Để người dân, DN được thụ hưởng trực tiếp lợi ích của CĐS

Xã hội số - Ngày đăng : 12:25, 13/03/2022

Tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong năm 2022 và các năm tiếp theo với các nhiệm vụ cụ thể.

Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ CĐS trong năm 2022

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái năm 2022 được tổ chức ngày 11/3, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được trong thực hiện CĐS của tỉnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của các cơ quan, đơn vị đầu mối như: Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh và sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp (DN) CNTT - viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi, lợi ích của CĐS - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: Những kết quả bước đầu trong thực hiện CĐS của tỉnh Yên Bái thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng DN và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư mang lại. 

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy, đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ CĐS trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức cho biết năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề để thúc đẩy tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX đảng bộ tỉnh; là năm được Bộ trưởng Bộ TT&TT coi là năm "tổng tiến công CĐS".

Theo định hướng tổng tiến công CĐS trong năm 2022 để người dân, DN được thụ hưởng lợi ích của CĐS, Bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 195-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về CĐS nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái cũng đề nghị tập trung đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tổ chức hội nghị, dạy và học trực tuyến, làm việc từ xa, họp không giấy tờ, chữ ký số để các hoạt động kinh tế - xã hội không bị gián đoạn. Đồng thời đưa việc sử dụng các nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, DN và người dân thành một thói quen.

Tiếp theo, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào khai thác, sử dụng Dự án Trung tâm điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái (thuộc Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Yên Bái). Đặc biệt, chú trọng triển khai có hiệu quả các hạng mục về y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử (TMĐT)… để người dân, DN sớm được thụ hưởng các thành quả trực tiếp từ Đề án.

Phấn đấu sớm đưa hạng mục thông tin chỉ đạo, điều hành vào hoạt động với mục tiêu giúp cho cấp có thẩm quyền có thể ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được cập nhật, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

Tập trung xây dựng mô hình thí điểm CĐS cho cấp sở, huyện, xã phường, trường học, DN. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện CĐS toàn dân.

Tích cực huy động, lồng ghép đa dạng các nguồn lực thực hiện CĐS; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các tập đoàn, công ty viễn thông, CNTT để tư vấn, hỗ trợ và cung cấp giải pháp, dịch vụ CĐS trên địa bàn tỉnh; Có giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực nhà nước trong thực hiện CĐS.

Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ TT&TT và chủ động phối hợp với các DN ngành bưu chính, viễn thông để triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ CĐS tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa như: phủ sóng 3G, 4G; cung cấp Internet cáp quang băng thông rộng; hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho các hộ nghèo; triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến mobile money…

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, DN, người lao động, người dân về CĐS; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT hiện có; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ chuyên ngành CNTT, CĐS làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước; Quan tâm thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng ĐTTM tỉnh Yên Bái; nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ CĐS cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về CĐS cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh.

Để người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi, lợi ích của CĐS

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã chủ động, quyết liệt triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh.

Người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi, lợi ích của CĐS - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: định hướng CĐS xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh định hướng CĐS xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của CĐS.

Cụ thể, Thứ trưởng nêu rõ cần: 

 1. Phổ cập sử dụng sàn TMĐT cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. 

 2. Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm. 

 3. Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện. 

 4. Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng. 

 5. Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, DN. 

 6. Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhỏ và vừa. Bộ TT&TT cũng đề nghị các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong năm 2022. 

Để CĐS hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND đặc biệt lưu ý 3 điểm là: nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng; quản lý kinh phí chi cho ứng dụng CNTT, CĐS và mô hình CĐS thành công.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "CĐS là một hành trình dài. Để đi đường dài thì chúng ta đi cùng nhau. Tuy đường dài nhưng không vì đường dài mà chúng ta chậm ra kết quả. Bộ TT&TT đề nghị chúng ta cùng đo lường kết quả theo tối thiểu là theo tháng, mỗi tháng có một kết quả nhỏ, mỗi quý có một kết quả trung bình, mỗi năm có một kết quả đột phá". 

CĐS với quan điểm 3-T, mô hình 4-G và cách làm 5-L

Là đơn vị đầu mối triển khai CĐS của tỉnh Yên Bái, ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cho biết: "Một trong những việc quan trọng nhất mà Yên Bái đã làm được thời gian qua là đưa cụm từ "CĐS" vào tiềm thức mỗi cán bộ, mỗi người dân trong tỉnh".

Người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi, lợi ích của CĐS - Ảnh 3.

Giám đốc Sở TT&TT Hoàng Minh Tiến: Yên Bái sẽ có những bước đi dài, vững chắc trong tiến trình CĐS năm 2022

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái đã chia sẻ CĐS với quan điểm 3-T, mô hình 4-G và cách làm 5-L. Theo quan điểm 3-T về CĐS gồm: nhận thức phải Thống nhất; hành động phải Trọng tâm và nguồn lực phải Thỏa đáng.

Về mô hình CĐS, ông Hoàng Minh Tiến cho biết thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 51-NQ/TW và được sự định hướng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở TT&TT đã tham mưu đề xuất và được UBND tỉnh giao triển khai 05 mô hình thí điểm về CĐS tại 8 cơ quan, đơn vị trong nửa đầu năm 2022. Đó là các mô hình CĐS: (1) cấp xã/phường; (2) cấp huyện; (3) cơ quan nhà nước; (4) doanh nghiệp; (5) trường học và vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có giao thêm thí điểm mô hình thứ 6 là triển khai Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái.

Qua trao đổi, thảo luận, đối với mỗi mô hình thí điểm CĐS, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cho biết cần trả lời được 4 câu hỏi gì: mô hình CĐS này có mục tiêu là gì? Để làm được điều đó phải làm gì? Điều kiện cần là gì? Và cuối cùng, phân công ai làm gì?

Về mô hình CĐS có mục tiêu là gì: cần có mục tiêu đo -  đếm - định lượng được. Phải làm gì từ mục tiêu, xác định cụ thể các việc, nhiệm vụ phải làm. Điều kiện cần là gì thì phải xác định rõ, định lượng nguồn lực gì, từ đâu, ở đây là các nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật và cả thể chế. Phân công ai làm gì là phân vai, phân nhiệm phải tường minh. Rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành.

Về cách làm CĐS, Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ là làm việc dễ đến khó, bé đến lớn; làm dần; lấy người dân dẫn dắt cơ quan nhà nước; lực lượng nòng cốt là DN công nghệ số; lập thói quen, kỹ năng CĐS.

Giám đốc Sở TT&TT Hoàng Minh Tiến nhấn mạnh với quyết tâm chính trị của người đứng đầu tỉnh, với điều kiện hạ tầng số đã sẵn sàng và sự đồng lòng, chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Yên Bái sẽ có những bước đi dài, vững chắc trong tiến trình CĐS năm 2022./.

HL