Lục Ngạn áp dụng KHKT nỗ lực vì một mùa vải bội thu
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:01, 11/03/2022
Đặc biệt, huyện Lục Ngạn sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trồng trọt, mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hơn 15,7 nghìn ha vải thiều. Trong đó, diện tích vải sớm gần 2,8 nghìn ha, còn lại là vải thiều chính vụ và vải muộn.
Nhuộm đỏ xứ vải thiều Lục Ngạn
Việc áp dụng KHKT cao vào trồng trọt, chú trọng từng khâu chăm sóc tốt và nhờ thời tiết năm nay vô cùng thuận lợi nên toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 70% diện tích vải đã trổ hoa. Với diện tích vải thiều của huyện ước đạt hơn 15,7 nghìn ha sẽ cho sản lượng ước đạt gần 95,5 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải sớm gần 2,8 nghìn ha, sản lượng hơn 20,8 nghìn tấn. Đặc biệt, diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 12,7 nghìn ha và vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 117 ha.
Để có thể đứng vững trên những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ và nhiều nước bạn khó tính… thì đòi hỏi chất lượng từng quả vải thiều của Lục Ngạn không chỉ về hình thức, mẫu mã mà chất lượng phải vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt vẫn phải giữ được hương vị riêng của vùng đất đồi. Chính vì điều đó huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp về mặt kỹ thuật, cụ thể:
Hai xã Thanh Hải và Hộ Đáp sẽ được huyện xây dựng mô hình điểm về sản xuất vải theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 10 ha; thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ; xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, quy mô 200 ha bằng thiết bị bay không người lái.
Việc cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho từ 60 - 70 ha, GlobalGAP cho 20 ha sẽ được hỗ trợ kinh phí. Các xã Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Sơn và Hộ Đáp trước khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với diện tích 143 ha vải sẽ được hỗ trợ giá thuốc bảo vệ thực vật và phân tích mẫu sản phẩm.
Việc cấp mới 3 mã số vùng trồng với diện tích 30 ha cũng được huyện Lục Ngạn triển khai chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, từ đó nâng tổng số mã số vùng trồng năm 2022 lên 30 vùng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng…
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Lục Ngạn luôn thực hiện "mục tiêu kép" vừa tích cực tìm giải pháp giúp người dân tăng năng suất cây trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm vải thiều vừa xây dựng phương án chi tiết, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 được an toàn, thuận lợi; Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu./.