Yên Bái chuyển đổi số: Tư duy đổi mới, giải pháp “thông minh”

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:06, 11/03/2022

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách “thông minh”. Trong đó, ưu tiên đầu tư và các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, “dễ làm trước, khó làm sau”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh...

Tỉnh Yên Bái xác định chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Do đó, nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Tỉnh ủy Yên Bái đã sớm ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Y tế là một trong những ngành tiên phong của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng và tiếp cận các công nghệ số trong quản lý, khám chữa bệnh (KCB). Việc sử dụng bệnh án điện tử hay phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS - PACS) trong KCB tại các bệnh viện đã giúp các bác sĩ đưa ra kết luận nhanh chóng, chính xác trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và giảm thiểu rác thải nhựa trong bệnh viện. Triển khai hợp phần y tế thông minh trong tổng thể Đề án đô thị thông minh của tỉnh, ngành y tế Yên Bái đã kết nối từ xa giữa các cơ sở y tế trong tỉnh với các bệnh viện tuyến trung ương trong công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý hoạt động của ngành.

Hiện nay, hệ thống KCB từ xa Telemedicine và bệnh án điện tử đang được duy trì hiệu quả tại 5 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Sản - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.

Nỗ lực chuyển đổi số đã giúp ngành y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực; nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian KCB, giảm các thủ tục hành chính, làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Một ví dụ thuyết phục trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 hiện nay: khi số lượng F0 trên địa bàn và số bệnh nhân điều trị tại nhà tăng nhanh, ngành y tế đã kịp thời triển khai "Hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” theo địa chỉ https://chamsocsuckhoe.yenbai.gov.vn.

Thông qua khai báo của người nhiễm Covid - 19 trên ứng dụng khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đội ngũ y tế đã kịp thời tiếp cận và hỗ trợ. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp một số tính năng, tiện ích như: xem lịch sử diễn biến sức khỏe; xem các tài liệu hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe của ngành y tế.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ số, sử dụng bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, y tế thông minh… là hướng đi của ngành để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng cũng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tư duy và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh của giới doanh nhân. Chiếc điện thoại thông minh là phương tiện hữu hiệu để chị Phùng Thị Tuyến - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao Miến đao Quy Mông đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Yên Bái chuyển đổi số: Tư duy đổi mới, giải pháp “thông minh” - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thông qua Zalo, Facebook, Sàn giao dịch thương mại điện tử, Voso.vn của Bưu chính Viettel Chi nhánh Yên Bái tạo ra nhiều cơ hội cho miến đao Quy Mông đến với khách hàng.

Chị Tuyến cho biết: "Khi chúng tôi chưa tiếp cận với phương thức bán hàng qua mạng, khách hàng thường phải gọi điện trực tiếp hoặc qua giới thiệu của bạn bè. Sau khi tiếp cận và đưa sản phẩm lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, miến đao Quy Mông được khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn và nhiều người đặt mua sản phẩm hơn”.

Trước những khó khăn do đại dịch, nhiều HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã lựa chọn giới thiệu hay mua sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử. Từ đó, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã được đưa lên sàn.

Ông Lê Huy Hoàng - Giám đốc Bưu chính Viettel Chi nhánh Yên Bái cho biết: "Viettel Post Yên Bái đã chủ động hỗ trợ cập nhật gần 100 sản phẩm OCOP của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn với mục tiêu kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận với thương mại điện tử, thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Viettel Post hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quảng cáo sản phẩm, đăng bài, quy trình kỹ thuật để mở rộng thị trường, hỗ trợ kết nối và bàn giao sản phẩm đến người tiêu dùng”.

Không chỉ Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, Yên Bái đã hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên các sàn giao dịch. Đến nay, đã đưa 607 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tạo nhiều cơ hội cho nông sản Yên Bái đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tiếp cận phương thức kinh doanh mới, hiện đại và hiệu quả.

Ông Lương Ngọc Chiểu - Giám đốc Hợp tác xã Chè Hương Lý chia sẻ: "Được hỗ trợ đưa các sản phẩm của chúng tôi lên sàn thương mại điện tử là điều rất tuyệt vời. Hy vọng, thông qua sàn sẽ có thêm nhiều khách hàng biết đến sản phẩm và lượng tiêu thụ cũng sẽ tăng lên”.

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách "thông minh”. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, "dễ làm trước, khó làm sau”, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh...

Đến nay, Yên Bái đã tạo lập một số nền tảng ban đầu cho chuyển đổi số, trong đó có nền tảng về chính quyền số. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối, vận hành tốt với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số.

Giai đoạn 1 của Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025 đã cơ bản hoàn thành, tạo lập một hạ tầng số hiện đại gồm Trung tâm Tích hợp dữ liệu (DC), nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng... sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới.

Về kinh tế số, xã hội số, tỉnh đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP. 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang. Hiện nay, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%; 100% số cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục.

Trên cơ sở đó, người dân và doanh nghiệp bắt đầu có tiếp cận về công nghệ thông tin và các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, Yên Bái cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định: trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế (nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số ở các ngành, địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số và những bất cập trong hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hạ tầng chuyển đổi số); ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh trật tự… còn triển khai đơn lẻ; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành.

Để giải quyết những khó khăn này, tỉnh Yên Bái đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Với mục tiêu đến năm 2025, Yên Bái đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, huy động, bố trí nguồn lực hợp lý để triển khai với lựa chọn thông minh lộ trình thông minh và giải pháp thông minh, phù hợp với điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái:

"Với nguồn lực còn hạn hẹp, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách "thông minh” riêng. Đó là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, dễ làm trước, khó làm sau. Tỉnh ưu tiên xây dựng chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số và từ đó đánh giá mục tiêu, công nghệ, cách làm, tính hiệu quả trước khi nhân rộng”.

Mạnh Cường