Ngân hàng số sẽ "khai tử" ngân hàng truyền thống
Diễn đàn - Ngày đăng : 19:06, 15/03/2022
Để làm tốt điều này, các ngân hàng phải thay đổi tư duy trong vận hành, quản trị, đồng thời cần tìm, áp dụng, thay đổi các cơ chế, chính sách phù hợp trong hướng đi đổi mới. Hướng tới thực hiện đạt các mục tiêu quan trọng trên, ngày 15/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Triển vọng ngân hàng số và Xu hướng gắn kết khách hàng đa kênh tại Việt Nam".
Ngân hàng số đang tạo ra sức hút đầy tiềm năng
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho rằng, việc số hóa các hoạt động ngân hàng luôn cấp thiết, quan trọng, giúp thúc đẩy việc kinh doanh đạt hiệu quả và chủ động cuộc chạy đua tăng chất lượng phục vụ, cạnh tranh công bằng, lành mạnh, trải nghiệm khách hàng.
Các ngân hàng số thế hệ mới đã và đang tạo ra sức hút đầy tiềm năng, cơ hội phát triển, bùng nổ thị trường tài chính. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến khốc liệt, áp lực "khai tử" các ngân hàng truyền thống.
Do đó, để các ngân hàng có thể bắt kịp sự thay đổi này, các hệ thống tài chính, ngân hàng cần mạnh mẽ triển khai chiến lược CĐS mạnh mẽ, áp dụng các nền tảng, công nghệ mới như: AI, máy học, dữ liệu lớn data… vào các dịch vụ, hoạt động của mình.
Việc gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng đối với các ngân hàng đang là xu thế tất yếu, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng, các ngân hàng hiện nay. "Điều này khi được thực hiện tốt sẽ đảm bảo gia tăng tăng thêm các cơ hội bứt phá, tăng trưởng bền vững", ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, một điểm thuận lợi mà các công ty tài chính, ngân hàng Việt Nam đang có chính là mức độ các ứng dụng dịch vụ số thời gian qua đang được tạo mọi điều kiện thúc đẩy.
Hơn nữa, chúng ta đang có hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập, kết nối liên thông với các dịch vụ ngân hàng, điều này không chỉ sẽ đảm bảo tạo sự trải nghiệm liền mạch cho mọi lĩnh vực, tiện ích cho người dùng trên không gian số mà quan trọng hơn đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế số.
Ngân hàng số cần một nền tảng ngân hàng tương tác
Ông Riddhi Dutta, Giám đốc Backbase khu vực Đông Nam Á & Nam Á, cho rằng các ngân hàng Việt Nam hiện nay muốn phát triển bền vững cần tăng cường sự tương tác các khách hàng thông qua hai nhân tố quan trọng con người và kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trước khi làm tốt hai nhân tố đó, muốn hình thành, phát triển các ngân hàng số, Việt Nam cần giải quyết triệt để tốt hai vấn đề tài chính là: Làm thế nào để tiết kiệm tốt hơn và cách để quản lý các khoản nợ hiệu quả.
Nói về vấn luận điểm này, ông Riddhi Dutta trích dẫn báo cáo nghiên cứu từ Backbase và Forrester năm 2021, đối với tình hình tài chính của người Việt Nam cho biết người tiêu dùng Việt Nam không thể thanh toán hóa đơn do có những ưu tiên tài chính khác (84%); người tiêu dùng không biết phải tìm đến đâu để nhận được các tư vấn tài chính đáng tin cậy (71%); người tiêu dùng luôn lo lắng về các khoản nợ (62%). "Đặc biệt, chỉ số hài lòng đối với công cụ tiết kiệm thấp mới đạt 43%".
Phân tích về nguyên nhân này, ông Riddhi Dutta cho rằng đó là thói quen tâm lý tiêu dùng, khách hàng, đồng thời chịu sự chi phối của yếu tố tương tác con người với con người đang dần bị coi nhẹ.
