Cần đổi mới tư duy để chuyển đổi số thành công và vượt đại dịch
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:12, 14/03/2022
Năm 2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 02 đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 và lần thứ 4, lây lan trong cộng đồng. Trong đó, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,… nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới đa số DN ở hầu hết các lĩnh vực và ngành kinh tế, khiến các DN không chỉ sụt giảm về lợi nhuận và doanh thu, mà còn bị thu hẹp phạm vi và quy mô hoạt động. Có 53,6% DN cho biết, năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế về hoạt động khi phải làm việc tại nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội; 40,9% DN bày tỏ khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp; 37,5% DN gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn về vận chuyển hay sự đứt gãy chuỗi cung ứng; 27,1% DN bị chậm trễ trong việc bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật do các biện pháp hạn chế di chuyển...
Trước những diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch bệnh hiện nay, chắc chắn việc sống chung với COVID-19 sẽ còn kéo dài. Không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và DN, đại dịch còn tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,... Việc tiếp tục sống chung, thích ứng linh hoạt và tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu để tập trung phục SXKD là những yêu cầu cấp bách của Chính phủ cũng như của DN.
Chia sẻ tại hội thảo "Vượt qua đại dịch: CĐS để phục hồi và tăng trưởng trong sản xuất" do VCCI tổ chức mới đây, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN - VCCI cho biết: "Quãng thời gian sống chung với COVID-19 chính là thời điểm quan trọng, là cú huých trăm năm, để DN nhận ra tính ưu việt của CĐS và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình CĐS trong COVID-19. CĐS sẽ giúp các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch".
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN - VCCI, khảo sát của VCCI cho thấy ở thời điểm hiện nay, hầu hết các DN đều mong muốn CĐS nhưng phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức khác nhau bao gồm cả việc xây dựng chiến lược phát triển, chọn giải pháp số tối ưu hoặc tìm kiếm được đối tác tin cậy.
Thêm vào đó, nhận thức của các DN về CĐS cũng chưa có nhiều chuyển biến khi chỉ có 9,4% DN cho rằng chỉ có DN quy mô vừa và lớn mới cần CĐS; hơn 17% DN tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến CĐS; 21,9% DN tin rằng DN nhỏ ít chịu tác động từ CĐS; 23,8% DN biết về CĐS nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện và hơn 36% DN đã nghe qua về CĐS nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu.
"Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi công nghệ số chỉ được DN chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing, bán hàng,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được quan tâm", ông Lương Minh Huân, Viện trưởng EDF VCCI nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số DN lại tỏ rõ nhu cầu lớn, mong muốn ứng dụng các sản phẩm, công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của mình. Theo đó, có hơn 54,5% DN tham gia khảo sát cho biết cần ứng dụng số trong công tác quản trị nội bộ, 48% cần trong công tác bán hàng, hơn 35% cần cho các nhu cầu về sản xuất và gần 30% cần cho việc tối ưu hóa các quy trình hoạt động... Từ đó cho thấy, CĐS thực sự là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Cần đổi mới tư duy để CĐS thành công
Theo ông Lương Minh Huân, để CĐS thành công, DN không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị/công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Những câu chuyện thành công về CĐS cho thấy, những người đi tiên phong trong CĐS là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà.
Còn theo bà Thuỷ, muốn đẩy nhanh tiến trình này, các DN cần sự chủ động và nỗ lực hơn nữa. Đồng thời, Nhà nước cũng tạo dựng môi trường, cải cách thể chế, xây dựng khung pháp lý về CĐS cho phù hợp với khu vực và toàn cầu.
Nhà nước cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc kết nối DN, các nhà cung cấp giải pháp số dựa trên nhu cầu về công nghệ, cũng như tăng cường giới thiệu thông tin, hỗ trợ và phổ cập các phần mềm số trong quản lý và sản xuất đến với DN, hỗ trợ DN CĐS để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Khuyến nghị về việc DN cần làm gì để CĐS thành công, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty công nghệ Rochdale Spears cho biết, CĐS sẽ giúp DN tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng; đồng thời, tối ưu hóa chi phí sản xuất thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình công nghệ. Công nghệ số còn giúp DN tối ưu dòng tiền, giảm bán thành phẩm, giảm nguyên liệu và hàng tồn kho; giúp mô phỏng 3D cho các quy trình tự động hóa máy móc, thiết bị.
Nhờ có CĐS, DN có thể tạo nên tư duy an toàn trong vận hành, thúc đẩy hoạt động đào tạo và phát triển, có chính sách giữ gìn và thu hút nhân tài; làm giàu thêm văn hóa kinh doanh - giá trị cốt lõi của DN...
Vì thế việc lựa chọn cho được một giải pháp, một phần mềm hoạch định nguồn lực DN (ERP) phù hợp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Giang, giải pháp ấy cần sự phù hợp với các mục tiêu mà DN đề ra, phù hợp với tương lai phát triển của DN; giúp DN lập kế hoạch ngân sách hiệu quả, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các đối tác hoặc tự triển khai.
Trong bối cảnh như hiện nay, theo khảo sát của hãng phần mềm Epicor, để có thể duy trì tăng trưởng, các DN sản xuất tại Việt Nam đang đặt ưu tiên vào việc áp dụng công nghệ và hợp tác trong vận hành. Đây chính là cơ hội của CĐS vào sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam.
"Các giải pháp CĐS cho sản xuất có rất nhiều điểm đặc thù. Mỗi một ngành sản xuất hay một ngành hẹp, ví dụ như nội thất, cơ khí… đều có những đòi hỏi riêng. Vì thế, ngành sản xuất đòi hỏi một giải pháp phần mềm chuyên sâu và phù hợp với ngành của mình. Tức là phần mềm sản xuất khó có thể mua đại trà được trên thị trường phần mềm. Epicor là một giải pháp chuyên biệt xây dựng cho từng ngành sản xuất", bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc vùng của Epicor nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Giang Minh Vương, kỹ sư giải pháp của Epicor, CĐS chính là tạo ra các sự liên kết về mặt dữ liệu giữa tất cả các bộ phận.
CĐS được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để các DN sản xuất, thay đổi cuộc chơi của mình vì đây không chỉ là hệ thống quản trị thông tin đơn thuần, mà là giải pháp để biến nhà máy hiện tại trở thành một nhà máy thông minh./.