Hơn 60.000 hộ sản xuất nông nghiệp Thái Nguyên được đào tạo kỹ năng số
Xã hội số - Ngày đăng : 12:45, 18/03/2022
Ngày 18/3, tại Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai hỗ trợ đưa hộ SXNN tham gia sàn TMĐT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại hội trường UBND tỉnh và trực tuyến, kết nối với điểm cầu của 9 huyện, thành, thị và 178 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với khoảng 1700 đại biểu tham dự.
Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về CĐS
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết trong năm qua, toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ trọng tâm, là điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Dương Văn Lượng, năm 2021, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về CĐS, trong đó chỉ số chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 07 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.
Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên đã xác định lĩnh vực nông nghiệp là một trong 08 lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu, mở ra không gian phát triển mới cho các hộ SXNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Qua gần 06 tháng triển khai, với sự phối hợp của Sở NN&PTNT, Sở TT&TT, Sở Công Thương; cùng sự tham gia của các cơ quan, đơn vị như Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các chính quyền địa phương; đặc biệt là sự chủ động, tích cực của Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên, Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động và đạt được những kết quả tích cực như: hơn 60.000 hộ SXNN được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; gần 55.000 hộ SXNN được mở gian hàng trên sàn TMĐT và được cung cấp tài khoản thanh toán số; gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa lên sàn TMĐT; 02 sàn Postmart và Vỏ sò đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 50 tấn nông sản địa phương.
Thông qua các sàn TMĐT, Phó Chủ tịch Dương Văn Lượng nhấn mạnh: "các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu quảng bá, tiếp cận đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó, nâng cao thu nhập của các DN, HTX, các hộ SXNN của tỉnh".
Nhờ TMĐT, nông sản được tiêu thụ tốt, không bị ứ đọng
Đánh giá tình hình tiêu thụ nông sản, trong năm 2021, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Sơn Hà cho biết mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, một số địa bàn cơ sở bị phong tỏa, cách ly nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra bình thường, các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên đảm bảo tiêu thụ tốt, không bị ứ đọng.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở TT&TT, các đơn vị Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,… hỗ trợ 55.000 hộ SXNN lên sàn với khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn.
Cùng với tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống, Sở NN&PTNT cũng hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo, các trang thương mại điện tử), Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc. Đến nay, hầu hết các DN, HTX đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số và các trang mạng xã hội.
Năm 2021, tỉnh đã hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản sản phẩm trên mạng xã hội trực tiếp cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác, catalogue sản phẩm; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và Website quảng bá sản phẩm cho 132 DN, HTX. 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee,...
Nhờ có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các cơ sở SXKD đã tiếp cận và tích cực sử dụng các công cụ, ứng dụng số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Một số cơ sở đã đầu tư kinh phí, thời gian để xây dựng nội dung quảng bá, liên kết tiêu thụ, thanh toán qua các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng số, doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.
Đặc biệt, nhờ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT đã giúp doanh thu năm 2021 của Hợp tác xã Miến Việt Cường đạt 20 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020 là 10 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của người lao động trong HTX được duy trì ổn định ở mức 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
HTX Chè Hảo Đạt đã bán hàng qua một số sàn TMĐT như Postmart.vn, hoặc qua các kênh Zalo, Facebook. Sản lượng chè trung bình mỗi năm khoảng 180 - 200 tấn. Mức doanh thu năm 2021 đã cao hơn khoảng 30%.
Đồng hành cùng hộ SXNN đưa thực phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn
Là cơ quan thường trực thực hiện công tác CĐS của tỉnh, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, CĐS nông nghiệp là giải pháp đột phá để thực hiện Nghị quyết CĐS của tỉnh. Trong năm qua, Sở TT&TT phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 177 ngày 7/10/2021 triển khai trực tiếp Kế hoạch 1034 của Bộ TT&TT. Theo đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ CĐS nông nghiệp như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đăng ký tên miền cho các DN nhỏ và vừa, HTX, đào tạo kỹ năng số, giới thiệu nông sản trên sàn TMĐT.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp tiêu biểu của CĐS nông nghiệp là đưa hoạt động quảng bá sản phẩm trên các nền tảng TMĐT, giúp người bán và người mua mua bán trực tiếp sản phẩm, tiếp cận thị trường. Sở TT&TT đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương và các đơn vị liên quan khác tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ SXNN lên sàn TMĐT; đào tạo kỹ năng số, quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận. Đồng thời phát triển hạ tầng kinh tế số: nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) và hạ tầng thanh toán số và hình thành các "hộ SXNN số" phát triển kinh tế số nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch năm 2022 là đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT vào tháng 4/2022; gán nhãn cho sản phẩm, gian hàng của Thái Nguyên để bảo vệ thương hiệu; kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh với 62 tỉnh, thành.
Thay mặt tổ công tác 1034 về đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT của Bộ TT&TT, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, trong đại dịch COVID-19, TMĐT cùng với logistics phát triển mạnh mẽ hỗ trợ tích cực cho chuyển phát hàng hoá. Có 3 xu hướng chính của TMĐT là O2O commerce - thương mại kết hợp trực tuyến sang trực tuyến, Ommnichanel - đa kênh tích hợp, D2C - Direct to Consumer - phân phối trực tiếp.
Trong đại dịch, ông Kiên cho biết đã xuất hiện xu hướng người nông dân không phải làm tất cả các nhiệm vụ để bán sản phẩm mà đã xuất hiện dịch vụ TMĐT cho người nông dân. Người nông dân hoàn toàn yên tâm vào sản xuất, các khâu khác đã có các đơn vị bưu chính như Tổng Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel…
Với những lợi thế của Thái Nguyên, ông Kiên đề xuất cần kết nối nông sản Thái Nguyên tới thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển nông sản phát triển bền vững với giá trị cốt lõi là minh bạch, kết nối thị trường, gia tăng giá trị, an toàn.
Về chỉ tiêu, Thái Nguyên có thể đặt 100% hộ SXNN đáp ứng tiêu chí được đưa lên các sàn TMĐT; 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao được đưa lên sàn TMĐT; 100% hộ SXNN lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ hộ SXNN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, ông Kiên đề xuất Thái Nguyên xây dựng 50 thương hiệu gắn với cộng đồng 50 dân tộc tỉnh Thái Nguyên, 100 xã nông thôn mới áp dụng các tiêu chí nâng cao theo Kế hoạch 177; Ứng dụng địa chỉ số, truy xuất nguồn gốc, đa dạng hóa sản phẩm, thương hiệu... và 5 xã thông minh đặc biệt..
Ông Kiên nhấn mạnh tổ công tác 1034 của Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn ở tất cả các mặt để đưa thực phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn./.