Bắc Giang ứng dụng công nghệ số, chủ động phương án tiêu thụ và xuất khẩu vụ vải thiều 2022
Kinh tế số - Ngày đăng : 05:58, 12/03/2022
Vải thiều là một trong những đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang. Trong năm vừa qua, Bắc Giang đã trải qua mùa vải thiều có thể nói là khó khăn nhất trong lịch sử khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, Bắc Giang cũng đã lập được những kỷ lục mới về sản lượng, chất lượng và tiêu thụ.
Trong một cuộc làm việc gần đây về phương án tiêu thụ vải thiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho rằng, năm 2021 mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đã làm rất tốt công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều. Lần đầu tiên trái vải thiều của Bắc Giang đã vượt bão COVID-19, lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước và được thị trường quốc tế đánh giá cao; chất lượng vải thiều của Bắc Giang đã làm nên thương hiệu, mở ra một hướng đi mới cho niên vụ vải thiều 2022. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh đã có những buổi làm việc, lên phương án để chủ động hướng tiêu thụ, xuất khẩu đặc sản này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Bá Thành cho biết năm 2022, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.300 ha. Đến nay, trà vải sớm giai đoạn nở hoa - đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%; vải thiều chính vụ, bắt đầu ra hoa, tỷ lệ ra hoa khoảng 75%. Với tình hình ra hoa như hiện nay, sản lượng vải toàn tỉnh dự kiến sẽ đạt kế hoạch 160.000 tấn.
Nhằm phục vụ công tác tiêu thụ vải thiều năm 2022 được thuận lợi, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì 149 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (diện tích 15.867 ha, ước sản lượng khoảng 95.000 tấn); 30 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (diện tích 219 ha, ước sản lượng 1.800 tấn); đồng thời duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc, EU... với 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha, ước sản lượng đạt 1.600 tấn.
Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã phối hợp với các huyện rà soát bổ sung các vùng trồng theo yêu cầu của các thương nhân, doanh nghiệp (DN); tiến hành loại bỏ các vùng trồng không đảm bảo yêu cầu; đồng thời thực hiện số hoá 43 vùng sản xuất vải tập trung với diện tích 430 ha tại các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam...
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên và các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình tổ chức sản xuất vụ vải thiều năm 2022; Thực hiện tốt công tác dự báo, sớm có những định hướng, chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho mùa vụ năm 2022.
Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều qua mạng Internet
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức: Hội nghị "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ năm 2022" theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2022); Lễ xuất hành Vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn (dự kiến diễn ra vào ngày 17/5); chuỗi Sự kiện và Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh (dự kiến tvào ngày 28/5/2022); chuỗi các Sự kiện Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam (dự kiến triển khai trong tháng 5, tháng 6)…
Bên cạnh việc chuẩn bị phương án tổ chức Hội nghị trực tuyến để tuyên truyền, quảng bá, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin mùa vụ với các kênh phân phối thông qua hạ tầng Internet, Zalo…: chủ động xây dựng và tạo lập kênh, nhóm là thành viên đại diện các tập đoàn phân phối, các chợ đầu mối, các thương nhân, nhà quản lý… thực hiện kết nối, trao đổi thông tin trực tuyến về dự kiến mùa vụ. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch COVID-19, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời có giải pháp, đề xuất tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo để đảm bảo niên vụ vải thiều 2022 tiếp tục thắng lợi.
Trong năm 2021, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã được chỉ đạo tổ chức gán mã địa chỉ bưu chính Vpostcode cho 100% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, ngành Công thương tập trung chỉ đạo tuyên truyền đến các DN, các sàn TMĐT, thúc đẩy chuyển đổi số trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là thường xuyên tương tác trực tuyến với các DN xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Trong vụ vải thiều vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán… nên vải thiều được tiêu thụ trên các trang TMĐT tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước (đạt trên 8.000 tấn, trong đó có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn TMĐT), đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên trên thế giới.
Sở Công Thương đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 DN, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến; quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn… Năm 2021, Sở Công Thương đã hỗ trợ 01 DN của tỉnh tham gia trên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com, bước đầu đã có những khách hàng tại các nước như Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức ghé thăm và tìm hiểu.
Triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Bắc Giang năm 2022
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch Số 495/KH-UBND về việc triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trong năm 2022. Theo đó, Bắc Giang phấn đấu năm 2022 sẽ có thêm 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, và vải thiều Lục Ngạn, cùng với những nông sản như gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ… là những sản phẩm dự kiến đạt 5 sao.
Để đạt mục tiêu, tỉnh đã chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, từ xây dựng website quảng bá đến đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu OCOP, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS) về Chương trình OCOP; Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đánh giá hậu kiểm sản phẩm OCOP sau phân hạng. Các hoạt động này sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm 2022.
Một trong những giải pháp được lãnh đạo tỉnh đưa ra là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận đạt sao; Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, CĐS trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng CNTT, khoa học xã hội trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của địa phương.
Theo đó, Sở KH&CN sẽ chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, đồng thời tổng hợp, đề xuất nhiệm vụ KH&CN hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP./.