nhất trong cả nước. Aruna cung cấp nền tảng đấu giá và mua bán hải sản trực tuyến cho cộng đồng ngư dân Indonesia và khách hàng mua sỉ trong và ngoài nước, giúp bảo đảm mức định giá công bằng cho các mặt hàng hải sản.
Hỗ trợ cộng đồng ngư dân ven biển
Theo nghiên cứu của công ty eFishery, thức ăn chiếm 70-80% tổng chi phí việc nuôi trồng thủy sản. Ở nhiều địa phương, lao động thiếu kỹ năng cũng khiến việc cho cá, tôm ăn không đồng đều, dẫn đến những con cá mạnh hơn lấy nhiều thức ăn, trong khi số còn lại của đàn bị đói, gây sút giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. "Hệ thống của chúng tôi có thể cắt giảm 21% chi phí thức ăn, cải thiện sự phát triển của đàn cá. Nước sẽ ít ô nhiễm do thức ăn thừa, từ đó cá cũng khỏe mạnh hơn", người sáng lập eFishery Farizy cho biết.
Thiết bị của eFishery giúp người nuôi trồng thủy sản có thể lập trình thời gian ăn cho cá, thông qua ứng dụng điện thoại di động kết nối với máy cấp thức ăn đặt ngay sát hồ nuôi. Ví dụ, muốn cho cá ăn 150gram vào lúc 7 giờ, 50gram vào 15 giờ và 100gram lúc 23 giờ, người nuôi sẽ nhập thông tin này vào ứng dụng để điều khiển máy phân bổ đúng lượng thức ăn vào ao theo giờ lập trình. Hệ thống kết nối điện toán đám mây nên người nuôi có thể thao tác trên điện thoại thông minh dù đang ở bất cứ đâu.
Đến nay, công ty có hơn 500 khách hàng và hệ thống eFishery đã áp dụng với hơn 20.000 hồ nuôi cá tôm trong thị trường nội địa.
Trong khi, Aruna có một mạng lưới các cán bộ hiện trường am hiểu công nghệ ở các địa phương, họ thường xuyên thảo luận với ngư dân để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến sinh kế của họ, ví dụ giúp ngư dân đăng hình ảnh và thông tin các mẻ hải sản vừa đánh bắt được lên ứng dụng của Aruna. Startup này cũng tạo việc làm cho phụ nữ ở các vùng ven biển bằng cách tuyển dụng họ sơ chế hải sản.
Các cán bộ hiện trường này còn trao đổi với ngư dân về những thách thức mà họ phải đối mặt trong các hoạt động hàng ngày của họ, chẳng hạn như dụng cụ đánh bắt không đầy đủ. "Ví dụ, những người đàn ông này đang đánh cá trên những chiếc thuyền nhỏ chỉ có thể chứa hai người. Họ cũng sử dụng ngư cụ bắt cua tạm bợ chỉ có thể bắt được 30 đến 50 con nên sản lượng bị hạn chế", cán bộ hiện trường Dzul Fikri Liulin Nuha cho biết.
Aruna tin rằng các cán bộ hiện trường của họ có thể giúp công ty khởi nghiệp giải quyết những thách thức mà ngư dân gặp phải.
Bên cạnh việc cải thiện điều kiện làm việc của ngư dân sinh sống ở các khu ven biển xa xôi, Aruna cũng cung cấp cho họ những tiện nghi cơ bản. Aruna gần đây đã xây dựng một mạng lưới các ki-ốt tạp hóa ở các vùng nông thôn cho phép những người đánh cá truyền thống mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày mà không cần di chuyển xa tới trung tâm thành phố. Nuha nói: "Chúng tôi cũng cung cấp máy phát điện chạy dầu cho một số ngôi làng có lượng điện hạn chế".
Hiện có hơn 26.000 ngư dân ở 100 thành phố tại 27 tỉnh ở Indonesia đã hợp tác với Aruna.
