Cần có khu "sandbox" công nghệ mới trong quy hoạch khu CNTT tập trung Yên Bình

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 20:47, 17/03/2022

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã đề xuất việc quy hoạch khu CNTT tập trung Yên Bình cần có khu thử nghiệm (sandbox) các công nghệ mới.

Ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên về quy hoạch khu CNTT tập trung Yên Bình do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến làm trưởng đoàn công tác.

Cần có khu

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung khu CNTT tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 tại công văn số 1400/TTg-KSTT ngày 14/10/2020. Quy mô diện tích khu CNTT tập trung là 200 ha (thực hiện ở giai đoạn 1), tiến độ thực hiện dự án là từ quý III/2021 đến quý I/2025.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tiến độ triển khai, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch chi tiết; lập, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lúa; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng  khu CNTT tập trung Yên Bình; trình Bộ TT&TT thẩm định đề án; lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan...

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 và trình tự thủ tục hành chính nên tiến độ triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Đại diện Sở TT&TT Thái Nguyên cũng có đề xuất, kiến nghị Bộ  TT&TT, trong thời gian tới cử đầu mối hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên trong quá trình xây dựng nội dung Đề án; hỗ trợ tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyêt thành lập khu CNTT tập trung Yên Bình, Thái Nguyên.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cùng trao đổi, chia sẻ các nội dung, kinh nghiệm nhằm đưa ra các giải pháp để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về các vấn đề như: quy hoạch xây dựng khu CNTT tập trung, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng… giúp tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án khu CNTT tập trung Yên Bình.

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ CNTT cho biết mô hình khu CNTT tập trung khác với mô hình khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao cả nước hiện có một số khu 100% ngân sách nhà nước. Mô hình khu CNTT lại là mô hình tập trung rất linh hoạt và đất đai cho khu CNTT tập trung đã được mở rộng. Về hiệu suất lấp đầy đều đạt trên 90%, chính vì vậy, Chính phủ đã có những chủ trương, quyết định thành lập những khu CNTT tập trung lớn.

Đối với Đề án khu CNTT tập trung Yên Bình, bà Hương cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cần lưu ý thêm việc quy hoạch sử dụng đất, phân khu, xây dựng các công trình phụ trợ, tỷ lệ sử dụng đất cần làm theo quy định và hướng dẫn trong Nghị định số 154/2013/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp thông tin tập trung.

Bà Hương cũng lưu ý về giải phóng mặt bằng, vốn và hiệu quả đầu tư cần xem xét các tiêu chí đánh giá về hiệu quả đầu tư, dòng vốn theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời, cần đảm bảo các yếu tố an ninh quốc phòng...

Cần có khu sandbox để thử nghiệm công nghệ mới

Cho biết thêm về triển khai quy hoạch của khu CNTT tập trung Yên Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết tỉnh Thái Nguyên rất mong Bộ TT&TT đóng góp các ý kiến cho việc quy hoạch Khu cho chuẩn chỉnh với mong muốn việc quy hoạch đáp ứng tính mở, lĩnh vực nào cần được ưu tiên đầu tư. Việc góp ý sớm để quy hoạch được hoàn thiện ngay từ đầu. Tỉnh cũng sẽ sớm phê duyệt sử dụng đất cho khu CNTT tập trung và theo đề xuất của Vụ CNTT sẽ thực hiện xúc tiến đầu tư sớm.

Qua thông tin của tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết tiến độ triển khai của quy hoạch là hết sức khả quan, cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban ngành và hai địa phương có quy hoạch dự án.

Thứ trưởng tin tưởng Thái Nguyên là một trong những tỉnh có truyền thống đi đầu về công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh sẽ tiếp tục đi đầu về ứng dụng CNTT, thúc đẩy công nghiệp hoá - hiện đại hoá để phát triển đất nước, kinh tế số hướng tới quốc gia thu nhập cao.

Cũng theo Thứ trưởng, tất cả khu CNTT tập trung là nôi nuôi dưỡng công nghiệp CNTT hay từ mới, hiện đại là công nghệ số. Bộ TT&TT hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư quan tâm thúc đẩy xây dựng khu CNTT tập trung này. Việc thành lập được khu CNTT tập trung này không chỉ là trách nhiệm của tỉnh, chủ đầu tư, doanh nghiệp (DN) mà còn trách nhiệm của Bộ TT&TT, đơn vị được Chính phủ giao là đầu mối chịu trách nhiệm thúc đẩy việc xây dựng chứ không chỉ góp ý cho đề án mà Bộ sẽ đứng ra đầu mối làm việc với các đơn vị liên quan để góp ý sớm, để hoàn thiện hồ sơ đề án hoàn chỉnh rồi mới trình lên Chính phủ.

Thứ trưởng cho biết đến năm 2025, Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu từ trung tâm dữ liệu (TTDL) khoảng 30 tỷ USD, khoảng 1% GDP, theo đó, tỉnh có thể nghiên cứu để đón đầu tư về TTDL bởi giờ đây các tổ chức, DN, người dân đều cần sử dụng ĐTĐM.

Trong quy hoạch Đề án, Thứ trưởng đề xuất có thể nghiên cứu tích hợp 1 phân khu thử nghiệm (sandbox) về công nghệ mới, chẳng hạn như thử nghiệm máy bay không người lái (drone) hay có thể nghiên cứu trở thành "cái nôi" phát triển phần mềm AI, tạo không gian cho DN nhỏ và vừa phát triển... Quy hoạch khu CNTT tập trung Yên Bình cần phải khác với khu CNTT tập trung Quang Trung hay Đà Nẵng. Quy hoạch cần bám vào đường hướng, chiến lược phát triển của đất nước hay có thể hỗ trợ gì cho nhà máy Samsung.

Bộ TT&TT sẽ cử cán bộ hỗ trợ tích cực tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện quy hoạch, đảm bảo quy hoạch mở, có tính động, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh, đất nước. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Bộ TT&TT sẽ quan tâm, hỗ trợ, phối hợp với các hiệp hội trong và ngoài nước để giới thiệu đầu tư cho khu CNTT tập trung Yên Bình./.

HL