"Nhìn ở góc độ hẹp thì những giao dịch nhỏ như chuyển tiền hay thanh toán, con người không cần tới trực tiếp ngân hàng là một điều tuyệt vời, song những giao dịch phức tạp hơn như cầm cố, thế chấp, vay mua nhà… trước khi đưa ra quyết định của mình, họ rất cần sự hỗ trợ từ ý kiến tư vấn trực tiếp của con người", ông Riddhi Dutta nhấn mạnh.
Do đó, ông Riddhi Dutta nhấn mạnh, để thành công trong thời đại kỹ thuật số, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải hiểu cách kết nối với khách hàng và tập trung phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất của khách hàng.
Sở hữu công nghệ mới nhất thôi là chưa đủ, cần biết cách tận dụng nó để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và xây dựng lòng trung thành dài lâu từ chính sự thấu hiểu mới là hướng đi của thị trường.
Quan trọng trong việc phát triển ngân hàng số là các ngân hàng phải gắn kết được khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm, sự trung thành của khách hàng trong dài hạn.
Các ngân hàng cần phải lựa chọn các giải pháp nền tảng công nghệ mới (hệ thống lõi; ngân hàng mở; thị trường fintech), bởi lẽ các khách hàng hiện nay luôn thích tương tác cùng các nền tảng, sản phẩm công nghệ mới. Đây chính là một kỷ nguyên của nền tảng và điều này được Backbase xây dựng, phát triển hoàn thiện nền tảng ngân hàng tương tác.
Theo đó nền tảng ngân hàng tương tác bao gồm 60 tính năng, trong đó có các tính năng bảo mật đồng nhất; quản lý quy trình làm việc và hồ sơ; ra quyết định; phân quyền; AI, máy học; phân tích tài chính; chuyển tiền; cộng tác thời gian thực….
Nền tảng ngân hàng tương tác chính là một nền tảng hoàn hảo bởi lẽ giúp các ngân hàng tăng sức khỏe "tài chính" và gia tăng tỷ suất hoàn vốn (ROI), đặc biệt, giúp các ngân hàng đạt các mục tiêu: tăng hài lòng khách hàng; hỗ trợ nhân viên; số hóa việc vận hành, quản trị; tận dụng sức mạnh các fintech.
Hiện nay, các ngân hàng sử dụng nền tảng ngân hàng tương tác, thành quả thu nhận tích cực: Tiết kiệm được chi phí bảo trì các kênh giao dịch (90%); chi phí CNTT cho các dự án phát triển mới thấp (33%); xâm nhập thị trường nhanh hơn (60%); cải thiện khả năng giữ chân khách hàng (10%).
Nói về tương lai các ngân hàng truyền thống hiện nay, quan điểm của ông Riddhi Dutta cho rằng, vì chúng ta đang ở trong kỷ nguyên của các nền tảng, nên các ngân hàng truyền thống sẽ nhanh chóng lụi tàn, bởi lẽ ngân hàng truyền thống đang tồn tại như một khối "di sản" chậm chạp, lạc hậu nên cần được thay thế dựa trên mô hình các ngân hàng số có tính nền tảng tương tác để hỗ trợ, đảm bảo hành trình khách hàng luôn liền mạch, tiện lợi.
Nói rõ hơn cho nhận định định này, ông Riddhi Dutta, cho biết thêm, vì ngân hàng truyền thống thực chất được xây dựng, hình thành trên nền kiến trúc phân cấp theo hình dạng các ốc đảo rời rạc. Chính vì điều này, khi khách hàng tìm đến các dịch vụ của ngân hàng truyền thống sẽ dễ bị lạc lối. Để chấm dứt nhược điểm này, chúng ta phải hướng đến các mô hình ngân hàng số, để tăng cường các dịch vụ phục vụ khách hàng, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng theo hướng đa kênh, đa lợi ích, lựa chọn.
"Để thành công trong thời đại số, các ngân hàng phải hiểu cách kết nối với khách hàng và phục vụ các nhu cầu thiết yếu nhất. Sở hữu công nghệ mới nhất không thôi là chưa đủ, mà cần phải biết cách tận dụng hiệu quả để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và xây dựng lòng trung thành dài lâu", ông Riddhi Dutta nhấn mạnh một nội dung trong báo cáo từ Forrester./.