Những thách thức
Rõ ràng là ngư dân có thể hưởng lợi từ các dịch vụ do các startup thủy sản như Aruna cung cấp, chẳng hạn như mức thu nhập cao hơn thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng phức tạp của ngành thủy sản.
Thu nhập trung bình của mỗi lao động trong ngành ngư nghiệp Indonesia chỉ khoảng 1-2 triệu rupiah (khoảng 1,6 - 3,2 triệu đồng)/tháng, khiến số ngư dân trong ngành ngư nghiệp sụt giảm mạnh trong thập kỷ qua. Các con buôn thường dùng các chiêu ép giá, buộc họ phải bán hải sản với giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường.
Vì vậy, Aruna được thành lập để tạo ra một hệ sinh thái thương mại công bằng và bền vững đối với các mặt hàng hải sản bằng cách tận dụng sức mạnh của công nghệ.
Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Aruna Farid Naufal Aslam cho biết những ngư dân tham gia bán cá và hải sản qua nền tảng Aruna đang có mức thu nhập trung bình 6 - 7 triệu rupiah/tháng (9,4 - 11 triệu đồng)/tháng nhờ bán cá và hải sản với giá cao hơn. Thậm chí, một số ngư dân có thu nhập lên đến 15 triệu rupiah (23,5 triệu đồng)/tháng.
Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm giảm giá trị và hiệu quả của các nền tảng như vậy. Đầu tiên là khoảng cách kết nối ở Indonesia, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng thế giới (WB) về công nghệ số, chỉ 36% người trưởng thành Indonesia ở nông thôn có truy cập Internet, so với 62% ở khu vực thành thị. Điều này có nghĩa là nhiều ngư dân sống trong các cộng đồng nông thôn có thể không tiếp cận được với các công nghệ và dịch vụ số do các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp.
Theo Gibran Huzaifah, người sáng lập eFishery, startup này phải bản địa hóa các giải pháp của họ. Trong gần 2 năm đầu khi mới thành lập công ty, Farizy và các cộng sự chỉ tập trung vào xây dựng và thử nghiệm liên tục nền tảng công nghệ. Tìm đến các công ty ngư nghiệp lớn để chào hàng, thế nhưng mô hình ban đầu chưa được thị trường đón nhận.
"Chúng tôi không thể dựa vào các kênh tiếp thị số như Google Ads, đơn giản vì nó không phù hợp. Indonesia có 34 tỉnh với các nền văn hóa kinh doanh khác nhau, vì vậy, để phát triển hoạt động kinh doanh chúng tôi phải bản địa hóa", người sáng lập eFishery.
eFishery đã không ngừng hoàn thiện sản phẩm của mình và tìm cách kết nối với các trang trại nhỏ, thuyết phục ngư dân, những người vốn e dè với công nghệ sử dụng sản phẩm của mình.
Nhiều ngư dân đến từ các cộng đồng đánh cá truyền thống, nơi các phong tục tập quán địa phương đã ăn sâu vào nếp sống. "Ví dụ, ở Papua, ngư dân chỉ được phép đánh bắt cá trong làng của họ như một phong tục tập quán, và chúng tôi phải tuân thủ điều này. Chúng tôi phải tôn trọng văn hóa và phong tục của họ để tránh tranh chấp với người dân địa phương", Nuha nói.
Khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành hàng hải và thủy sản có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Mặc dù chưa thể giúp giải quyết được tất cả mọi vấn đề, nhưng các startup ngành nuôi trồng thủy sản thật sự rất có tiềm năng. Nhờ việc ứng dụng công nghệ cùng những ý tưởng sáng tạo, các startup này hứa hẹn sẽ đưa ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia lên một tầm cao mới trong tương lai, giúp cải thiện tính minh bạch trong nền kinh tế và tăng thu nhập cho ngư dân và các doanh nghiệp khác trong ngành./.